17/07/2017 - 16:02

Chung một tấm lòng

Đến cuối tháng 6-2017, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP Cần Thơ vận động trên 4 tỉ đồng trợ giúp bệnh nhân nghèo. Riêng Chương trình "Chung tay cứu giúp trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh", Hội tiếp nhận trên 1,3 tỉ đồng. Số tiền này giúp phẫu thuật cho 15 bệnh nhi nghèo mắc bệnh tim bẩm sinh. Các em được tái sinh sau phẫu thuật tim và tiếp tục đến trường. Thành quả này thể hiện "sức sống" mãnh liệt của chương trình nhân đạo và minh chứng cho sức mạnh của cộng đồng, xã hội.

Trẻ em bệnh tim bẩm sinh được Hội BTBNN TP Cần Thơ vận động tài trợ phẫu thuật tim miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.

Năm 2007, Hội BTBNN TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện Chương trình "Chung tay cứu giúp trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh". Gần 10 năm qua, Hội tiếp nhận ngày càng nhiều sự đóng góp của các tổ chức, công ty trong và ngoài nước. Có thể kể những đơn vị, công ty đồng hành với Hội vì "trái tim cho em" như: Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang; Công ty Vinacapital TP Hồ Chí Minh; Tổ chức MILAL Hàn Quốc, Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh… và rất nhiều tổ chức, tập thể, cá nhân tự nguyện san sẻ một phần lợi nhuận, thu nhập cho những ca phẫu thuật tim của trẻ em nghèo. Tiêu biểu trường hợp gia đình cố bác sĩ Lê Văn Thuấn, ở đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều. Nhiều năm qua, mỗi năm các thành viên gia đình cùng đóng góp tặng chi phí phẫu thuật tim cho 2 bệnh nhân. Năm 2016, nhờ "món quà" này, em Huỳnh Minh Ngọc (phường Phú Thứ, quận Cái Răng) và em Võ Thị Kim Đầm (xã Định Môn, huyện Thới Lai) được phẫu thuật tim. Hay như câu chuyện về tấm lòng nam sinh viên ở quận Cái Răng làm các cô, chú của Hội BTBNN thành phố cảm động. Buổi tối, sau khi xem Chương trình gây quỹ "Trái tim cho em", trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình TP Cần Thơ, sáng hôm sau, nam sinh viên này đến Hội BTBNN TP Cần Thơ gởi tặng 100.000 đồng (1/3 tiền lương dạy kèm một tháng) vào quỹ. Nam sinh viên bày tỏ, bản thân còn đi học, chưa có nhiều tiền, nhưng xin được đóng góp một phần nhỏ để hỗ trợ cho các em. Sau khi tốt nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định sẽ đóng góp giúp đỡ nhiều hơn cho các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

"Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Sự chung tay của cộng đồng sẽ giúp người nghèo khó vượt lên nghịch cảnh, người bệnh tật có cơ hội trị lành bệnh. Đây còn là nghĩa cử cao đẹp thể hiện truyền thống "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam. Và trên hết là góp phần nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa chăm lo người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ củng cố thêm niềm tin, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Thảo Mộc

Chia sẻ bài viết