03/06/2011 - 20:25

THẮT CHẶT TÍN DỤNG

Chứng khoán sẽ về đâu ?

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay ở lĩnh vực bất động sản, chứng khoán. Việc khóa van tín dụng đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán và nhiều lo ngại nếu tiếp tục thực hiện mạnh tay, thì khó mà dự đoán thị trường chứng khoán sẽ đi về đâu?

Ngày 30-5-2011, NHNN đã làm việc với các ngân hàng thương mại (NHTM) phía Nam tại TP Hồ Chí Minh để kiểm tra tình hình thực thi Chỉ thị 01/CT-NHNN (ngày 1-3-2011) của Thống đốc NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát. Tại cuộc họp, NHNN đã không nói gì đến việc cho kéo giãn thời hạn đưa tỷ lệ dư nợ phi sản xuất. Mặc dù thời gian qua, giới doanh nghiệp luôn “kêu ca” lãi suất cho vay đang tăng quá cao sẽ đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ vững mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%, hạn chế dư nợ lĩnh vực phi sản xuất như Chỉ thị 01 quy định trong thời gian tới.

Theo Chỉ thị 01, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tốc độ tăng tín dụng dưới 20%. Thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán đến 30-6-2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31-12-2011, tỷ trọng này tối đa là 16%. Việc thắt chặt tín dụng, cộng với lãi suất cho vay ở mức cao khiến nhiều công ty chứng khoán lâm vào cảnh khó. Đồng thời, các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay (margin) để mua chứng khoán cũng đẩy lên rất cao, có công ty cho vay lên tới 27%/năm như Công ty chứng khoán Kim Long (KLS). Trong khi dòng tiền vào thị trường ngày càng cạn kiệt, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn có phiên chỉ đạt trên dưới 500 tỉ đồng, chưa bằng một phần mười lúc đỉnh điểm thị trường sôi động.

Chỉ số chứng khoán sàn Hà Nội (HNX) đã về mức 67 điểm, thấp hơn lúc đáy của khủng hoảng là 77 điểm đã được thiết lập vào ngày 23-2-2009; còn chỉ số VN-Index đã về mức 371 điểm trong phiên giao dịch ngày 26-5 vừa qua, nhưng đây là chỉ số ảo do “tứ trụ” BVH, MSN, VIC và VNM tạo dựng nên. Theo phân tích của các công ty chứng khoán, chỉ số ảo của VN-Index hiện nay cao hơn 22% so với giá trị thật của nó, nếu loại bỏ “tứ trụ” ra khỏi cách tính chỉ số của sàn HOSE. Bởi chỉ riêng bốn cổ phiếu BVH, MSN, VIC và VNM đã chiếm khoảng 40% tổng giá trị vốn hóa thị trường tại sàn HOSE và gần 300 cổ phiếu còn lại chỉ chiếm tương đương 60% vốn hóa thị trường của sàn này. Tuy thị trường đã giảm mạnh thời gian qua, nhưng đây có phải là đáy của thị trường chưa thì không một nhà đầu tư, chuyên gia nào dám khẳng định. Trong khi đó, chỉ số CPI vẫn ở mức cao, lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu giảm, tính hiệu thắt chặt tín dụng của NHNN cũng chưa có dấu hiệu nới lỏng.

Ngày 2-6, thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì chiều ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ký Thông tư về việc cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản giao dịch; mua bán cùng loại cổ phiếu trong phiên; cho phép hoạt động giao dịch ký quỹ... Thông tư có hiệu lực từ ngày 1-8-2011. Hiện nay, các NHTM đã và đang ráo riết thu nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, trong đó chủ yếu là lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, khiến thị trường bất động sản tê liệt, chứng khoán chưa có dấu hiệu sáng sủa. Do vậy, thị trường chứng khoán sẽ về đâu là vấn đề chưa được dự báo chắc chắn.

TRẦN ĐĂNG

Chia sẻ bài viết