08/03/2012 - 14:25

Câu hỏi chương trình Thầy thuốc gia đình

Chuyên đề “Bệnh mạch vành và phương pháp can thiệp nội mạch”

Trong chương trình Thầy thuốc gia đình Kỳ thứ 23 do BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp với VTV2 Cần Thơ phát sóng vào 20 giờ Chủ nhật 26-2-2012, có 30 câu hỏi của bà con chưa được diễn giả trả lời trực tiếp. Chuyên trang sức khỏe của Báo Cần Thơ điện tử xin giới thiệu.

1.Võ Thị Kiếu, Xã Trường Thành, H. Thới Lai, TPCT, SĐT: 0123.431.3416

Hỏi: Tôi năm nay 58 tuổi, bị tăng huyết áp đã 2 năm rồi. Tôi thường uống thuốc

hạ máu nhiều cộng với thuốc trợ tim. Xin cho biết uống thuốc như thế có ảnh

hưởng gì đến tim? Và có dẫn đến bệnh mạch vành hay không? Tôi lâu lâu thấy

tim hơi thắt lại, đó có phải là dấu hiệu của bệnh mạch vành ?

Trả lời: Việc dùng thuốc hạ huyết áp mỗi ngày là cần thiết, nhưng bác cần phải kiểm tra huyết áp của mình bằng cách tự theo dõi tại nhà hoặc đến trung tâm y tế để có sự điều chỉnh thuốc cho phù hợp với tình trạng thực tế của bác, không nên tự mình dùng thuốc một thời gian dài mà không có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Có như vậy mới đạt được mục tiêu bảo vệ tim mạch một cách hữu hiệu nhất. Về dấu hiệu điển hình của bệnh mạch vành mạn tính thì đau ngực, mệt ngực hoặc khó thở khi gắng sức là triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, có những trường hợp đau ngực không điển hình như bác mô tả, đặc biệt khi bệnh nhân có thêm các bệnh khác như đái tháo đường… Vì thế bác nên đi đến bệnh viện có khoa tim mạch để được xác định chẩn đoán.

2. Đinh Thị Bạch Phượng, số 198/8 KV 8, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TPCT,

SĐT: 01277.461.440.

Hỏi: Tôi 30 tuổi, rất hay bị đau ngực, mệt và khó thở, lặp đi lặp lại khoảng 10 ngày hơn/ 1 lần, mỗi lần đau 2-3 tiếng, kéo dài 2-3 ngày. Các Bác sĩ vẫn chẩn đoán là tim bình thường. Tôi rất băn khoăn lo lắng trước tình hình bệnh của mình. Mong các Bác sĩ hướng dẫn giúp tôi. Xin chân thành cám ơn.

Trả lời: Về triệu chứng của chị, có thể xem là một trường hợp đau ngực không điển hình có nghĩa là ít nghĩ về bệnh mạch vành, đặc biệt ở phụ nữ trẻ tuổi và không có bệnh đi kèm như chị. Các xét nghiệm cần thiết chị nên làm là Xquang tim phổi thẳng, điện tâm đồ, siêu âm tim (để loại trừ các bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim…).

3. Lê Thị Kính, Q. Ninh Kiều, TPCT.

Hỏi: Cuống tim dày có ảnh hưởng đến tim mạch không?

Trả lời: Trong danh từ chuyên môn không có thuật ngữ cuống tim. Đây có thể là từ để chỉ cơ tim dày cho bệnh nhân dễ hiểu. Về nguyên nhân, có thể là do tăng huyết áp hoặc một số bệnh lý bệnh cơ tim như bệnh cơ tim phì đại... Nên cần xác định lại rõ là nguyên nhân gì để có kế hoạch điều trị vì đó có thể là hậu quả của một loại bệnh tim mạch.

4. Nguyễn Thị Diễm, Xã Thạnh Lợi, H. Thốt Nốt, TPCT, SĐT: 0972.690.550

Hỏi: Tôi bị đau giữa ngực kéo dài, siêu âm tim bác sĩ nói bình thường, tiểu đường không có. Xin hỏi triệu chứng đó có phải là do bệnh mạch vành gây ra không?

Trả lời: Nếu triệu chứng của chị xảy ra khi gắng sức ví dụ như đi bộ, leo cầu thang… thì đó là dấu hiệu của bệnh lý mạch vành. Chị không nói là chị bị đau ngực trong hoàn cảnh nào nên chưa thể kết luận được. Một số trường hợp có thể gây nhầm lẫn là các bệnh lý về dạ dày như bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản…Cách tốt nhất, chị nên đến trung tâm tim mạch để có hướng chẩn đoán xác định cho chị.

5. Lê Thị Hường, số nhà 29/6B, đường 30/4, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 0128.9620.607

Hỏi: Con tôi 15 tuổi, trước đây khoảng 5 năm cháu hay có những cơn đau ngực. Đi khám thì không phát hiện bệnh gì. Xin hỏi đó có phải là bệnh mạch vành không? Nếu đi khám để phát hiện bệnh thì nên khám ở đâu?

Trả lời: Ở tuổi 15 như con chị thị khả năng bệnh mạch vành là rất thấp trừ khi có những bệnh lý do bẩm sinh. Chị nên cho cháu kiểm tra Xquang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm tim, nội soi dạ dày – thực quản…để có thể phát hiện các bệnh lý khác ngoài bệnh lý tim mạch.

6. Nguyễn Thị Hồng, H. Phong Điền, TPCT, SĐT: 07103.747.269

Hỏi: Xin chương trình cho tôi biết địa chỉ phòng khám tim mạch tại TP.HCM?

Trả lời: Tại bệnh viện TPHCM, có rất nhiều trung tâm tim mạch, ngoài các bệnh viện lớn như BV Chợ Rẫy, Viện Tim TPHCM, BV Nhân Dân 115, BV ĐH Y Dược…, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn Premier cũng có đầy đủ những trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch.

7. Phạm Thị Huỳnh Hoa, 250/4, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 0903.118.139

Hỏi: Con tôi 9 tuổi thường đang học bị khó thở, nhói vùng ngực. Tôi đi khám tại khoa Nhi TP.CT hai lần mà kết luận con tôi không bị gì. Xin hỏi chương trình cho cách phòng ngừa?

Trả lời: Ớ lứa tuổi thiếu niên, nếu loại trừ được các bệnh lý tim bẩm sinh thì đau ngực thường do nguyên nhân tâm lý, stress … đặc biệt gặp khi thi, kiểm tra… nên cách phòng ngừa tốt nhat là tạo môi trường sống thoải mái, không nhiều áp lực cho cháu. Nên khuyến khích cháu tham gia vào các hoạt động văn thể, thể dục thể thao…


8. Thạch Hải, 216 đường 30/4, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TPCT, SĐT: 01629.201.014

Hỏi: Tôi đi khám Bác sĩ cho tôi biết tim bị mệt tỉ lệ 100/70. Xin chương trình tư vấn cách điều trị?

Trả lời: Chẩn đoán Bác vừa nêu không thật chính xác nên không thể tư vấn cho Bác được. Bác nên đến trung tâm tim mạch để có những chẩn đoán chính xác hơn.

9. Nguyễn Thị Cẩm Tú, Mỹ Lợi A, Lợi Tường, H. Cái Bè, Tiền Giang, SĐT: 0126.467.8386.

Hỏi: Có phương pháp nào để hỗ trợ khi bệnh mạch vành tái phát nếu nhà ở xa trạm y tế? Tôi thường hay bị đau nhói ở ngực. Xin hỏi có phải đó là bệnh mạch vành không?

Trả lời: Bệnh động mạch vành đòi hỏi sự điều trị liên tục bằng thuốc cũng như các biện pháp không dùng thuốc khác với mục đích kiểm soát các yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng bệnh, ngay cả khi đã can thiệp bằng các biện pháp như đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu…Nếu bệnh mạch vành tái phát cấp tính khi ở xa trạm y tế, có thể dùng nhóm thuốc nitrat để ngậm dưới lưỡi và nhanh chóng di chuyển bệnh nhân đến trung tâm y tế để có những bước xử trí tiếp theo. Việc đau nhói ở ngực có thể còn do nhiều nguyên nhân khác ngoài bệnh mạch vành. Chị nên đến các trung tâm tim mạch để có những biện pháp chẩn đoán thích hợp.

10. Trần Thị Ngọc Cẩn, tổ 6, ấp 6, Xã Mỹ Thành Nam, H. Cai Lậy, Tiền Giang, SĐT: 0987.942.602

Hỏi: Tôi năm nay 68 tuổi, nặng 44 kg không cao huyết áp, 10 năm nay tôi bị thiểu năng vành, rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn não, tôi ăn uống rất kém, khi lao động bị đau ngực, khó thở, tay chân bũn rũn, chóng mặt, khi uống canxi sủi bọt thì thấy khỏe. Tôi hút thuốc rê mỗi ngày 2-3 điếu. Mong các Bác sĩ hướng dẫn tôi cách điều trị? Chân thành cám ơn.

Trả lời:

Với triệu chứng của Chị cung cấp, có hai khả năng thường gặp nhất đó là bệnh mạch vành hoặc bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Chị nên đến gặp Bác sĩ chuyên khoa tim mạch để có hướng chẩn đoán thích hợp. Và Chị nên bỏ thuốc lá.

11. Nguyễn Thị Dậu, Xã Sơn Định, H. Chợ Lách, Tỉnh Bến Tre, SĐT: 01265.879.188

Hỏi: Mẹ tôi 57 tuổi, thường hay bị lên huyết áp, ngực hay bị nhói, 2 tay bị nổi chấm đỏ. Xin hỏi có phải đó là triệu chứng bệnh mạch vành không?

Trả lời:

Có nhiều bệnh nhân khi huyết áp tăng cao, ngực có thể bị nhói. Do đó mẹ chị cần phải được Bác sĩ chuyên khoa tim mạch hướng dẫn cách điều trị tăng huyết áp bằng thuốc và không dùng thuốc. Có như vậy mới hạn chế được những cơn tăng huyết áp. Triệu chứng nhói ngực của mẹ Chị cũng cần phải được tầm soát bệnh mạch vành vì ở phụ nữ mãn kinh, tăng huyết áp như mẹ Chị thì đã bắt đầu có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.

12. Huỳnh Văn Nhân, Xã Đông Yên, H. An Biên, Tỉnh Kiên Giang, SĐT: 0163.315.8033

Hỏi: Nhờ diễn giả cho biết nguyên nhân dẫn đến bệnh cao huyết áp? Cách điều trị như thế nào và hiện nay có thuốc điều trị hay không?

Trả lời:

Chỉ có một số ít trường hợp tăng huyết áp có nguyên nhân và thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Đối với tuổi trung niên và người cao tuổi, tăng huyết áp thường vô căn. Cách điều trị tăng huyết áp hiện nay gồm biện pháp không dùng thuốc và biện pháp dùng thuốc và hai biện pháp này thường kết hợp chặt chẽ với nhau. Biện pháp không dùng thuốc bao gồm: giảm ăn mặn, đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, giảm ăn các loại mỡ động vật, nội tạng,…, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia…

13. Ngô Kim Chi 38 tuổi, 38 Ấp Trần Trẹt, Xã Bàng Tân Định, H. Giồng Riềng, Tỉnh Kiên Giang, SĐT: 0943.074.142

Hỏi: Tôi bị rối loạn tim, uống thuốc hoài không hết. Xin chương trình tư vấn cách điều trị tuyệt đối bệnh này. Chân thành cám ơn.

Trả lời:

Ở phụ nữ lứa tuổi của Chị, rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh thực vật, hạ canxi là những chẩn đoán các Bác sĩ thường đặt ra. Trường hợp này thường tăng khi căng thẳng, lo lắng, xúc động, tức giận và không thể điều trị tuyệt đối căn bệnh này nếu chị vẫn thường gặp những trạng thái nói trên. Do đó, Chị cần phải cố gắng thoải mái, thư giãn, tránh lo lắng, xúc động, thường xuyên tập thể dục, thì mới giảm được sự tái phát của căn bệnh này.

14. Châu Thị Diệu Hiền, Ấp Thứ Nhất, Xã Tây Yên, H. An Biên, Tỉnh Kiên Giang, SĐT: 0169.946.5782

Hỏi: Thỉnh thoảng ngực tôi bị khó thở, nghẹn. Đi khám Bác sĩ bảo thiếu máu cơ tim. Xin hỏi bệnh thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không? Chế độ ăn uống kiêng cử gì không?

Trả lời: Nếu Chị khó thở, nghẹn khi lo nghĩ thì có hai khả năng thường gặp, đó là rối loạn thần kinh thực vật hoặc bệnh mạch vành (bệnh thiếu máu cơ tim). Do đó chị cần phải đến trung tâm tim mạch để xác định chẩn đoán. Điều cần thiết là Chị phải cố gắng tránh lo lắng, xúc động, thường xuyên tập thể dục. Về bệnh thiếu máu cơ tim, thì bệnh này có thể dẫn đến biến chứng cấp tính là nhồi máu cơ tim hoặc các biến chứng mạn tính như suy tim, rối loạn nhịp tim, giảm khả năng gắng sức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Về chế độ ăn uống, cần giảm ăn mặn (không dùng nước mắm, nước tương, muối, chao,…), đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, giảm ăn các loại mỡ động vật, nội tạng,…, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia…

15. Cao Nguyễn Thành Phú, 05 tổ 1, Ấp An Tài, Xã An Phước, H. Tân Hồng, Tỉnh Đồng Tháp, SĐT: 0168.9713.102

Hỏi: Năm nay cháu được 9 tuổi, nặng 34 kg, hay bị đau ngực, khó thở, da xanh, mệt mỏi kéo dài khoảng 30 phút sau khi chạy giỡn hoặc thậm chí là khi ngồi nghỉ. Đi khám các Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm thần kinh tim. Không biết chẩn đoán có chính xác hay không? Nơi nào khám bệnh tốt nhất?

Trả lời: Cháu Phú cần được làm các xét nghiệm như Xquang tim phổi thẳng, điện tâm đồ, siêu âm tim để loại trừ các bệnh tim bẩm sinh trước khi kết luận viêm thần kinh tim. Những phương tiện trên có thể dễ dàng thực hiện tại những bệnh viện có chuyên khoa tim mạch.

16. Lê Kim Thọ, Ấp Tân Khánh, Xã Tân Thành, H. Lai Vung, Tỉnh Đồng Tháp, SĐT: 0673.648.841

Hỏi: Tôi 65 tuổi, bị bệnh tim năm 1986, đi khám bệnh ở Bệnh viện Hòa Hảo TP.HCM nói tôi bị hở van 3 lá, thiếu máu cục bộ. Hiện nay, ngực tôi hay bị đau thắt. Xin hỏi cách điều trị như thế nào?

Trả lời:

Với triệu chứng như trên ở một bệnh nhân 65 tuổi như bác cần phải xác định chẩn đoán rõ ràng hơn nữa với các biện pháp có độ tin cậy tương đối cao hơn như siêu âm tim gắng sức, chụp CT đa lát cắt, hoặc chụp động mạch vành bằng phương pháp DSA.

17. Trần Thanh Nhật, 209 Trần Hưng Đạo, TX Sa Đéc, SĐT: 0913.651.150

Hỏi: Trị bệnh mạch vành ở bệnh viện nào tốt nhất? Bệnh viện đó có thanh bảo hiểm cho bệnh nhân khi trị bệnh này?

Trả lời: Bệnh mạch vành đã được điều trị từ lâu ở tất cả các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch. Riêng ở TPHCM, đã có nhiều bệnh viện thực hiện điều trị bằng chụp và can thiệp ĐMV như Viện Tim TPHCM, BV Chợ Rẫy, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, BV Nhân Dân 115, BV ĐH Y Dược, BV Nhân Dân Gia Định, BV Thống Nhất, BV Nguyễn Trãi, BV Trưng Vương, BV Tim Tâm Đức, BV 175,… Tùy trường hợp cụ thể, BHYT có chế độ thanh toán cho chụp và can thiệp ĐMV theo khung giá đã được ban hành.

18. Lê Minh Trí, KV7, TX Ngã 7, Tỉnh Hậu Giang, SĐT: 01269.346.526

Hỏi: Bà Nội tôi 60 tuổi, bị hẹp động mạch vành, hẹp ở 3 nhánh, 1 nhánh 30%, 1 nhánh 50%, nhánh còn lại 70%. Xin hỏi bị hẹp như vậy có nguy hiểm không? Có cần mỗ không? chi phí điều trị là bao nhiêu ?

Trả lời:

Một nhánh động mạch vành được xem là hẹp có ý nghĩa khi hẹp từ 50% trở lên, và những mạch vành hẹp từ 70% trở lên thì có thể gây thiếu máu cơ tim. Đối với bà nội của bạn, nếu đã được xác định bằng cách chụp ĐMV bằng phương pháp DSA thì có thể điều trị bằng cách đặt stent nhánh động mạch hẹp 70% nếu nhánh đó là nhánh chính (vì bạn chưa nêu rõ tên nhánh). Song song đó, điều trị bằng thuốc và không dùng thuốc cũng rất quan trọng để phòng ngừa bệnh diễn tiến cũng như phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

19. Phan Thị Xuân, ẤP 4A, Tân Hòa, Châu Thành A, Hậu Giang, SĐT: 0989.197.180

Hỏi: Năm nay tôi 36 tuổi, bị hẹp hở van 2 lá đã 3-4 năm nay, đi khám ở viện tim được các Bác sĩ xét nghiệm hở ¼ hẹp 1.1, vậy tôi có cần phẫu thuật hay không?

Trả lời:

Nếu bệnh của bạn là hở van hai lá ¼ thì hiện tại không có chỉ định phẫu thuật. Bạn nên theo dõi thường xuyên ở Bác sĩ chuyên khoa.

20. Lê Minh Khoa, Xã Vọng Thê, Ấp Tân Hiệp, H. Thoại Sơn, Tỉnh An Giang, SĐT: 0168.829.6251

Hỏi: Con tôi được 10 tháng tuổi, bé bị bệnh giãn động mạch vành tim, nhờ diễn giả cho biết cháu uống thuốc có hết hẳn không? Nếu chữa trị thì có phương pháp điều trị ra sao và nên đi khám ở đâu?

Trả lời:

Đối với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ, thông thường biện pháp thuốc không thể chữa khỏi. Bạn cần đưa cháu đến các bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Nhi đồng 2 để được khám và điều trị theo tuyến. Tại những bệnh viện này, hiện tại đã có đầy đủ phương tiện để điều trị các bệnh tim bẩm sinh.

21. Lê Minh Toàn, Ấp Phú Hữu, Phú Hòa, Thoại Sơn, An Giang, SĐT: 0166.558.7620

Hỏi: Tôi 50 tuổi, không hút thuốc, không tăng huyết áp, tôi bị tắt nghẽn mạch trái chính nhưng các mạch phụ phát triển tốt thì có cần can thiệp Nội mạch hay mổ bắt cầu hay không?

Trả lời: Trong trường hợp của chú, có thể suy đoán bác bị tắc nhánh liên thất trước vì nếu tắc nghẽn thân chung ĐMV trái sẽ gây các triệu chứng nặng nề hơn cho chú. Khi nhánh liên thất trước bị tắc nghẽn, và có tuần hoàn bàng hệ thì có thể xem xét can thiệp nội mạch khi có triệu chứng đau ngực, khó thở hoặc suy giảm chức năng tim trên siêu âm hoặc có bằng chứng thiếu máu cơ tim trên các phương tiện gắng sức.

22. Nguyễn Thị Kiểm, 487 Ấp So Đũa, Vĩnh Hòa Hiệp, Châu Thành, Kiên Giang, SĐT: 0166.2405.417

Hỏi: Tôi 56 tuổi, hay bị mệt dưới lồng ngực. Đi khám Bác sĩ bảo thiếu máu cơ tim, tôi bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Xin hỏi có phải tôi bị bệnh mạch vành?

Trả lời:

Đái tháo đường được xem là yếu tố tương đương với bệnh động mạch vành vì có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường mắc bệnh động mạch vành, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên 10 năm. Trường hợp của chị nên đến các trung tâm tim mạch để có những chẩn đoán xác định chính xác.

23. Thạch Thị Ly, Xã Hòa Đông, Vĩnh Châu, Sóc Trăng, SĐT: 079.652.0653

Hỏi: Con tôi 12 tuổi, thỉnh thoảng bị đau ngực, khám Bác sĩ chẩn đoán bị thiếu máu cơ tim và bị đau thắt ngực, nhờ diễn giả cho biết phương pháp điều trị và trị ở đâu có hiệu quả?

Trả lời:

Ở lứa tuổi con chị, rất hiếm trường hợp bệnh thiếu máu cơ tim, trừ những trường hợp bẩm sinh, nên cần phải được chẩn đoán rõ ràng chính xác bằng các phương tiện hình ảnh như CT đa lát cắt, chụp động mạch vành qua phương pháp DSA.

24. Nguyễn Văn Lập, 51 Ấp Long Thành, Tân Long, Ngã Năm, Sóc Trăng, SĐT: 0124.225.2324

Hỏi: Tôi năm nay 62 tuổi, hơi béo, tôi ăn tỏi theo thói quen là: sáng ăn 1 tép, chiều ăn 1 tép, kéo dài đã 15 năm nay. Nghe nói ăn như vậy sẽ chống bệnh tim mạch. Hiện tôi không có bệnh về tim mạch, xin hỏi có phải nhờ ăn tỏi?

Trả lời:

Theo một số công trình nghiên cứu, tỏi làm giảm độ nhớt của huyết tương, làm giãn các động mạch nhỏ, và có làm giảm nhẹ cholesterol và triglyceride, do đó có lợi cho tim mạch. Tuy nhiên, điều quan trọng là chú có một thể trạng tốt, không có các bệnh có thể là yếu tố nguy cơ cho bệnh động mạch vành như tăng huyết áp, đái tháo đường hay thói quen hút thuốc lá.

25. Nguyễn Ngọc Ánh, 294 Ấp Cổ Cò, Ngọc Tố, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, SĐT: 0976.022.754

Hỏi: Tôi 49 tuổi, bị hở van tim 2 lá, tụt huyết áp, đau thắt ngực kéo dài 1-2 tiếng, tôi bị khó thở, mệt khi xúc động, lao động vừa, xin cho hỏi cách điều trị? Trả lời:

Chị Ánh chưa nói rõ mức độ hở van hai lá nên chưa thể nói chính xác được mức độ ảnh hưởng của hở van tim đối với sức khỏe. Tuy nhiên, điều chị có thể thực hiện là tránh gắng sức và xúc động, lo lắng, căng thẳng để giảm đi yếu tố khởi phát của bệnh

26.Đỗ Văn Mười, Ấp 5B, Ba Trinh, Kế Sách, Sóc Trăng, SĐT: 0907.416.287

Hỏi: Tôi bị mệt và đau vùng tim, đau không theo từng cơn. Đau 1, 2 tháng thì hết đến 1,2 tháng sau thì bệnh tiếp tục tái phát. Xin hỏi đó là bệnh gì? Bệnh suy tim và suy nhược thần kinh tim có giống nhau hay không? Viêm khớp biến chứng qua bại liệt đau 2, 3 lần có ảnh hưởng đến tim mạch không?

Trả lời:

Triệu chứng bạn nêu trên không phải là triệu chứng điển hình của bệnh tim. Nó có thể là triệu chứng của bệnh tim, của bệnh phổi, của bệnh dạ dày thực quản. Do đó, bạn cần phải đến trung tâm tim mạch để được chẩn đoán xác định.

Suy tim là một hội chứng thực thể có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh cơ tim, bệnh van tim… còn bệnh suy nhược thần kinh tim thường không phải là một bệnh thực thể mà thường do nguyên nhân tâm lý.

Không phải bệnh viêm khớp nào cũng ảnh hưởng tim mạch. Thông thường chỉ có bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn nhóm A mới có thể ảnh hưởng đến các van tim, thông thường gây nên bệnh hẹp hở van hai lá.

27. Huỳnh Thanh Lễ, Ấp 5A, Ba Trinh, Kế Sách, Sóc Trăng, SĐT 0793.606.626

Hỏi: Bệnh cao huyết áp hiện nay rất phổ biến vậy bệnh này có liên quan đến tim mạch không? Nếu có thì nguyên nhân bệnh và cách phòng trị như thế nào? Triệu chứng bệnh ra sao? Làm sao phát hiện bệnh sớm nhất?

Trả lời:

Bệnh tăng huyết áp chính xác là một bệnh tim mạch, và đa số là không tìm được nguyên nhân. Triệu chứng của bệnh thường gặp là đau đầu, chóng mặt, cảm giác ruồi bay trước mắt,… tuy nhiên có những trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng và chỉ phát hiện khi có những biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Cách phòng bệnh đơn giản là giảm ăn mặn (không dùng nước mắm, nước tương, muối, chao,…), đi bộ ít nhất 30 phút/ngày, giảm ăn các loại mỡ động vật, nội tạng,…, bỏ thuốc lá, giảm rượu bia…

28. Trần Thị Tuyết Hạnh, Ấp Phú Xuân, Thạnh Hòa, Phụng Hiệp, Hậu Giang, SĐT: 0902.015.504

Hỏi: Bác sĩ bảo tôi thiếu máu cơ tim. Xin hỏi có phải bệnh này là giai đoạn đầu của bệnh mạch vành không?

Trả lời:

Thiếu máu cơ tim nếu được chẩn đoán chính xác là bệnh động mạch vành.

29. Nguyễn Thị Cúc, Ấp 1, Long Mỹ, Long Mỹ, Hậu Giang, SĐT: 0166.446.7835

Hỏi: Tôi 58 tuổi, bị thiếu máu cục bộ cơ tim, điều trị ở bệnh viện Hoàn Mỹ 5 ngày. Thế nhưng, hiện nay khi về nhà tôi thường hay bị đau ngực, mệt tim. Xin hỏi làm thế nào để trị hết bệnh? Tôi bị tiểu đường đã hơn 2 năm nay.

Trả lời:

Nếu đang điều trị tại bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, Bác có thể tái khám tại bệnh viện và khi cần bác có thể được bác sĩ chuyên khoa tim mạch giới thiêu chụp CT đa lát cắt hoặc các biện pháp gắng sức khác để chẩn đoán xác định.

30. Nguyễn Thị Phượng, 5/7 Ấp An Hội, Kim Sơn, Châu Thành, Tiền Giang, SĐT: 0733.894866

Hỏi: Chồng tôi 50 tuổi, hút thuốc 5-7 điếu/ ngày. Sau lần bị nhồi máu cơ tim cấp cứu tại bệnh viện, chồng tôi được điều trị bằng cách luồng ống kim loại trong mạch. Xin cho biết chồng tôi có thể bị tái phát nhồi máu cơ tim không?

Trả lời:

Bệnh động mạch vành là bệnh điều trị suốt đời, bên cạnh các loại thuốc quan trọng cần dùng liên tục như Aspirin, thuốc hạ cholesterol,… chồng chị phải tuyệt đối không hút thuốc lá sau khi đặt stent vì bệnh có thể tái phát nếu không được điều trị và tập luyện đúng phương pháp. Và nếu có tái phát thì vẫn có thể tiếp tục dùng biện pháp đặt stent như trước.

ThS. BS. Trần Nguyễn An Huy
Khoa Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Hoàn Mỹ® Sài Gòn Premier

Chia sẻ bài viết