07/02/2010 - 10:07

Chuyện Cai Thoại đánh cọp

Trên đầu kinh Kiểm Lâm hơn cây số, qua khỏi lung Bất Mãn, có một gò đất sét sậy đế mọc um tùm gọi là Thổ Mô Đế nằm cạnh đường Thét Lãi. Tục truyền đó chính là mộ chôn con chó trung thành đã đánh cọp cứu chủ. Dân gian kể rằng người chủ của chú chó dũng cảm đó ông Tám Tánh - một người thợ rừng, có người lại bảo đó là chính là ông Cai Thoại – người nổi tiếng đánh đuổi cọp dữ rừng U Minh. Không biết đúng hay sai, nhưng chuyện kể rằng:

Sau khi cuộc kháng chiến của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực thất bại, những nghĩa quân còn lại thay tên đổi họ, trốn tránh để tránh sự truy sát của quân Pháp. Ông Cai Thoại - người đội trưởng nghĩa quân có tính khí quật cường - đi sâu vào rừng U Minh cất một cái chòi và nuôi một con chó cò làm bạn. Ông Cai có sức khỏe phi thường, hàng ngày dắt chó cò đi săn heo rừng để sinh nhai.

 

Một buổi sáng, ông Cai chuẩn bị cơm, dắt chó cò đi thăm bẫy heo rừng. Đến nơi, ông cắm sào cột xuồng xong lấy cây mác gọi chó cò lên bờ theo ông. Mọi hôm vừa ghé lại là con chó đã hăng hái phóng lên trước, hôm nay nó lại nằm co rên rỉ, té đái có vũng. Ông Cai lấy làm lạ nhưng bỏ qua vì thấy cần bẫy bật đã lên biết chắc là đã có thú dính bẫy. Ông tiến lại gần thấy cần bẫy bị kéo vào một lùm choại và bị bó chổi cong cong. Cai Thoại cảnh giác ngay vì nếu là những con heo nọc chãng bị mắc bẫy thường hay bó chổi lại rồi cắn bỏ khúc chân, núp vào lùm đâu đó chờ người đánh bẫy đến bất thần xổ ra đánh trả thù. Nhiều người vô ý đã bị chết vì mất cảnh giác.

Cai Thoại cẩn thận, cầm chắc cán mác thủ thế tiến đến. Con chó cò nằm dưới xuồng kêu rên thảm thiết như gọi ông trở lại. Ông không để ý cứ tiến đến gần lùm choại. Còn độ chục bước chân nữa, ông thấy lùm choại rung rinh chắc chắn là đã có con vật nào nằm trong đó. Ông thủ thế sẵn, nạt lớn: “Heo !” Tức thì có một tiếng gầm “À ... um !” vang rừng đáp lại. Một con cọp lớn vằn vện phóng ra chụp phủ lên ông. Cai Thoại quá bất ngờ, choãi chân ra sau trụ lại, nghếch mũi mác hứng lấy tấm thân nặng nề đang đà chụp xuống. Con cọp bị mũi mác xốc lút vào ngực sựng lại, hai chân đạp xuống đất để bườn tới, hai chân kia bơi bơi, cố tát cho được kẻ thù. Ông Cai vận hết sức xuống tấn chữ đinh chỏi lại. Người cầm cán mác, cọp đầu mũi mác, hai bên cố hết sức mạnh đẩy nhau, quyết một mất một còn.

Con cọp này đến rình ăn con heo rừng vô tình mắc bẫy. Nó đang cố tìm cách thoát ra thì thình lình nghe tiếng quát của ông Cai, theo quán tính nó bổ đại về phía tiếng la, không ngờ xốc phải mũi mác của ông Cai. Bây giờ nó không thể thoái lui được, còn ông Cai cũng không rút mác ra được nữa. Cọp càng đau càng gầm gừ, bườn tới, hai chân sau đạp cỏ văng tứ tung. Ông Cai càng trụ lại chân càng lún sâu xuống đất xốp. Lưỡi mác càng xuyên sâu vào ngực, con cọp càng tiến gần về ông Cai. Nó nhe răng trắng nhởn, xòe mười cái móng nhọn hoắc quơ về phía ông tát liên tục. Ông Cai đã thấm mệt, mồ hôi tuôn thành dòng, hơi thở mệt nhọc. Con chó cò cứ nằm rên rỉ như sắp chết. Đang mệt, sắp không còn sức trụ lại nữa, thấy con cò như vậy Cai Thoại tức mình quát:

- Nó sắp giết tao rồi, để vậy sao Cò!

Nghe tiếng ông, con chó bỗng như được truyền sức mạnh. Nó bật dậy lao vút vào con cọp, đốp một cái ngập sâu vào đùi con cọp rồi ngậm cứng đó. Người ta bảo rằng chó mà bắt hơi cọp sẽ sợ té đái, không dám nhúc nhích, nhưng chó mà đã cắn được cọp thì con cọp đó sẽ bị rút móng, xương cốt mềm nhũn không còn sức mạnh nữa. Ngực con cọp bị choãi trên lưỡi mác của ông Cai, đùi bị con chó cò cắn bám riết không nhả. Con cọp đau đớn vùng vẫy điên cuồng, chân kia nó chòi đạp vào đầu vào bụng con chó. Chó cò bị đạp trúng mắt lòi ra, ruột gan tuôn lòng thòng nhưng hai hàm răng nó vẫn cắn cứng đùi con cọp như hai cái bò cạp sắt.

Lúc sau con cọp giãy vuột khỏi mũi mác, kéo theo con chó lết vào rừng. Ông Cai mệt muốn ngất xỉu, nằm bệt ra đất thở dốc. Một hồi bớt mệt ông cầm mác theo dấu con cọp, độ vài trăm mét gặp xác con chó rớt lại. Cách đó vài bước chân con cọp dữ đã giãy chết. Ông Cai đau xót vô cùng, ôm xác con chó xuống xuồng lấy vải đỏ bọc lại rồi quay trở về chỗ vừa diễn ra trận kịch chiến sinh tử. Ông Cai ôm xác con chó trung thành nước mắt chảy thành dòng. Ông gạt nước mắt tìm chỗ để đào mộ chôn con cò. Vì sợ mùa nước nổi ở đây, nước sẽ làm trôi mất ngôi mộ, ông Cai ở lại tại nơi đánh nhau với cọp đào bỏ ba thước lớp đất, móc đất sét đắp thành cái mộ chôn con chó. Ông Cai chôn chó cò xong cắm cây mác lên đầu mộ rồi bỏ đi mất. Từ đó không ai thấy ông trở về căn chòi giữa rừng nữa.

* * *

Ngày nay ngã ba đầu kinh Kiểm Lâm trở thành ngã tư Nông Trường, đường “Thét Lãi” trở thành Lung “Bất Mãn”, cả một vùng rừng rậm hoang vu trở thành vườn ruộng phì nhiêu của xã Vĩnh Tiến, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang. Cái gò chôn con chó hy sinh cứu chủ được người dân gọi là “Thổ Mô Đế” chỉ còn là tên gọi, nhưng truyện về Cai Thoại đánh cọp vẫn mãi là truyền thuyết bi hùng về cuộc đấu tranh sinh tử giữa người với thiên nhiên vẫn còn mãi.

DIỆP MAI

Chia sẻ bài viết