27/02/2019 - 13:01

Chung một tấm lòng 

Mô hình “Chung một tấm lòng” được Công an xã Giai Xuân, huyện Phong Điền kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể xã thực hiện, nhằm giúp những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Mô hình đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ và mang lại hiệu quả thiết thực... 

Ông Nhớ được Công an viên Nguyễn Quốc Kỳ hướng dẫn ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Theo Công an xã Giai Xuân, qua rà soát lập hồ sơ, toàn xã có 50 đối tượng chấp hành xong án phạt tù theo quy định, trong đó 33 đối tượng chưa có việc làm. Phần nhiều người chấp hành xong án phạt tù về địa phương còn mặc cảm, chưa có việc làm, nguy cơ tái phạm tội là rất cao.

Từ thực tế trên, tháng 5-2018, Công an xã Giai Xuân, huyện Phong Điền tham mưu Đảng ủy, UBND xã phối hợp cơ quan thi hành án hình sự công an huyện và các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Chung một tấm lòng”, giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Ban Chỉ đạo (BCĐ) mô hình đã tổ chức vận động và tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích xây dựng mô hình. Công an xã Giai Xuân kịp thời lập hồ sơ quản lý, đồng thời hướng dẫn, giáo dục các đối tượng tù tha về chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương; tiếp xúc, động viên tạo điều kiện để các đối tượng an tâm lao động sản xuất...

Sau khi chấp hành xong 5,5 năm tù, ông Huỳnh Văn Nhớ (SN 1956, ngụ ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân) trở về địa phương và phải đối mặt với nhiều khó khăn: nhà cửa rách nát, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau; vợ không có việc làm, bản thân ông mặc cảm với bà con chòm xóm... Ông Nhớ cho biết: “Năm 2012, vì ham tiền nên tôi phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Do cải tạo tốt, tôi được xét giảm án trước hạn 1,5 năm và được tha tù về năm 2018. BCĐ mô hình “Chung một tấm lòng” của xã đã xét cho gia đình tôi vay 30 triệu đồng. Số tiền này vợ chồng tôi sửa chữa lại căn nhà và làm vốn mua gà từ trong vườn chở ra chợ Giai Xuân bán lại. Nhờ đó, tôi có thu nhập ổn định”. Anh Nguyễn Quốc Kỳ, công an viên, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, nhắc nhở gia đình ông Nhớ sử dụng đồng vốn đúng mục đích, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội... Anh Kỳ cho biết: “Từ khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đến nay, ông Nhớ luôn chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định tại địa phương, chí thú lo làm ăn. Đồng vốn vay ưu đãi được ông Nhớ sử dụng đúng mục đích”.

Theo ông Huỳnh Đương Quan, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, Trưởng BCĐ 138 xã, từ tháng 5-2018 đến nay, đã có 4 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn (30 triệu đồng/người) để mua phương tiện làm ăn, sửa chữa nhà ở, làm vốn mua bán nhỏ... Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, hạn chế tái phạm. BCĐ mô hình sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện giới thiệu cho người chấp hành xong án phạt tù tham gia các lớp học nghề, được giới thiệu việc làm, được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Đại úy Nguyễn Quốc Côn, Phó Đội trưởng Đội phong trào Công an huyện Phong Điền, cho biết: “Mô hình “Chung một tấm lòng” xã Giai Xuân được nhân rộng từ hiệu quả của mô hình “Vì ngày mai tươi sáng” ở xã Trường Long. Đến nay, mô hình tại 2 xã đã giúp vốn cho 7 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Sắp tới huyện tiếp tục nâng chất 2 mô hình này và nhân rộng ra xã Nhơn Nghĩa và các xã còn lại trong huyện".

Bài, ảnh: X.ĐÀO

 

Chia sẻ bài viết