20/11/2009 - 20:54

Chùa Khmer vùng Bảy Núi với sự nghiệp "trồng người"

Vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, có hơn 90 ngàn người Khmer, chiếm hơn 4% dân số của tỉnh. Những năm qua, dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng việc chăm lo cho con em mình học hành đã được phần đông đồng bào Khmer quan tâm. Công tác giáo dục ở các huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Tri Tôn, Tịnh Biên đang được người dân, sư cả các chùa và chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng và thực hiện.

Nhiều năm qua, cứ vào đầu năm học cũng như chuẩn bị mùa thu hoạch lúa là học sinh dân tộc Khmer tại vùng Bảy Núi lại nghỉ học. Tình trạng này thường kéo dài mà giáo viên cũng như ban giám hiệu các trường ở vùng núi này không tìm ra được hướng giải quyết thích hợp. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương cùng với sư cả các chùa Khmer tập trung vận động con em đồng bào Khmer đến trường. Thượng tọa Chau Prốs, trụ trì chùa Thơm Mít, huyện Tịnh Biên, cho biết: “Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer. Tuy nhiên, việc chăm lo việc học cho các em vẫn chưa được các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức. Mà không biết chữ thì không thể làm gì được...”.

Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Xvay Ton, thị trấn Tri Tôn. 

Trăn trở trước thực tế này, Thượng tọa Chau Prốs, ngoài việc phối hợp với chính quyền, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, hàng ngày ông còn đến vận động gia đình cho con em đi học. Cứ mỗi tháng, đồng bào, phật tử Khmer đến chùa 4 lần trong dịp thọ giới. Tại đây, ngoài việc tuyên truyền giáo lý của Phật, răn dạy phật tử làm việc thiện giúp ích cho đời thì Thượng tọa Chau Prốs lại lồng ghép vào đó những câu chuyện về giáo dục, về những tấm gương chăm lo cho con cái ăn học thành tài. Ông tâm sự: “Tri thức là của cải quý báu nhất của con người. Có tri thức là có tất cả. Vì vậy, đối với những bậc làm cha, làm mẹ dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng để con mình được đến trường, được học hành thì sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn”. Nhờ sự nhiệt tình của ông đã giúp cho sự nghiệp giáo dục tại xã miền núi Vĩnh Trung ngày càng phát triển. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường luôn đạt trên 98%. Riêng những trường hợp bỏ học giữa chừng ông đã đến tận nơi để vận động, thuyết phục gia đình, vận động mạnh thường quân hỗ trợ tập, sách để các em có thêm điều kiện đến lớp.

Còn ở ấp Phú Tâm, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, người dân nơi đây không những biết về nhà sư Chau Xuyên là người có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer mà còn biết đến ông như một người hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Tuy diện tích đất của chùa khá hạn hẹp nhưng ông đã dành một phần để xây dựng trường học cho con em đồng bào Khmer nơi đây. Đại đức Chau Xuyên cho biết: “Nhà nước đã lo rất nhiều về đời sống, nhưng không có tri thức sẽ tụt hậu lại phía sau và không thể nào tiến bộ được”. Từ suy nghĩ đó, ông đã bàn bạc với Ban quản trị chùa hiến đất để xây dựng Trường mẫu giáo Phú Tâm trong khuôn viên chùa. Sau đó, hiến thêm 1.000m2 đất để cùng với địa phương xây dựng thêm điểm phụ của Trường Tiểu học “B” Phú Tâm. Đại đức Chau Xuyên cho biết thêm: “Thấy trẻ em tíu tít đến trường lòng tôi vui lắm, vì người tu hành không chỉ lo việc đạo mà còn phải lo việc đời. Chăm lo phát triển giáo dục là một việc làm thiết thực, chứ cứ để bà con mù chữ là rất dễ bị kẻ xấu xúi giục làm những chuyện trái với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Giờ đây, việc chăm lo cho sự nghiệp trồng người đã lan tỏa hầu hết tại các chùa Khmer vùng Bảy Núi. Nhà chùa không chỉ tham gia vào việc vận động gia đình chăm lo cho con em ăn học mà chùa còn là nơi truyền đạt kiến thức cho con em đồng bào dân tộc Khmer. Tại chùa Tức Phốs, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, nhà sư Chau Hắc, trụ trì chùa còn mua cả máy vi tính để trang bị kiến thức cho bản thân và tập hợp con em đồng bào Khmer trong phum, sóc gần chùa đến để chỉ dẫn giúp các em tiếp cận, làm quen với công nghệ thông tin và tiếp cận với Internet.

Có thể nói, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước giúp cho hệ thống trường lớp ở vùng Bảy Núi được đầu tư xây dựng khá khang trang giúp cho việc giáo dục nơi đây phát triển cả về quy mô và đa dạng về hình thức. Bên cạnh những gia đình Khmer có con em được học ở trường của Nhà nước đầu tư với nhiều chế độ miễn giảm học phí, thì ở nhiều chùa Khmer, con em phật tử còn được rèn luyện thêm chữ viết của dân tộc. Nhà sư Chau Ha, “thầy giáo” đứng lớp ở chùa Xvay Ton, thị trấn Tri Tôn, cho biết: “Vùng này bà con còn nghèo, ít được học nên tôi xem việc dạy chữ cho các em là trách nhiệm của người tu hành. Lên lớp tôi luôn cố gắng dạy để các em đọc và viết được chữ, có thể đọc thêm sách, báo, nắm bắt nhiều thông tin góp phần nâng cao đời sống”.

Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, cộng với sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các địa phương và ngành giáo dục, công tác giáo dục ở vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang đang từng bước được xã hội hóa. Trong đó, vai trò của các chùa Khmer trong việc phát triển giáo dục ngày một lớn hơn. Việc được học chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết