24/07/2014 - 22:11

Chung tay lo chuyện đền ơn đáp nghĩa

Thành phố Cần Thơ hiện có trên 32.000 gia đình chính sách. Thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể TP Cần Thơ đã có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Nổi bật là các hoạt động cất nhà tình nghĩa, hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết tốt chế độ chính sách, tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ...Trong quá trình triển khai, thực hiện, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách nghĩ, cách làm sáng tạo để đưa các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, vừa nêu cao tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

Bài 1: GIÚP CÁC GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH AN CƯ

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

 Cán bộ Quận đoàn Bình Thủy và Đoàn trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ ký kết nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời
8 Mẹ VNAH trên địa bàn quận Bình Thủy. Ảnh: H. THU

Sau những ngày mưa dầm, ngôi nhà của chú Trương Văn Chổ, thương binh 4/4, khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy như rạng rỡ hơn dưới những tia nắng sớm. Ở tuổi 86, lại thêm các vết thương đau nhức khi trái gió trở trời nên mấy ngày qua chú Chổ không khỏe lắm. Dù vậy, chú rất hào hứng khi giới thiệu với chúng tôi về ngôi nhà tình nghĩa khang trang vừa được cất lại vào cuối năm 2013. “Năm 2003, chính quyền địa phương cất tặng gia đình tôi căn nhà tình nghĩa. Theo thời gian, nhà đã cũ nên năm rồi địa phương tiếp tục xây tặng căn nhà tường này. Mấy năm nay, chính quyền địa phương khi thì thăm hỏi, tặng quà lúc thì khám phát thuốc miễn phí... tình nghĩa đó tôi không thể nào quên được. Các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở đây đều được chăm lo tốt” - Chú Chổ bộc bạch.

Cũng như chú Chổ, thời gian qua, chú Lâm Tấn Nghị ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy luôn được địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo. Chú Nghị tham gia bộ đội từ năm 1972. Đến năm 1975, đất nước thống nhất, chú chuyển công tác về Sở Thương nghiệp Hậu Giang và nhiều đơn vị khác. Không có đất, bao năm qua gia đình chú Nghị phải thuê nhà trọ ở, cuộc sống rất khó khăn. Cuối năm 2013, từ quỹ đất công, quận Bình Thủy đã hỗ trợ cất nhà tình nghĩa cho chú Nghị. Chú tâm sự: “Sau khi nghỉ hưu, tôi phụ vợ đi bán vé số. Tiền kiếm được chỉ đắp đổi qua ngày, đã vậy hàng tháng còn phải trả tiền nhà trọ. Được địa phương quan tâm cất nhà tình nghĩa, tôi mừng lắm...”.

Không riêng chú Chổ, chú Nghị, nhiều gia đình chính sách chúng tôi gặp đều phấn khởi trước sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước về nhiều mặt. Thời gian qua, công tác chăm lo, đặc biệt là việc cất nhà tình nghĩa giúp các gia đình chính sách, người có với công cách mạng ổn định cuộc sống được Thành ủy, UBND thành phố xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; chỉ đạo các cấp ủy đảng đưa vào nghị quyết nhiệm kỳ, năm, đề ra chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện cụ thể. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nhất là 10 năm qua, khi Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với sự lãnh chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố rà soát, nắm chặt hoàn cảnh các đối tượng chính sách, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng hộ; quan tâm cất, sửa nhà tình nghĩa giúp các đối tượng chính sách an cư, ổn định cuộc sống.

Những cách làm sáng tạo

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của các cấp ủy đảng, nhiều ban, ngành, đoàn thể đã có những cách nghĩ, cách làm sáng tạo. Điển hình như quận Bình Thủy, từ năm 2004, trong khi nhiều đơn vị gặp khó trong xây dựng nhà tình nghĩa, thì Quận ủy Bình Thủy đã đề ra chỉ tiêu hoàn thành 70 căn nhà tình nghĩa. Quận đã mạnh dạn giao cho các phường làm chủ đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa. Nhờ đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2004, giữa bộn bề công việc của một quận mới chia tách, Bình Thủy đã hoàn thành chỉ tiêu cất 70/70 căn nhà tình nghĩa của năm. Nhắc lại chuyện này, nhiều đồng chí lão thành cách mạng trên địa bàn quận đều khen: Cách làm này đã nâng cao vai trò và tinh thần trách nhiệm của các phường, xã trong khâu triển khai xây dựng, giám sát về vật tư, thi công công trình… Do đó, tiến độ không chỉ nhanh mà chất lượng nhà tình nghĩa cũng đạt yêu cầu về thiết kế, thẩm mỹ. Hơn nữa, do thực hiện công tác xã hội hóa, nhiều gia đình chính sách được cấp nhà tình nghĩa được người thân, con cháu, hàng xóm, bạn chiến đấu… cùng góp sức. Những năm sau này, khi một số gia đình chính sách không có đất, thì quận Bình Thủy lại có chủ trương lấy quỹ đất công để xây dựng nhà cho các gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Trong năm 2013, từ quỹ đất công, quận Bình Thủy đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ tiền cất 3 căn nhà tình nghĩa tại phường Trà Nóc.

Hay như ở huyện Cờ Đỏ, khi tiến hành dự án Chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường sống tại thị trấn Cờ Đỏ, thì có 5 gia đình chính sách bị ảnh hưởng, phải di dời nhà. Dù được bồi hoàn thỏa đáng, nhưng xét thấy đây là những hộ có đời sống kinh tế khó khăn nên UBND huyện đã họp bàn với Công ty cổ phần đầu tư Cadif để các hộ này được mua nền nhà mới với giá ưu đãi và hỗ trợ cất tặng nhà tình nghĩa, nhằm đảm bảo cho các gia đình chính sách an cư.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, từ năm 2004-2013, TP Cần Thơ đã xây dựng được 2.399 nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 345 căn và cơ bản đã giải quyết xong về nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg (Quyết định 22)về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, qua đó mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện xây dựng nhà tình nghĩa theo Quyết định số 22, các địa phương đã huy động nhiều nguồn vốn, từ vốn nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, vận động người thân gia đình đóng góp... Anh Nguyễn Văn Hùm, ấp Thới Phong, xã Thới Đông, Cờ Đỏ cho biết: “Tôi thờ cúng cậu tôi là liệt sĩ Trần Văn Thảo. Nhờ có Quyết định 22, mở rộng thêm một số đối tượng mà tôi được chế độ cất nhà tình nghĩa. Ngoài 40 triệu đồng được hỗ trợ, người thân của tôi cho mượn thêm tiền, hàng xóm cho 3 bộ cửa nên tôi cũng cất được căn nhà khang trang”. Theo kế hoạch năm 2014, thành phố phấn đấu xây dựng 496 căn nhà tình nghĩa.

Cùng với các địa phương, nhiều tổ chức, đoàn thể với phương châm xã hội hóa, cũng đã nỗ lực vận động tiền để cất nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tiêu biểu trong phong trào này có thể kể đến Ban Liên lạc Tiểu đoàn Tây Đô. 12 năm qua, Ban Liên lạc đã vận động tiền và cất tặng gần 600 căn Nhà đồng đội với số tiền gần 32 tỉ đồng. Ngoài ra, các Tiểu ban liên lạc cũng đã vận động tiền để cất và trao tặng gần 200 căn nhà.

Nhằm hỗ trợ thiết thực cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố chỉ đạo các cấp Hội CCB đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền hội viên nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Tùy tình hình thực tế, Hội CCB các cấp đã tranh thủ nhiều nguồn từ kinh phí nhà nước, sự tài trợ của các nhà hảo tâm, đơn vị, doanh nghiệp, vận động hội viên đóng góp quỹ xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội... Từ năm 2013 đến nay, các cấp Hội CCB, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp đã xây dựng được 177 căn nhà, sửa chữa 31 căn nhà cho hội viên CCB bằng các nguồn, với tổng trị giá trên 10 tỉ đồng, tạo điều kiện cho các CCB ổn định cuộc sống.

SỸ KHANG

-------------

Bài 2: ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

Chia sẻ bài viết