Ngày 11-7-2007, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2007/CP-NĐ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch (Nghị định 117). Điều 42 của Nghị định này nêu rõ: “Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước”. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân nội thành vẫn phải chịu chi phí cao khi lắp mới đồng hồ nước, còn nhiều người dân nông thôn mỏi mòn chờ nguồn nước sạch để sinh hoạt hằng ngày. Việc lắp mới đồng hồ nước miễn phí theo đúng tinh thần Nghị định 117 bao giờ thực hiện?
Thành thị lắp mới đồng hồ nước giá cao
Hơn tháng nay, người dân ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều đã có nguồn nước máy ổn định để sử dụng. Đây là kết quả của cả một quá trình kiến nghị lâu dài, rất nhiêu khê. Chị Lê Kim Ngọc, một người dân ở khu vực này cho biết: “Trước đây, nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày chủ yếu là lấy từ rạch ông Tà. Hơn 4 năm nay, nguồn nước sông ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Những lúc vào con nước kém, nước có mùi tanh hôi không thể sử dụng được”. Trước nhu cầu quá bức xúc về nước sạch, một hộ dân ở khu vực này đã bỏ vốn đầu tư mạng lưới cung cấp nước sạch cho khoảng 30 hộ trong khu vực. Tuy nhiên, theo quá trình đô thị hóa, ngày càng có nhiều nhà mới được xây dựng tại khu vực này. Vì thế, nhiều hộ dân phải sử dụng nước câu đuôi với giá cao, nhưng lượng nước cấp thì “nhỏ giọt”. Chị Ngọc cho biết thêm: “Mỗi khối nước phải trả 5.000 đồng, nhưng chảy yếu xìu. Có hôm, vào giờ cao điểm nhà tôi mở vòi nước cả mấy tiếng đồng hồ mới đủ nước để sử dụng nấu cơm, giặt giũ”.
Hơn một năm trước, nhiều lần người dân nơi đây kiến nghị lên cấp chính quyền để mở mạng nước mới với mong muốn nguồn nước ổn định và giá rẻ. Nhưng đến khoảng cuối năm 2007 nơi đây mới được mở mạng nước mới. Anh Phúc, ở tổ 7 khu vực này, cho biết: “Có nguồn nước mạnh ổn định, giá nước giảm gần phân nửa so với trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều bà con vui lắm. Nhưng đi làm công nhật như nhà tôi thì phải mượn trước, mượn sau mới có đủ tiền để gắn đồng hồ nước, vì chi phí cao quá”.
 |
Công nhân Cty TNHH cấp thoát nước Cần Thơ đang thi công, lắp đặt đường ống dẫn nước cho người dân ở khu vực 3, phường An Khánh, TP Cần Thơ.
Ảnh: THANH LONG |
Theo những người dân nơi đây, để gắn được đồng hồ nước, họ phải tốn từ 1,1 1,5 triệu đồng/hộ. Chi phí này bao gồm 500.000 đồng hùn chịu cùng nhà cung cấp nước mở đường ống dẫn nước chính; phần còn lại là chi phí lắp đồng hồ mới, đường ống dẫn vào nhà... giá tùy thuộc vào từng hộ gia đình nằm gần hay xa đường ống chính. Nhưng số tiền này ít nhất cũng từ 600.000 đồng/hộ trở lên. Chi phí này khá cao so với thu nhập của người dân trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, nhất là cán bộ công chức và lao động làm công nhật.
Nông thôn bức xúc nước sạch
Nhiều năm nay, một số hộ dân khu vực Tân Xuân, Bình Thuận, phường Trường Lạc, quận Ô Môn lâm vào cảnh “khát nước sạch” sử dụng. Bởi con rạch Vạn Lịch, nguồn cung cấp nước chủ yếu của người dân sống cặp con rạch trên lộ tẻ Ba Se để sinh hoạt tắm, giặt, nấu nướng, ngày càng bị ô nhiễm. Một phần do người dân xả rác thải xuống, một phần vì một số hộ dân nuôi nhiều heo gây ô nhiễm nguồn nước rạch trầm trọng. Anh Thái Hậu Em, nhà nằm cặp rạch Vạn Lịch, bức xúc: “Nhà tôi nằm đối diện Trường trung học cơ sở Trường Lạc, nên có bán nước uống, thức ăn cho học sinh. Nhưng nước trong rạch quá ô nhiễm, mỗi khi con nước ròng là bốc mùi hôi thúi, ảnh hưởng đến buôn bán của tôi. Để có nước sạch sử dụng, tôi buộc phải mua nước lọc bình 20 lít, nhưng chẳng thấm tháp vào đâu, một ngày ngốn không dưới 1 bình nước”.
Bà Trần Thị Chín, một hộ dân cố cựu ở đây, kể là ngày trước con rạch Vạn Lịch này nước trong dữ lắm. Nhưng mấy năm nay thì không thể nào sử dụng được. “Mấy đứa con phải sắm cho tôi gần chục cái lu đựng nước mưa. Bây giờ, chỉ cần nhúng chân xuống là thấy ngứa rồi, có khi nổi cả mẩn đỏ. Tôi phải kêu tụi nó lấy nước mưa tắm. Mấy hộ kế bên tôi nhà nghèo không có tiền mua lu chứa nước mưa, cứ sang xin nước, nên gần chục lu nước mưa chẳng mấy chốc đã hết. Tôi cũng phải mua nước lọc loại thùng 20 lít để nấu nướng, còn nước tắm giặt thì buộc lòng đợi nước lớn tìm chỗ trong múc lên lóng phèn sử dụng đỡ”-bà Chín nói. Người dân ở khu vực này còn cho biết thêm, có hôm nước ròng còn thấy cả xác gà, vịt, heo con vứt xuống rạch. Nhưng không có nguồn nước sạch để sử dụng họ đành... cắn răng mà chịu đựng.
Tình trạng “khát nước sạch” ở nông thôn còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS&VSMT) TP Cần Thơ, hiện nay tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch cho sinh hoạt chỉ mới đạt 58%.
Còn nhiều vướng mắc
Nước sạch phục vụ sinh hoạt là một nhu cầu thiết yếu cho cả cư dân thành thị và nông thôn. Làm thế nào để người dân, nhất là người dân nông thôn có được nguồn nước sạch sử dụng với giá cả hợp lý, chất lượng ổn định là yêu cầu hết sức cấp bách. Ngày 11-7-2007, Chính phủ ban hành Nghị định 117. Một trong những nội dung của nghị định này là “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước”. Tuy nhiên, đến nay, tại TP Cần Thơ, Nghị định 117 vẫn chưa thực hiện được. Một trong những nguyên nhân chậm triển khai, theo các ngành chức năng là gần 6 tháng sau khi ban hành Nghị định 117, Bộ Xây dựng mới có Thông tư Số 01/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện.
Về vấn đề nước sạch cho đô thị, ông Trương Quốc Trạng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết: “Đến nay, chúng tôi vẫn chưa được thành phố thông qua chủ trương không thu tiền lắp mới hay thay lắp đặt cũ đồng hồ nước cho người dân. Trước khi thiết lập các điểm đấu nối cho các hộ dân phải có thỏa thuận bằng văn bản pháp lý được ký kết giữa UBND thành phố với công ty cấp thoát nước về vùng dịch vụ cấp nước. Trong đó bao gồm: vùng phục vụ cấp nước; định hướng kế hoạch phát triển cấp nước; nguồn tài chính dự kiến để thực hiện kế hoạch phát triển cấp nước; xây dựng giá thành khi đưa chi phí đấu nối vào; giá nước và lộ trình điều chỉnh giá nước... Những vấn đề này, chúng tôi vẫn chưa có chủ trương của UBND thành phố. Đây là những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định 117”.
Đối với lĩnh vực nước sạch nông thôn, ngoài việc vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình, trong quá trình thi công đào đắp đặt mạng đường ống phân phối không hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng (trên phần đất dân được giao quyền sử dụng) thì vốn dân đóng góp để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước khoảng 20% (chi phí lắp đặt đồng hồ). Ông Nguyễn Anh Thùy, Giám đốc Trung tâm NS&VSMT TP Cần Thơ, cho biết: “Nhu cầu vốn xây dựng các công trình cấp nước nông thôn rất lớn, khoảng 15-16 tỉ đồng/năm. Thực tế nhiều năm nay, hằng năm vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng 5-7 tỉ đồng. Nếu không có nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài thì tỷ lệ hộ dân nông thôn có nước sạch sinh hoạt chỉ đạt 1-2%/năm chứ không đạt khoảng 7% như hiện nay. Việc cấp nước sạch nông thôn đang hướng đến chủ trương xã hội hóa; đồng thời, theo quy định của một số tổ chức nước ngoài, các công trình tài trợ phải có sự tham gia của cộng đồng”.
Mặt khác, theo Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN về việc hướng dẫn chế độ quản lý sử dụng kinh phí chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn giai đoạn 2006-2010 của liên Bộ Tài chính Bộ NN&PTNT ban hành ngày 11-7-2007: “Công trình cấp nước tập trung: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 45% tổng dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với vùng đồng bằng, thị trấn, thị tứ, vùng duyên hải...”. Phần còn lại từ vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ông Nguyễn Anh Thùy, Giám đốc Trung tâm NS&VSMT TP Cần Thơ, cho biết thêm: “Đời sống người dân nông thôn còn nghèo nên việc vận động đóng góp 20% như trước đây đã khó, nay lên 55% thì khó có thể thực hiện được. Trên cơ sở đề nghị của chúng tôi, UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đồng ý chủ trương người dân hưởng thụ dự án đóng góp 20% cho các công trình được các cấp thẩm quyền phê duyệt”. Nhưng lĩnh vực nước sạch nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn. Vì thế, nếu thực hiện Nghị định 117 thì không thể thực hiện Thông tư liên tịch số 80 và ngược lại. “Đây là vấn đề khá hóc búa mà chúng tôi cần phải giải quyết. Nếu không chỉ tiêu đạt tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 95% vào năm 2010 khó có thể thực hiện được” ông Thùy nói .
Giải pháp tháo gỡ
Ông Trương Quốc Trạng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp thoát nước Cần Thơ, cho biết: “Để thực hiện vấn đề đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước, chúng tôi phải chờ chủ trương của UBND thành phố về thỏa thuận vùng dịch vụ cấp nước. Đồng thời, chúng tôi trình UBND thành phố phê duyệt quy định về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước, sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên địa bàn TP Cần Thơ. Công ty cũng đang tiến hành lập dự kiến nguồn tài chính để thực hiện kế hoạch cấp nước và xây dựng giá thành nước, lộ trình, các nguyên tắc điều chỉnh giá nước để trình các ban, ngành hữu quan, HĐND và UBND thành phố”. Khi đã hoàn chỉnh các nội dung vừa nêu, công ty sẽ lập hợp đồng dịch vụ cấp nước với khách hàng trên nguyên tắc thỏa thuận đấu nối (khách hàng sẽ được lắp đặt ống nhành và đồng hồ không phải trả tiền như Nghị định 117 quy định). Ông Trạng cho biết thêm, thời gian dự kiến triển khai việc thực hiện Nghị định 117 vào đầu quý III năm 2008.
Theo Trung tâm NS&VSMT TP Cần Thơ, các công trình cấp nước sạch nông thôn đầu tư giai đoạn 2006-2010 là những công trình tiên tiến với quy mô bền vững, lâu dài, kinh phí đầu tư xây dựng rất lớn. Hơn nữa, với mật độ dân cư như hiện nay còn khá thưa thớt, chi phí đầu tư mạng phân phối cấp nước rất lớn do phải kéo dài, vượt qua nhiều kinh rạch chằng chịt, công tác bảo dưỡng, bảo trì rất tốn kém. Ông Nguyễn Anh Thùy, Giám đốc Trung tâm NS&VSMT TP Cần Thơ, cho biết: “Nhu cầu vốn lớn, nguồn vốn từ ngân sách hạn hẹp, trong khi nước sạch cho người dân nông thôn ngày càng bức xúc. Vì thế, phải huy động sức dân đóng góp vào các công trình xây dựng như trước đây”.
ĐỖ CHÍ THIỆN ĐÔNG TRIỀU