31/03/2010 - 20:50

Nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở

Chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đề ra

Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cờ Đỏ trả hồ sơ cho người dân.

Nghị quyết số 75/2006/NQ-HĐND ngày 13-12-2006 của HĐND TP Cần Thơ đề ra mục tiêu đến năm 2010, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Nội vụ (chuyên môn trung cấp trở lên). Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ CBCC chưa đạt chuẩn, bên cạnh đó, việc phân công, bố trí cán bộ chưa phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành, xử lý công việc và công tác cải cách hành chính (CCHC) ở cơ sở.

Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến cuối năm 2009, TP Cần Thơ có 1.476 CBCC cấp xã. Ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Để nâng cao trình độ toàn diện cho đội ngũ CBCC, từ năm 2005 đến nay, Sở Nội vụ đã phối hợp với các trường mở hàng chục lớp đào tạo về chính trị, chuyên môn cho CBCC. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn đến 53% cán bộ chủ chốt, 79% cán bộ đoàn thể và 20% công chức chưa đạt chuẩn chuyên môn”.

Theo ông Trần Oanh Liệt, nguyên nhân trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã chậm được cải thiện là do lãnh đạo một số địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp bách của việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC, nên chưa tạo điều kiện hoặc chưa kiên quyết buộc CBCC đi học. Bên cạnh đó, hiện nay, ở cấp xã vẫn còn nhiều cán bộ lớn tuổi không thể tiếp tục đào tạo. Trong khi đó, việc thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ về xã, phường, thị trấn công tác lại kém hiệu quả. Như ở phường Trường Lạc (quận Ô Môn), hiện nay, các chức danh phó bí thư, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND; chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBMTTQ và chủ tịch Hội Cựu chiến binh của phường vẫn chưa tốt nghiệp THPT; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND và một Phó Chủ tịch UBND chưa đạt chuẩn về chuyên môn. Ông Phạm Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường, thừa nhận: “Đa số các cán bộ chưa tốt nghiệp THPT đều có tuổi đời khá cao, vượt quá tuổi tiếp tục đào tạo chuẩn hóa”.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc chậm chuẩn hóa cán bộ cấp xã là do nhiều CBCC có tư tưởng thỏa mãn với công việc, ngại học tập. Theo ông Trương Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ), hiện nay, toàn xã còn có 8 CBCC chưa đạt chuẩn về chuyên môn, trong đó có 5 người chưa tốt nghiệp THPT (gồm Chủ tịch HĐND, Trưởng công an, Phó Trưởng công an, chủ tịch Hội LHPN, Chủ tịch Hội Nông dân). Nhiều CBCC tuổi đời còn trẻ để có thể tiếp tục đào tạo chuẩn hóa, Đảng ủy, UBND xã cũng đã tạo điều kiện cho số CBCC này đi học để chuẩn hóa trình độ, nhưng do điều kiện đi học xa, nhiều cán bộ ngại đi học. Thậm chí, xã đã sắp xếp công việc để cử hai cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội đi học Trung cấp văn hóa nghệ thuật ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, nhưng cả hai cán bộ này đều bỏ học nửa chừng.

Trình độ đội ngũ CBCC hạn chế đã ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả giải quyết công việc ở địa phương, tình trạng cán bộ sai phạm do chưa đủ “tầm” giải quyết công việc không phải ít. Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, kể: “Trước đây, cán bộ địa chính của thị trấn chưa tốt nghiệp THPT, giải quyết công việc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên thường mắc sai sót trong quá trình giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân. Đầu năm 2008, chúng tôi thay đổi cán bộ khác có trình độ chuyên môn về lĩnh vực này, nên việc giải quyết hồ sơ lĩnh vực địa chính ở thị trấn từng bước được cải thiện, người dân hài lòng hơn”.

Bên cạnh “nỗi lo” về trình độ học vấn, chuyên môn của một bộ phận không nhỏ CBCC xã, phường còn thấp, việc phân công, bố trí cán bộ chưa phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành, xử lý công việc của đội ngũ cán bộ cơ sở. Kết quả thống kê sơ bộ của Sở Nội vụ cho thấy, hiện nay, hàng chục cán bộ xã, phường được cử đi đào tạo về, hoặc lúc tuyển dụng vào làm việc đã có trình độ chuyên môn sẵn, nhưng không được địa phương bố trí đúng theo trình độ chuyên môn. Đơn cử như trường hợp anh Lê Hoàng Vẹn, cán bộ xã Đông Bình (huyện Thới Lai). Trước đây anh Vẹn giữ chức trưởng công an xã và được cử đi học trung cấp luật. Sau khi tốt nghiệp, xã Đông Bình lại bố trí anh Vẹn phụ trách lĩnh vực... văn hóa - xã hội. Tương tự, anh Dương Văn Thuấn, cán bộ phụ trách tư pháp - hộ tịch phường Trường Lạc (quận Ô Môn), kể: “Tôi tốt nghiệp trung cấp kinh tế, mấy năm qua, phường bố trí phụ trách lĩnh vực tư pháp - hộ tịch. Do làm việc trái chuyên môn nên trong giải quyết hồ sơ cho bà con tôi gặp nhiều khó khăn, những hồ sơ phức tạp tôi phải gọi điện đến Phòng Tư pháp quận nhờ tư vấn”. Một trường hợp khác là chị Nguyễn Gái Hoài, cán bộ văn hóa - xã hội phường Long Tuyền (quận Bình Thủy). Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Quản lý Đất đai, chị Hoài xin vào phường Long Tuyền làm việc. Ban đầu, chị làm việc tại bộ phận “một cửa”, tuy nhiên, từ tháng 4-2009, chị Hoài được phân công làm cán bộ văn hóa - xã hội. Trao đổi với chúng tôi, chị Hoài khẳng định: “Do bố trí trái ngành, thời gian qua, tôi đảm đương công việc của lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa tốt. Tôi mong muốn lãnh đạo bố trí công việc phù hợp với chuyên môn để có thể phát huy tốt năng lực của mình”.

***

“Cán bộ là cái gốc của mọi việc”, vì thế, việc nâng cao trình độ cán bộ; tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp để đội ngũ CBCC phát huy năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp là một yêu cầu cấp thiết để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố. Ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Để thực hiện tốt Nghị quyết 75/2006/NQ-HĐND của HĐND TP Cần Thơ đề ra, thời gian tới, Sở tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện rà soát lại những CBCC cấp xã trình độ chưa đạt chuẩn thì luân chuyển xuống làm việc ở khu vực, ấp, hoặc bố trí ở những vị trí khác phù hợp và vận động những CBCC nhưng chưa đạt chuẩn, lớn tuổi không thể tiếp tục đào tạo nghỉ theo chế độ quy định. Đồng thời, tiến hành sắp xếp lại vị trí làm việc phù hợp với trình độ chuyên môn của CBCC và tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo nhằm chuẩn hóa trình độ đội ngũ CBCC. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức các đợt thi tuyển công chức để bổ sung CBCC cho các xã, phường còn thiếu”. Ông Trần Oanh Liệt cho biết thêm, năm 2010 này Sở Nội vụ sẽ lựa chọn 150 cán bộ, bao gồm 100 cán bộ đang công tác ở các xã, phường và 50 cán bộ trúng tuyển trong đợt thi tuyển công chức tháng 4-2010 này để xin chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố mở lớp đào tạo chức danh chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cấp xã, phường. Các cán bộ được lựa chọn để đào tạo chức danh chủ tịch, phó chủ tịch phải đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chính trị, sức khỏe, độ tuổi và đã tốt nghiệp đại học.

Với những chủ trương và quyết sách đã đề ra, hy vọng rằng, thời gian tới, công tác cán bộ cơ sở của thành phố sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, sớm đạt mục tiêu mà Nghị quyết HĐND thành phố đã đề ra.

Bài, ảnh: ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết