Bút ký: ĐĂNG HUỲNH
"Đồng chó ngáp", "xứ độn trâu"
là những cách gọi một vùng đất thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Tên gọi nghe buồn nẫu ruột ấy đã phác họa phần nào bức tranh hoang hóa, phèn mặn của một thời chưa xa.
Trở lại "đồng chó ngáp" hôm nay, chúng tôi thật sự ngạc nhiên với những vuông tôm bạt ngàn, những cánh đồng lúa sung mãn và những dãy nhà lầu san sát.
Một thuở "Nhà Lầu"
 |
Nhà lầu san sát nhau ở ấp Nhà Lầu.
Ảnh: DUY KHÔI |
Ở xã Ninh Thạnh Lợi A hiện có 2 ấp mang tên khá đặc biệt: Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2. Đem thắc mắc này hỏi những vị cao niên và người dân trong xã, ai cũng cười khoái chí. Chú Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, kể: "Gần 20 năm trước, khách vãng lai hỏi xóm này là xóm gì, mình tình thiệt trả lời: "Xóm Nhà Lầu!". Họ cười ngất bởi từ đầu làng cuối xóm, đâu đâu cũng chòi lá, nhà xập xệ, ban đêm đèn dầu leo lét". "Như vầy mà Nhà Lầu gì trời?" nhiều người thốt lên với vẻ ngạc nhiên trong sự đắng đót của người dân bao đời gắn bó với vùng đất này.
Nhấp ngụm trà nóng, chú Hoàng giải thích gốc tích của địa danh "Nhà Lầu" quê mình. Ngày trước, Ninh Thạnh Lợi là vùng đất trũng phèn, hoang hóa, cánh đồng hắt mùi phèn chua. Thời đó, xóm chỉ toàn "dân độn trâu" (thuật ngữ chỉ những người giữ trâu thuê mùa nước nổi). Cái tên Nhà Lầu xuất phát từ chuyện trước năm 1945, trong xóm duy nhất có một căn nhà gác gỗ của ông Cả Trí một người khá giả từ địa phương khác đến khai hoang, lập nghiệp. Những ngày Cách mạng Tháng Tám, căn nhà đã được tháo dỡ lấy cây cắm xuống dòng kinh Phó Sinh Cạnh Đền để chặn tàu Tây. Cái tên "Nhà Lầu" cũng có từ đó. Nhớ lại chuyện xưa mới thấy bùi ngùi vì thời đó nhà lầu là niềm ước ao của người dân xứ này.
Ông Nguyễn Hoàng, ông Năm Bảo hay ông Nguyễn Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã
đều là người cố cựu. Họ như những pho tư liệu sống, thấu hiểu cái nghèo, cái khổ của người địa phương, nhất là trong thời kỳ chiến tranh. Vùng đất Ninh Thạnh Lợi trước đây là nơi đóng của căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, bom cày đạn xới, hố bom nhiều hơn giếng làng. Mùa nước lên thì tràn đồng, bông súng, rong rêu phủ kín mặt nước; mùa khô thì phèn mặn tràn vào, đỏ như nước trà quạu. Bà con kể rằng, những năm thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, một công đất trồng lúa nơi đây thu hoạch chừng 2 đến 3 giạ lúa, họa hoằn lắm mới được 5 giạ nhưng chỉ toàn lúa lửng do nhiễm phèn. Nhớ cái cảnh mót từng bông lúa teo héo, sậm đen, ai từng trải qua cũng phải chạnh lòng. Dường như không loại cây kinh tế nào sống được ở đây do phèn mặn, ngoại trừ dớn, choại và bình bát.
Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, chỉ có cây trúc sống được nên bà con địa phương tập tành đan đát kiếm sống. Nghề đan thúng, rổ, bội ở Nhà Lầu trở thành một nghề truyền thống nổi tiếng, giúp bà con có cái ăn, cái mặc nhưng cuộc sống còn lắm khó khăn và cái "nhà lầu" vẫn là một ước mơ
"Kỳ tích" con tôm!
Những người nông dân từng gắn bó với mảnh đất này qua bao cuộc dâu bể; từng uống nước dòng kinh Phó Sinh Cạnh Đền, chẳng lòng nào bỏ quê. Họ tìm cách sống ở nơi chôn nhau cắt rốn này. Người tiên phong có lẽ là ông Năm Nguyên (tức ông Nguyễn Hồng Nguyên), ở ấp Nhà Lầu 1. Nghe đồn miệt Cà Mau bà con nuôi tôm trúng, cất nhà, mua xe dễ ợt, "một liều năm bảy cũng liều", ông Năm Nguyên rủ anh em mình đi học cách làm giàu, hẹn một ngày sẽ về lại Nhà Lầu cất nhà lầu. Nhưng cuộc đổi đời của anh em ông Năm Nguyên đâu phải dễ. Mướn đất nuôi tôm nhưng vụ thì tôm bể, chết hàng loạt, vụ thì tôm da thiết không lớn
khiến gia đình bao phen điêu đứng. Cần mẫn, ham học hỏi và không ngại gian khó, ông Năm Nguyên nắm những "bí quyết" của dân nuôi tôm như: rải vôi bột ém phèn, rải phân tạo tảo làm thức ăn cho tôm
Năm 1995 đúng 10 năm rời quê "học cách làm giàu" - ông Năm Nguyên có tiền tỉ trong tay, về quê cất căn nhà lầu 2 tầng sừng sững giữa đồng hoang. Bà con trầm trồ không ngớt.
Con tôm sú đã làm một cuộc đổi đời trên quê hương Nhà Lầu. Chú Nguyễn Hoàng mắt sáng bừng khi nhắc đến chuyện làm ăn. Sau hòa bình, chú là dân độn trâu "thâm niên". Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám người cựu chiến binh từng "vào sinh ra tử". Chú Hoàng quyết chí cải tạo đất, đào mương, lên liếp trồng khóm. Những vụ đầu khóm trái oằn sai lại được giá nên kinh tế đủ sống. Nhưng 5 năm sau, đất bạc màu, khóm lão hóa. Cây khóm đã "hết duyên hết nợ" với đất Nhà Lầu. Chú Hoàng lại ban đất, bao ngạn làm vuông nuôi tôm. Hiện 20 công đất mang về cho chú Hoàng hàng trăm triệu mỗi năm, 6 đứa con đều đã lập gia đình và cũng đều là những triệu phú trẻ.
Ông Nguyễn Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy xã, phấn khởi: "Bây giờ, triệu phú ở xã này thì không sao kể xiết, còn tỉ phú cũng phải đến hàng trăm hộ." Theo thống kê mới đây của UBND xã Ninh Thạnh Lợi A, trong số 2 ngàn hộ trong xã có đến gần 1.200 hộ khá, giàu, trong đó hơn 100 hộ thu nhập bạc tỉ mỗi năm. Hai ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 là tập trung những "đại gia chân đất" nhiều nhất xã. Điều đáng phấn khởi là riêng ở Nhà Lầu, có nhiều "đại gia" có tiền tỉ trong tay khi tuổi đời không quá 30. Nhưng hình ảnh tỉ phú ở mảnh đất này rất khác lạ. Họ cũng tay lấm chân bùn, tay chai sạn vì nắng gió, móng chân cũng quến phèn vàng rực, gương mặt già trước tuổi bởi âu lo, toan tính thức trắng từ những vụ tôm không đạt để tìm lối ra
Bữa cơm cũng cá với rau, chẳng có sơn hào hải vị. Bà con nói rằng: "Nuôi con tôm cực khổ chớ đâu dám ăn. Ăn tiếc đứt ruột!". Và rồi những "niềm tin vô căn cứ" như: không được ăn tôm nướng, không dùng chỉa đâm tôm
vì sẽ làm vuông tôm "bể" (tôm chết) khiến ai cũng phải cảm thông bởi đó không là mê tín mà sâu xa hơn, đó là sự trân trọng, gìn giữ những thành quả mà mọi người "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới có được.
Nhà Lầu hôm nay san sát là những dãy nhà lầu 2, 3 thậm chí 4 "tấm" bệ vệ, oai phong giữa một vùng đất bạt ngàn vuông tôm, vuông cá. Chủ nhân của những căn nhà ấy giờ là những nông dân tiến bộ, rất "nhuyễn" trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cắc cớ hỏi bất cứ ai về quá trình cải tạo đất, nước, thuần hóa con giống
bạn sẽ nghe bà con trình bày gãy gọn, chính xác không khác gì những nhà khoa học. Điều đáng mừng là trên đất này đang bung nở những bông hoa của đất đó là thế hệ tiếp sau mang trí thức về xây dựng quê hương. Hiện nay, tính riêng ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 đã có khoảng 120 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có người còn là thạc sĩ, tiến sĩ
Những nông dân Nhà Lầu luôn xác tín một điều rằng: "Bán vuông tôm cũng phải cho con cái đi học đến nơi đến chốn. Giàu của mà nghèo cái chữ thì người ta coi dân Nhà Lầu này ra gì!".
* * *
Có một sức sống mãnh liệt trên cánh đồng chó ngáp. Giấc mơ "nhà lầu" của bà con một thời độn trâu đổi gạo đã thành hiện thực. Những người suốt một đời gắn bó với mảnh đất này coi đó như một câu chuyện cổ tích có hậu. Nhưng với tôi, đó là một hệ quả tất yếu: người không bỏ đất, đất chẳng phụ lòng người đất với người Nhà Lầu đã làm nên một cuộc đổi đời bằng mối tình sâu nặng có quá trình lâu dài không chỉ một đời người mà nhiều đời truyền tiếp.