16/03/2016 - 22:15

BẾN TRE- KIÊN GIANG

Chủ động ứng phó thiên tai hạn, mặn

Trước tình hình hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng và được dự báo sẽ kéo dài trong những tháng tiếp theo, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều biện pháp cấp bách để cứu lấy lúa chưa thu hoạch, bảo vệ sản xuất cho vụ hè thu sắp tới, đồng thời đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Nông dân cũng quyết không bỏ đất trống. Mặc dù tình trạng khan nước ngọt đang trầm trọng tại Bến Tre, nhưng người dân trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhiều giải pháp để có nước sinh hoạt, lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định không để dân thiếu nước ngọt.

Bến Tre: Không để dân thiếu nước ngọt

Hiện tỉnh Bến Tre chỉ còn 2/164 xã (gồm Phú Phụng và Vĩnh Bình của huyện Chợ Lách) chưa bị nước mặn xâm nhập. Các kênh nội đồng, trong vùng đê bao, độ mặn thấp nhất đo được gần 3‰. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của tỉnh, trên 19.700ha lúa đông xuân, trên 5.000ha hoa màu bị mất trắng, 100.000 cây giống bị chết, gần 6.000ha cây ăn trái và 475ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai hạn mặn. Nghêu ở các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại cũng có hiện tượng chết dần, các hợp tác xã đang ráo riết khai thác, san thưa nhằm hạn chế thiệt hại.

Đắp đập ngăn mặn.

Tình trạng "khát" nước ngọt đang bao trùm khắp Bến Tre. Hiện ở 3 huyện ven biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú có hơn 353.000 người dân đang "khát" nước ngọt trầm trọng. Để có nước ngọt sinh hoạt và sản xuất, họ phải mua với giá rất cao từ các xe bồn, trung bình khoảng 100.000 đồng/m3, có nơi mua hơn 200.000 đồng/m3. Hiện nguồn nước hầu hết ở các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh đều bị nhiễm mặn, người dân sử dụng nước bị nhiễm mặn cao (khoảng 5 -7‰). Nhà máy nước Sơn Đông (TP Bến Tre) mỗi ngày đêm cung cấp khoảng 40.000m3 nước sinh hoạt cho người dân thành phố và các vùng lân cận nhưng đều bị nhiễm mặn. Theo bà Nguyễn Thị Diễm Phượng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, với công suất khai thác 35.000m3 nước ngọt từ hai tổ hợp của Trạm bơm Cái Cỏ là không đủ cung cấp cho dân, nhà máy phải lấy thêm nguồn nước tại chỗ (độ nhiễm mặn cao hơn) để dung hòa. Độ mặn của nước máy tuy đã giảm đáng kể so với trước nhưng vẫn còn cao so với bình thường. Công ty đang cố gắng vận hành tăng cường lưu lượng nước từ Trạm bơm Cái Cỏ về, giảm lưu lượng nước lấy tại Sơn Đông để chất lượng nước tốt hơn.

"Vì vậy trước mắt người dân trong tỉnh cần làm một cuộc "Đồng khởi trữ nước mưa". Địa phương nào có điều kiện trữ được lượng nước mưa lớn thì khẩn trương làm ngay; tích cực vận động nhân dân trữ nước trong các lu, hồ, mương dừa để tự cứu lấy mình trước thiên tai hạn mặn"- Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo yêu cầu.

Để đối phó tình thế này, nhiều người dân ở vùng đất giồng cát đã khai thác nước tầng nông lấy nước ngọt sử dụng và bán lại cho người dân trong vùng. Việc khai thác quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm tầng nông từ các giồng cát này bị kiệt dần. Theo ông Lê Văn Hưng ngụ ấp 2, xã Bình Thới, huyện Bình Đại, mỗi ngày ông dùng xe công nông kéo theo chiếc bồn chở nước từ các giếng khoan có độ sâu khoảng 10m ở khu vực thị trấn Bình Đại bán cho bà con ở các xã vùng biển của huyện. Nhưng giờ các giếng khoan khu vực thị trấn đã kiệt nước. "Buổi chiều ngồi chờ hơn tiếng đồng hồ mới bơm đủ xe, nước bơm lên bùn sình nhiều lắm, không thể bán được"- ông Hưng nói. Theo các chủ giếng ở khu vực thị trấn Bình Đại, nước chỉ sử dụng được nếu khoan giếng sâu từ 6 - 8m, còn khoan sâu hơn nữa thì nước lên phèn mặn không xài được. Trên địa bàn huyện Bình Đại có một số mạch nước tầng nông ở độ sâu dưới 10m tại một số điểm khu vực thị trấn, xã Đại Hòa Lộc và một vài xã gần huyện Châu Thành là có thể khoan giếng lấy nước sinh hoạt, tưới rau màu. Còn tại các khu vực khác thì không có các mạch nước này, nhưng sự khai thác quá mức đã làm mạch nước tầng nông cũng ít dần trong vài ngày gần đây.

Các công trình ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh hiện chưa được hoàn thiện (cống Thủ Cửu – Giồng Trôm, cống Giao Hòa - Châu Thành, cống Cái Quao - Mỏ Cày Nam...) nên khi mặn xâm nhập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Phải ít nhất 2 năm nữa các công trình trên mới phát huy hiệu quả. Tại các cuộc họp với các ban, ngành tỉnh vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng yêu cầu các địa phương tranh thủ mọi nguồn lực, tìm mọi biện pháp hỗ trợ nhân dân có nước ngọt sinh hoạt và sản xuất; vận động các chủ phương tiện đưa nước ngọt về cho người dân, ưu tiên người dân ở các xã xa, hẻo lánh, không để bất cứ người dân nào thiếu nước sinh hoạt. Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre phải giải quyết khẩn cấp vấn đề nước ngọt cho các bệnh viện, doanh nghiệp và những hộ dân ở các địa phương cần đấu nối ống, đồng thời trình các phương án để tỉnh hỗ trợ.

Kiên Giang: Tạo mọi điều kiện cho dân sản xuất

Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, độ mặn có xu hướng gia tăng đến hết tháng 5-2016. Hiện hạn, mặn ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại 4 huyện vùng U Minh Thượng. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 35.000ha lúa bị thiệt hại do hạn, mặn. Trước tình hình cấp bách, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề xuất với UBND tỉnh Kiên Giang cấp kinh phí để đắp 4 đập trên các tuyến kênh chính thông ra biển để ngăn mặn, giữ ngọt. Theo đó, một đập được đắp trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại đầu đê bao Đông Hòa với chiều dài 47m; một đập được đắp trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên tại đoạn gần văn phòng Công ty TNHH- MTV cấp thoát nước Kiên Giang với chiều dài 72m; một đập đắp tại vàm Kênh Cụt (TP Rạch Giá), chiều dài 110m và một đập trên kênh Ông Hiển đoạn gần UBND phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá dài 50m. Tổng kinh phí đắp các đập gần 20 tỉ đồng. Theo đó, 4 đập này được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đắp hai đập trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên và Rạch Giá - Long Xuyên, dự kiến hoàn thành trung tuần tháng 3; giai đoạn 2 đắp hai đập còn lại hoàn thành cuối tháng 3-2016.

UBND tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định trích ngân sách hơn 150 tỉ đồng để hỗ trợ cho 18.125 hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại.

Còn dự án xây dựng, khôi phục và nâng cấp tuyến đê biển huyện An Biên, An Minh đến nay đã triển khai. Dự án này nhằm khép kín phục vụ công tác điều tiết nước cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở các huyện vùng U Minh Thượng. Sở NN&PTNT Kiên Giang đã kiến nghị Bộ NN&PTNT bố trí thêm nguồn vốn cho Kiên Giang để tiếp tục thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cống đang thi công và bố trí vốn cho các cống còn lại; xem xét trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho Kiên Giang để triển khai nạo vét kênh, mương, duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016 với kinh phí 102 tỉ đồng. Hiện tỉnh đã triển khai đắp xong 52 đập ngăn mặn, trong đó An Biên 27 đập, An Minh 13 đập, U Minh Thượng 12 đập, tạo điều kiện thuận lợi để ngăn mặn, giữ ngọt trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, để khép kín, giữ ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu phục vụ sản xuất và sinh hoạt thì cần đầu tư một số công trình. Cụ thể, trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên phải làm âu thuyền tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, cống Sông Kiên, TP Rạch Giá (đang thi công), cống Kinh Nhánh, cống Kinh Cụt, TP Rạch Giá, cống Tà Niên và âu thuyền ở vàm Bà Lịch, huyện Châu Thành. Bên cạnh đó, cần thiết phải có hệ thống thủy lợi kinh trục lớn lấy nước từ sông Hậu đưa về. Hiện Kiên Giang đang tập hợp các danh mục để trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để khảo sát và đánh giá khả thi, triển khai thực hiện cho hợp lý. Dự kiến tỉnh Kiên Giang cần khoảng 5.500 tỉ đồng để đầu tư các công trình nhằm khép kín được vùng sản xuất ở Kiên Giang và một số tỉnh lân cận.

Trước tình hình hạn, mặn bủa vây, nông dân Kiên Giang xoay xở để vượt khó bằng nhiều cách. Tại huyện An Biên, thống kê sơ bộ có hơn 6.600 hộ dân bị thiệt hại hơn 12.200ha lúa mùa và đông xuân 2015 - 2016, trong đó nhiều nhất là xã Đông Thái và Đông Yên. Nhưng nông dân trồng lúa quyết không bỏ đất trống. Ông Lê Hữu Tâm, ngụ ấp Lô 2, xã Hưng Yên, huyện An Biên cho biết, gia đình ông sản xuất 35 công lúa vụ đông xuân 2015 - 2016, do hạn hán, mặn xâm nhập, toàn bộ ruộng lúa bị lép hạt. Vì vậy, gia đình ông Tâm nợ tiền giống, vật tư nông nghiệp hơn 50 triệu đồng, nhưng ông Tâm cho biết sẽ bán 40 con heo sắp đến ngày xuất chuồng để có tiền trả nợ, phần còn lại để dành chuẩn bị vật tư cho vụ hè thu sắp tới. "Cỡ nào tui cũng không bỏ đất trống. Tui sẽ theo dõi tình hình thời tiết, lịch thời vụ do cơ quan chuyên môn khuyến cáo, không tự ý gieo sạ để tránh mất mùa như năm nay"- ông Tâm nói. Còn ông Trương Văn Tạo, ngụ ấp Vĩnh Tây 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận vừa mất 16 công đất lúa mùa, thiệt hại hơn 20 triệu đồng, nhưng ông vẫn không nản chí. Ông Tạo cho biết: "Cỡ nào cũng bám đất để sản xuất. Tôi thả tôm mùng 9 tết vừa rồi. Chỉ cần đầu tư đúng cách, đúng kỹ thuật thì vụ tôm này sẽ trúng, sẽ không lo nợ nần". Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, bà Vũ Thị Thạnh, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất thuê 320 công đất canh tác, do hạn hán, xâm nhập mặn, toàn bộ diện tích lúa bị lép hạt, cháy khô, tính sơ bộ, bà Thạnh mất cả mấy trăm triệu đồng. Thế nhưng, bà Thạnh cho biết sẽ không bỏ đất trống mà tập trung tiếp tục cho vụ tới. Tại huyện Kiên Lương, nhiều nông dân cũng chịu cảnh tương tự, nhưng bà con vẫn bám đất, bám ruộng và khẳng định sẽ tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng để không bị thiệt hại.

Nguyên Bình- Anh Phương

Chia sẻ bài viết