19/11/2019 - 16:28

Chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận bản Dạ cổ hoài lang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia 

(CT) - Ngày 19-11, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn người làm báo”. Đây là sự kiện trong Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu năm 2019, kỷ niệm 100 năm bản Dạ cổ hoài lang ra đời (1919-2019).

Nghệ nhân Bạc Liêu trình diễn hoạt cảnh về hoàn cảnh ra đời bản Dạ cổ hoài lang. 

Bản Dạ cổ hoài lang được nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác vào năm 1919. Ngay sau khi ra đời, bản Dạ cổ hoài lang tạo được tiếng vang lớn, giới tài tử rất yêu thích. Từ Dạ cổ hoài lang nhịp 2, các thế hệ nghệ sĩ tiếp sau đã cải biên bằng cách nhân đôi nhịp: nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32… trở thành bài vọng cổ - bài ca vua trên sân khấu cải lương. 100 năm trôi qua, bản Dạ cổ hoài lang đã trở thành di sản quý báu của đờn ca tài tử, cải lương Nam bộ; là cảm hứng sáng tác của nhiều nghệ nhân, nhạc sĩ khác.

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm. 

Tại tọa đàm, dưới góc nhìn báo chí, các nhà báo đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời, giá trị của bản Dạ cổ hoài lang và dấu ấn của bài ca này trong đời sống văn hóa, tinh thần của nhiều thế hệ người Nam bộ.

Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Các thông tin ghi nhận từ tọa đàm này sẽ giúp Bạc Liêu có nhiều đổi mới tích cực để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị bản Dạ cổ hoài lang, giúp địa phương có thêm nhiều tư liệu quý hơn nữa để đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét công nhận bản Dạ cổ hoài lang là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tin, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết