23/03/2010 - 20:42

24-3: NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG LAO

Chuẩn bị sẵn sàng để triển khai điều trị lao kháng thuốc

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ.

TP Cần Thơ là 1 trong 5 tỉnh, thành được chọn để triển khai thí điểm điều trị bệnh lao kháng thuốc (MDR). Dự kiến, tháng 6-2010, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ sẽ nhận điều trị cho 30 bệnh nhân đầu tiên tại thành phố. Xoay quanh vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ, cho biết:

- Bệnh lao đang là vấn đề khẩn cấp của toàn cầu. Nguyên nhân để bệnh lao trở nên trầm trọng là do dân số tăng nhanh, nghèo đói, HIV, công tác phòng chống lao chưa được chú trọng ở nhiều quốc gia... Nhiều trường hợp mắc lao không được phát hiện, điều trị kịp thời cũng làm gia tăng sự lây nhiễm trong cộng đồng. Năm 2007, trên thế giới có khoảng 9,27 triệu bệnh nhân lao mới, hơn 1,7 triệu người tử vong do lao, khoảng 0,5 triệu bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Đến nay, lao kháng thuốc đã xuất hiện ở 50 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, cứ mỗi năm có thêm khoảng 5.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Việt Nam đứng thứ 12 trong 22 quốc gia đang chịu gánh nặng bệnh lao cao trên toàn cầu.

* Thưa bác sĩ, vì sao xảy ra tình trạng lao kháng thuốc?

- Lao đa kháng thuốc bắt nguồn từ bệnh nhân và thầy thuốc. Khi bệnh nhân lao không được điều trị đầy đủ thuốc, không được quản lý chặt chẽ, không tuân thủ đúng điều trị, khâu cung cấp thuốc lao không đạt chất lượng... sẽ đưa đến tình trạng kháng thuốc và kháng đa thuốc. Một số sai sót thường gặp trong điều trị lao dẫn đến kháng thuốc: phác đồ điều trị lao phổi không đủ mạnh, thêm vào một thuốc lao khác sau khi điều trị thất bại, dùng không đầy đủ số thuốc như được cấp, dùng thuốc không đều đặn liên tục và đủ thời gian qui định, không theo dõi, kiểm soát bệnh nhân, nhất là ở giai đoạn tấn công...

Khi điều trị cho bệnh nhân lao thất bại với phác đồ 2- được quản lý điều trị có kiểm soát nghiêm túc- thì khả năng kháng thuốc rất cao 80% và khả năng kháng đa thuốc có thể lên đến 50%. Khi đó, bệnh nhân phải được điều trị bằng thuốc kháng lao hàng 2 và điều trị tại trung tâm chuyên biệt dành điều trị lao đa kháng thuốc.

Một bệnh nhân lao bị suy hô hấp được thở máy tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Ảnh: K.LOAN

* TP Cần Thơ sẽ là 1 trong 5 tỉnh, thành trong cả nước triển khai điều trị lao kháng thuốc thí điểm. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ đã chuẩn bị như thế nào cho công tác này, thưa bác sĩ?

- Năm 2009, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) đã triển khai điều trị cho 100 bệnh nhân lao kháng thuốc. Kết quả điều trị bước đầu rất đáng khích lệ: sau 3 tháng điều trị, nhiều bệnh nhân có kết quả âm tính. Dự kiến, tháng 6-2010, TP Cần Thơ sẽ là địa phương tiếp theo triển khai điều trị lao kháng thuốc. TP Cần Thơ sẽ là điểm để nhiều tỉnh, thành khác tham quan, trao đổi kinh nghiệm trong điều trị MDR.

Hiện nay, bệnh viện đã hoàn tất khâu chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y bác sĩ cho công tác này. Bệnh viện đã cử y, bác sĩ tham gia các khóa đào tạo ở nhiều bệnh viện trong và ngoài nước về điều trị, chăm sóc bệnh nhân lao kháng thuốc, phòng chống nhiễm khuẩn. Năm 2009, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã chuyển giao kỹ thuật đặt nội soi khí quản, hồi sức hô hấp tuần hoàn cho Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Kỹ thuật này góp phần rất lớn trong công tác tiếp nhận điều trị bệnh lao kháng thuốc.

Bệnh viện cũng đã cải tạo cơ sở vật chất để thành lập khoa điều trị MDR, cải tạo phòng vi sinh, phòng xét nghiệm, tăng cường kiểm soát lây truyền. Khâu hết sức quan trọng trong điều trị MDR là kiểm soát lây truyền. Ở khâu này, bệnh viện chuẩn bị khá chu đáo về con người và cơ sở vật chất. Sắp tới, bệnh viện sẽ có kế hoạch tập huấn về kỹ năng quản lý, tư vấn phòng chống lây truyền cho cán bộ y tế tuyến quận- huyện, xã- phường- thị trấn. Qua khảo sát về cơ sở vật chất, nhân lực của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ vào đầu tháng 3 này, đại diện Hiệp hội Chống lao Hà Lan đánh giá rất cao về khả năng tiếp nhận điều trị MDR của bệnh viện. Hiệp hội này sẽ tài trợ 100 ngàn USD để bệnh viện triển khai điều trị MDR.

* Đối tượng nào sẽ được chọn điều trị MDR và qui trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc như thế nào, thưa bác sĩ?

- Bệnh nhân lao bị điều trị thất bại ở phác đồ 1, phác đồ 2 sẽ là đối tượng để điều trị MDR. Theo ghi nhận chưa đầy đủ của chúng tôi, TP Cần Thơ hiện có khoảng 27 bệnh nhân lao mãn tính. Bệnh viện đang rà soát lại số bệnh nhân này để có kế hoạch điều trị. Bước đầu, bệnh viện sẽ tiếp nhận điều trị khoảng 30 bệnh nhân lao kháng thuốc đầu tiên tại TP Cần Thơ. Sau đó, tùy theo khả năng và chỉ tiêu được giao, bệnh viện sẽ mở rộng điều trị cho các bệnh nhân ở khu vực ĐBSCL.

Bệnh nhân điều trị MDR sẽ được theo dõi tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ ít nhất từ 2 đến 4 tuần đầu để theo dõi tình hình tác dụng phụ trên bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được điều trị liên tục trong 18 tháng và phải được quản lý trong 3 năm. Trong khoảng thời gian này, cả cán bộ y tế và bệnh nhân đều phải kiên trì, hợp tác tốt để tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Điều hết sức quan trọng là bệnh nhân phải chịu đựng tác dụng phụ của thuốc bởi trong quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân bị “hành” rất dữ.

* Bác sĩ có lời khuyên gì đối với bệnh nhân lao trong quá trình điều trị?

- Bệnh nhân lao cần nhớ rằng, điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém, phải điều trị trong thời gian dài và phải chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc. Tỷ lệ điều trị thành công không cao, chỉ từ 50% đến 60%. Vì vậy, khi mới nhiễm lao (chưa bị kháng thuốc), bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ, thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế tuyến xã- phường. Tuyệt đối không được bỏ điều trị nửa chừng hay bỏ bớt thuốc. Khi có các dấu hiệu của lao như ớn lạnh về chiều, ho khạc có đàm trên 10 ngày, ho khạc ra máu, gầy sút cân, đau tức ngực, khó thở... cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, phát hiện sớm. Tại các cơ sở y tế công, bệnh nhân sẽ được cấp thuốc đặc trị lao miễn phí và được giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng lao kháng thuốc. Khả năng điều trị thành công bệnh lao rất cao vì vậy, bệnh nhân nên kiên trì, tuân thủ theo phác đồ điều trị, đừng để xảy ra tình trạng kháng thuốc.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

B. TÂM (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết