01/12/2009 - 21:10

Chuẩn hóa giáo viên dạy nghề -
Đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển

Giáo viên và học sinh Khoa Chăn nuôi - Thú y của Trường Cao đẳng CĐ&NNNB trong giờ học. Ảnh do Trường Cao đẳng CĐ&NNNB cung cấp. 

Thời gian qua, việc nâng cao chất lượng công tác dạy và học nghề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã đưa ra nhiều chủ trương với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề (GVDN) là một yêu cầu bức thiết, tác động trực tiếp đến chất lượng công tác dạy nghề. Để phát huy lợi thế sẵn có, TP Cần Thơ đã và đang từng bước củng cố và hình thành đội ngũ GVDN tâm huyết, vững về nghiệp vụ, chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển công tác dạy nghề...

* Chuẩn hóa đội ngũ

Với chức năng đào tạo cao đẳng và trung cấp nghề, gồm nhiều ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu lao động của doanh nghiệp và xã hội, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ luôn chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp hiện đại vào quá trình giảng dạy. Theo Phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, trường có 74 giáo viên đều có trình độ đại học, trong đó 6 giáo viên có trình độ Thạc sĩ và 9 giáo viên đang học Thạc sĩ. Đến nay, đã có 20 lượt cán bộ, giáo viên được tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn ở nước ngoài, hơn 120 lượt giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và 7 giáo viên tham gia Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Ngoài ra, Trường còn tổ chức bồi dưỡng, hoàn chỉnh một số chứng chỉ bắt buộc trong chương trình đào tạo sau đại học cho giáo viên: Triết học, Phương pháp lý luận giảng dạy sau đại học và khuyến khích giáo viên tự nâng cao trình độ ngoại ngữ và tin học để có điều kiện phát triển nghề nghiệp và nâng cao chất lượng giảng dạy.

Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, cho biết: “Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ là 1 trong 15 trường trọng điểm của cả nước được đầu tư Dự án Giáo dục kỹ thuật và dạy nghề và đang tiếp tục được đầu tư giai đoạn 2. Nhờ tiếp cận Dự án này, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ GVDN được nâng lên rất nhiều, ứng dụng để nâng cao chất lượng dạy và học nghề”. Khoa Sư phạm của trường (do Tổng Cục dạy nghề đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị) cũng đang tổ chức thí điểm 3 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn cho giáo viên các đơn vị trong thành phố.

Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ (CĐ&NNNB) cũng rất chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên. Qua 40 năm thành lập và phát triển, đến nay, trường có 100 giáo viên dạy nghề, trong đó có 2 giáo viên có trình độ tiến sĩ, 19 thạc sĩ, 67 đại học, 12 cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật bậc cao. Trường còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, trao đổi chuyên môn, các lớp tin học và ngoại ngữ tại trường, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia, cập nhật và trau dồi kiến thức chuyên môn, sư phạm. 100% giáo viên của trường có trình độ A, B về tin học và ngoại ngữ; hơn 90% giáo viên có nghiệp vụ sư phạm bậc II. Thạc sĩ Lê Thái Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CĐ&NNNB, cho biết: Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học nghề, Trường quan tâm cho tất cả giáo viên học tập, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy bậc đại học và cao đẳng, có 30 giáo viên đang theo học cao học và nghiên cứu sinh. Trường đã tranh thủ các dự án nước ngoài tài trợ, đưa giáo viên của trường đi nghiên cứu, học tập ngắn hạn và dài hạn ở các nước: Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thái Lan...

Theo kế hoạch đến năm 2015, Trường Cao đẳng CĐ&NNNB phấn đấu có 200 giáo viên dạy nghề đạt chuẩn, trong đó 60% đạt trình độ Thạc sĩ, có 7-8 Tiến sĩ; đưa thêm nhiều giáo viên đi đào tạo ở ngoài nước, nâng cao trình độ giảng dạy, nghiên cứu, học tập và ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại...

Được thành lập vào tháng 8-2009, Trường Trung cấp nghề Thới Lai với cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ GVDN căn bản đảm bảo hoạt động dạy và học của trường. Trường hiện có 6 cán bộ quản lý, 12 giáo viên dạy nghề được tuyển từ các trường đại học, các ngành: Trồng trọt, Thú y, Điện, Chế biến, Cơ khí, Công nghệ thông tin... Theo ông Đào Minh Lợi, Quyền Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thới Lai: “Hầu hết giáo viên của trường đều được chuẩn hóa nên cơ bản đảm đương tốt công tác đào tạo. Các giáo viên cũ từ Trung tâm Dạy nghề huyện Thới Lai đã có kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, số giáo viên mới tuyển đang theo học khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn ở Khoa Sư phạm, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ”.

* Tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo GVDN

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, hiện nay, toàn thành phố có 621 GVDN, gồm giáo viên cơ hữu và giáo viên giảng dạy trực tiếp tại các trường, trung tâm và cơ sở dạy nghề. Trong đó, 45 giáo viên có trình độ sau đại học, 539 giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng. Thời gian qua, để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nghề, các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề ở thành phố đều chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ GVDN, tạo điều kiện cho nhiều giáo viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn, dài hạn, trong và cả ngoài nước. Trong tháng 12-2009, Tổng cục Dạy nghề sẽ tổ chức khóa bồi dưỡng ngắn hạn “Kỹ năng giảng dạy theo năng lực thực hiện” cho các giáo viên dạy nghề sơ cấp ở các đơn vị. Đây là một trong các loại hình bồi dưỡng ngắn hạn được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hàng năm ở các tỉnh, thành phố, cũng góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên...

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thời gian qua, đội ngũ GVDN ở thành phố chủ yếu tuyển dụng từ các nguồn: sinh viên tốt nghiệp đại học (ưu tiên Đại học sư phạm kỹ thuật), cao đẳng và trung cấp nghề, những người có tay nghề và kinh nghiệm dạy nghề... được tham gia các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức. Với lực lượng như thế đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề ở thành phố. Đội ngũ GVDN tận tụy, tâm huyết với nghề, tự học, tự rèn, nâng cao trình độ và nghiệp vụ, sáng tạo và đổi mới phương pháp giảng dạy, có tư cách và đạo đức nghề nghiệp...

Trên cơ sở định hướng của Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 của Bộ LĐ-TB&XH, ngành chức năng TP Cần Thơ cũng đang xúc tiến xây dựng Đề án riêng phù hợp với thực trạng nguồn lao động và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của thành phố để có thể đảm bảo tính khả thi và đạt kết quả mong muốn, trong đó chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo GVDN thông qua nhiều nguồn, chủ động vận dụng nhiều giải pháp, cách làm. Theo đó, năm 2010, thành phố có 34.000 lao động qua đào tạo nghề (đạt tỷ lệ trên 42%), theo tỷ lệ quy định của Tổng cục Dạy nghề là 20 học sinh/1 giáo viên, thành phố cần khoảng 700 GVDN. Và với nỗ lực đó, phấn đấu đến năm 2015, thành phố có khoảng 1.400 GVDN (tỷ lệ 15 học sinh/ 1 giáo viên) để hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho 44.000 lao động (đạt tỷ lệ trên 50%).

Qua thực tế, để nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ GVDN, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hội nhập, các trường nghề đều chủ động tạo điều kiện cho GVDN tham gia hầu hết các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phần lớn từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, do nguồn kinh phí của địa phương đầu tư rất hạn chế. Năm 2009, thành phố chi 50 triệu đồng và năm 2010 đề xuất chi 100 triệu đồng từ kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho công tác bồi dưỡng GVDN. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chủ yếu hỗ trợ cho bồi dưỡng giáo viên các cơ sở công lập, còn khuyến khích các đơn vị tư nhân tự đầu tư để chuẩn hóa giáo viên cho đơn vị theo quy định của Tổng cục Dạy nghề.

Tại các hội nghị bàn về công tác đào tạo nghề, do Bộ LĐ-TB&XH và TP Cần Thơ tổ chức trong thời gian gần đây đều nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết của việc bồi dưỡng, đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ GVDN. Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đang xây dựng và hoàn chỉnh Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2015 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Khi Đề án được triển khai thực hiện hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy công tác dạy nghề phát triển lên một bước mới, đội ngũ GVDN sẽ vững vàng hơn để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết