|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ ngành 2 nước bạn Campuchia, Lào đã tới dự lễ khánh thành Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Ảnh: HOÀNG HẢI-TTXVN |
* Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác đầu tư toàn diện
Ngày 20-3, tại huyện Lộc Ninh, UBND tỉnh Bình Phước đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vể quy hoạch chung và khánh thành trạm Kiểm soát liên hợp Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Vương quốc Campuchia Men Sam On, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội và lãnh đạo các tỉnh của Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã tới dự buổi lễ.
Phát biểu tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh: Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư có vị trí chiến lược chính trị quan trọng, là cầu nối giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng trọng điểm kinh tế trọng điểm phía Nam (Việt Nam) với các tỉnh Campuchia và Nam Lào. Do đó, tỉnh Bình Phước, đặc biệt là bộ máy quản lý khu kinh tế phải nhanh nhẹn, nắm bắt kịp thời những chuyển biến của tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế để phát huy tối đa tiềm lực của cửa khẩu này. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần đưa vào hoạt động hiệu quả Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và quan tâm chăm lo đời sống vật chất của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực cửa khẩu, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh khi khu kinh tế đi vào hoạt động.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư được quy hoạch bao gồm 4 xã Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh và thị trấn Lộc Ninh thuộc huyện Lộc Ninh với tổng diện tích hơn 28.300 ha. Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư sẽ mang lại bước phát triển quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách của tỉnh. Khu kinh tế này góp phần tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư xung quanh, tạo ra diện mạo mới cho vùng biên cương từng là vùng sâu vùng xa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở huyện Lộc Ninh và tỉnh Bình Phước.
Công trình Trạm kiểm soát liên hợp là một trong các dự án đầu tư phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư được xây dựng với kinh phí trên 19 tỉ đồng, nằm trên quốc lộ 13 cách biên giới Việt Nam - Campuchia 1,2 km. Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Hoa Lư sẽ đáp ứng nhu cầu giao lưu phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và vận chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực; tạo điều kiện khai thông, mở rộng thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và tỉnh Bình Phước.
* Chiều 20-3 tại Vientiane, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Lào phối hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp đang đầu tư làm ăn tại Lào, lắng nghe các ý kiến phản ánh hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn tạm thời để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả đầu tư.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, tham dự cuộc gặp có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào Sinlavong Khoutphay Theun, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước ta Võ Hồng Phúc, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào Lương Quốc Huy, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào Hoàng Cung Thượng Nhân cùng đại diện hơn 70 doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Lào và đại diện cơ quan hữu quan nước sở tại.
Tại cuộc gặp, các nhà đầu tư Việt Nam đều đánh giá cao triển vọng đầu tư tại Lào. Số lượng dự án và vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào tăng lên nhanh chóng thời gian qua. Trong hai năm 2008 và 2009, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu trong các nước đầu tư vào Lào với trên 200 dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỉ USD.
Một số dự án đầu tư lớn của Việt Nam đã triển khai hiệu quả như Thủy điện Secaman 3, đầu tư trồng, khai thác và chế biến hàng vạn hécta cao su tại Nam, Trung Lào góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Lào nói chung và địa bàn dự án nói riêng. Việt Nam đã triển khai đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp và dịch vụ du lịch, khách sạn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại 16/17 tỉnh của Lào.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng gặp những thách thức, khó khăn do hạn chế về cả khách quan và chủ quan. Một số dự án triển khai còn chậm do thiếu vốn, thiếu nhân lực, thiếu chiến lược đầu tư đúng đắn hoặc mâu thuẫn giữa các cổ đông. Tình trạng thiếu thông tin chưa được khắc phục. Ngoài ra, một số chủ đầu tư chưa nắm được đầy đủ các qui định, luật pháp, cập nhật về các thay đổi trong chính sách của Lào cũng như tình hình kinh tế-xã hội nước sở tại để có các điều chỉnh kịp thời.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Sinlavong Khoutphay Theun và Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã lắng nghe và giải đáp những kiến nghị của các doanh nghiệp. Hai bộ trưởng tin tưởng trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư mạnh mẽ vào Lào nhằm nâng quan hệ đặc biệt của hai nước lên một tầm cao mới.
HOÀNG TUẤN (TTXVN)