07/08/2022 - 09:48

Chuyển biến tích cực trong xây dựng đô thị thông minh 

Bài, ảnh: ANH KHOA

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-4-2017 của Thành ủy "Về xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025" (Nghị quyết số 10-NQ/TU), TP Cần Thơ đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong tình hình mới. Cuối tháng 7-2022, Thành ủy Cần Thơ có Công văn số 549-CV/TU yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh trong thời gian tới.

Cần Thơ tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Trong ảnh: Một góc đô thị thành phố.

Kết quả tích cực trên 9 lĩnh vực

Trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, các cấp, các ngành thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh phù hợp với ngành, lĩnh vực quản lý và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, bám sát yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số gắn với phát triển thành phố thông minh, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, thể hiện trên 9 nội dung như xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, quy hoạch thông minh, quản lý giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh, chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh, chính quyền thông minh - công dân thông minh, chính quyền thông minh - dịch vụ thông minh, nông nghiệp thông minh, quản lý an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội thông minh.

Cụ thể, thành phố đã xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc 17/18 lĩnh vực Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra, gồm: dân số, lao động và gia đình; cấp thoát nước; đầu tư; công nghiệp; nông nghiệp; xây dựng, nhà ở; thương mại; du lịch; giao thông; môi trường; giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; khoa học công nghệ - sáng tạo; y tế; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; trật tự trị an - tội phạm; tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của sự phát triển; đất đai. Về quy hoạch thông minh, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ngành tài nguyên và môi trường đang xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn của ngành (cơ sở dữ liệu đất đai của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, huyện Phong Ðiền…). TP Cần Thơ cũng đang lập các quy hoạch tích hợp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Về quản lý giao thông thông minh, thành phố đã thành lập Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng trực thuộc Sở Giao thông vận tải. Ðây là bước trung gian (thực hiện trong giai đoạn 2021-2022), tiến tới nâng cấp thành "Trung tâm Quản lý Giao thông đô thị" của thành phố, với đầy đủ các chức năng của một đô thị thông minh (quản lý giao thông khu vực trung tâm thành phố, cải thiện các dịch vụ vận tải công cộng, quản lý và điều hành giao thông đô thị theo hướng thông minh cho thành phố…). Về chính quyền thông minh - doanh nghiệp thông minh, thành phố cụ thể hóa bằng các chỉ số về cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy, Sở đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tham mưu UBND thành phố ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ 4.0 phục vụ phát triển TP Cần Thơ thành đô thị thông minh. Theo đó, đã triển khai 4 đề tài, dự án cấp thành phố phục vụ chuyển đổi ứng dụng khoa học công nghệ. Sở tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch về triển khai hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025…

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện những công việc thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương mình vẫn còn lúng túng và chưa chủ động đẩy mạnh; nhất là ở một số ngành, lĩnh vực giữ vai trò, vị trí quan trọng như thông tin và truyền thông, xây dựng, tài nguyên - môi trường, giáo dục, y tế, lao động, thương binh và xã hội, nội vụ, tư pháp, kế hoạch và đầu tư, công thương... Ngoài ra, tốc độ phát triển chung của thành phố theo hướng đô thị thông minh chưa thật sự xứng tầm, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra; vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU chưa được phát huy đúng mức.

Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 10-NQ/TU. Rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thành mục tiêu nghị quyết đã đề ra, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4-8-2021 của Thành ủy về chuyển đổi số TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố để xây dựng TP Cần Thơ thành đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tập trung phát triển, hoàn thiện hạ tầng và các dịch vụ đô thị thông minh, trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố. Xây dựng đô thị thông minh gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường sự kết nối, trao đổi thông tin giữa chính quyền các cấp, giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp; giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị thông minh và bền vững, phù hợp với quy hoạch đô thị Việt Nam và vùng ÐBSCL; đảm bảo cân đối nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ðẩy mạnh thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp tích cực cho các hoạt động xây dựng đô thị thông minh; ứng dụng các mô hình quản lý thông minh trong đời sống xã hội, góp phần đẩy mạnh phát triển thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.

Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, thành phố đã thực hiện thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai một số lĩnh vực thông minh, như y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, tài nguyên và môi trường, du lịch, an ninh trật tự… Hướng tới, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền thông minh trong toàn công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân thành phố. Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, các nền tảng số và các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng; hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành: y tế, giáo dục, doanh nghiệp; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian trên cơ sở hợp nhất dữ liệu của các ngành, kết nối liên thông đồng bộ về kho dữ liệu dùng chung của thành phố để chia sẻ dữ liệu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo.

Chia sẻ bài viết