20/04/2009 - 20:19

Đổi mới dạy học các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý

Chưa có câu trả lời thỏa đáng!

Có một thực tế trong các trường THCS, THPT là phần lớn học sinh ngán ngại học những môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Bởi suy nghĩ phổ biến của học sinh đây chỉ là những môn học bài, ít phải động não, giáo viên lên lớp chỉ giảng suôn dễ gây nhàm chán… Tại Hội thảo “Đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cấp THCS và THPT” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở Cần Thơ vừa qua, nhiều giải pháp được đưa ra để các môn học này trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn chưa có lời giải cho câu hỏi: bắt đầu từ đâu? làm như thế nào?

Khẳng định hiệu quả

Tiết dạy “Vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL” của cô Nguyễn Thị Quý Tuyết, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, được thực hiện trực tuyến, với sự tham gia của các tỉnh, thành trong cả nước, cho thấy hiệu quả của việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Bài giảng gồm 3 phần: các bộ phận hợp thành ĐBSCL; các thế mạnh và hạn chế chủ yếu; sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên. Trước khi bắt đầu, giáo viên trình chiếu một đoạn phim minh họa về đất, tài nguyên, con người... ĐBSCL. Đi vào bài giảng, ở mỗi nội dung, giáo viên đều sử dụng công nghệ thông tin để đưa ra hình ảnh minh họa. Đó là cảnh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, là hình ảnh những cách đồng lúa bát ngát, những làng bè...

Đinh Hoàng Thành Lễ, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Nếu chỉ nghe cô giảng giải thì dù giàu tưởng tượng đến đâu, em cũng không hình dung được 3 mặt của ĐBSCL giáp biển như thế nào. Những hình ảnh, bản đồ, biểu đồ được trình chiếu trong tiết học giúp em dễ dàng xác định vị trí địa lý của vùng châu thổ rộng nhất nước này. Qua những hình ảnh lạ và đẹp đó, em càng mong muốn được khám phá ĐBSCL nhiều hơn”. Còn Tạ Ngọc Phương Thảo, bạn cùng lớp với Lễ, lại thích thú khi phát hiện ra nhiều điều mới mẻ. Thảo nói: “Từ trước đến giờ, em nghĩ phù sa chỉ có ở sông ngòi, nhưng với những hình ảnh ĐBSCL được chụp từ trên cao và qua hướng dẫn của giáo viên, em thấy một dãy phù sa rất dày bao quanh bờ biển”.

 Tiết dạy môn Địa lý có ứng dụng công nghệ thông tin của cô Nguyễn Thị Quý Tuyết, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm với hệ thống câu hỏi giúp học sinh phát huy được tính năng động.

Theo đánh giá của nhiều cán bộ, giáo viên dự giờ, tiết dạy của cô Quý Tuyết rất thành công. Cô Trần Thị Trang, giáo viên đến từ tỉnh Lạng Sơn, nhận xét: “Tiết học được chuẩn bị chu đáo, hệ thống câu hỏi hợp lý, giúp học sinh nắm được nội dung bài học”. Một trong những yêu cầu của đổi mới phương pháp giảng dạy là phát huy tính chủ động của học sinh. Yêu cầu này đã được thực hiện khá tốt. Cô Trần Thị Phương Hà, giáo viên của đoàn Yên Bái, nói: “Cô Tuyết nắm được từng đối tượng học sinh và bao quát lớp hiệu quả. Cô thu hút được cả lớp cùng tham gia vào bài học bằng các hoạt động nhóm phù hợp”. Ở các câu hỏi, khi học sinh hoặc nhóm học sinh đưa ra câu trả lời, cô Tuyết đều yêu cầu các học sinh khác đánh giá đúng sai. Sau đó, cô mới đưa ra kết quả.

Với cách dạy như thế, tất cả học sinh đều phải tư duy; đồng thời, tạo ra không khí thảo luận sôi nổi giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên- điều thường thiếu trong các tiết dạy về khoa học xã hội nên gây nhàm chán cho học sinh. Em Đinh Hoàng Thành Lễ nói: “Trong những tiết học: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, nếu giáo viên chỉ giảng giải đều đều thì học sinh rất khó tập trung. Em thích những tiết học mà bản thân em tự tìm hiểu kiến thức, được phát biểu ý kiến của mình”.

Có thể nói, hiệu quả của đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá đã được khẳng định và hầu hết giáo viên đều nhận thức được điều này. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào, bắt đầu từ đâu vẫn là những câu hỏi đầy băn khoăn.

Băn khoăn cách thực hiện

Tại hội thảo về “Đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cấp THCS và THPT”, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian qua, song song với đổi mới giáo dục nói chung, các nhà quản lý giáo dục đã quan tâm đến việc đổi mới kiểm tra đánh giá, xem đây là vấn đề quan trọng, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, trong thực tế, sự thay đổi này chưa triệt để. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học tập bộ môn vẫn theo quan niệm cũ “đậm kiến thức, nhạt kỹ năng”. Kiểm tra đánh giá chủ yếu vẫn còn là độc quyền của giáo viên. Cô Lư Thị Huỳnh Mai, giáo viên Trường THCS Phan Triêm, tỉnh Bến Tre, nhận xét: “Nội dung của kiểm tra đánh giá vẫn còn nặng về ghi nhớ và học theo sách giáo khoa. Nội dung học nhiều nhưng nội dung kiểm tra đánh giá lại ít”.

Hiện nay, ở các trường phổ thông, việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý chủ yếu được thực hiện dưới hình thức bài tự luận, với những câu hỏi tái hiện kiến thức. Vì vậy, chưa phát huy được năng lực tư duy cũng như kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống. Kết quả là học sinh học một cách thụ động, đối phó, chưa tích cực tham gia vào quá trình tự kiểm tra, đánh giá; giáo viên giảng dạy cũng kém hào hứng. Thầy Nguyễn Thanh Hiền, Trường THPT Chuyên Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, cho rằng: “Với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, hầu hết học sinh có tâm lý chung là học đối phó, chỉ cần đạt điểm sao cho không ảnh hưởng đến kết quả chung”. Một số giáo viên Trường THPT Tháp Chàm, tỉnh Bình Thuận, cũng nhận xét, với môn Ngữ văn, quan niệm “học để thi” khá phổ biến. Vì vậy, các dạng bài kiểm tra còn đơn điệu, chưa phát huy tính sáng tạo, rèn luyện kỹ năng cảm thụ văn chương... của học sinh.

Từ thực tế trên, Hội thảo “Đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý cấp THCS và THPT” đưa ra một số ý kiến định hướng để trong thời gian tới, việc kiểm tra đánh giá phải đảm bảo độ tin cậy, tạo niềm tin và hứng thú học tập cho học sinh. Theo các giáo viên, trong đổi mới phương pháp dạy học, cần quan tâm phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh; chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp làm việc nhóm cho học sinh; kết hợp giữa sự đánh giá của thầy với tự đánh giá của học sinh và đánh giá lẫn nhau trong học sinh. Khi kiểm tra đánh giá, phải đảm bảo tính toàn diện về kiến thức, kỹ năng, thái độ của học sinh. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức và nội dung kiểm tra đánh giá của giáo viên với việc tự kiểm tra đánh giá của học sinh.

Nhiều giải pháp được đề xuất tại hội thảo. Tuy nhiên, bắt đầu từ đâu và làm như thế nào vẫn là những câu hỏi đầy băn khoăn. Đổi mới kiểm tra đánh giá và đổi mới phương pháp dạy học đồng bộ để tạo ra chuyển biến mới trong dạy học các môn Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử là yêu cầu bức thiết để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Vì vậy, rất cần một quy chuẩn cụ thể về đổi mới phương pháp giảng dạy từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết