27/01/2016 - 14:58

Chủ động, sáng tạo trong giải quyết
BÀI TOÁN VỐN

Năm 2010, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) triển khai trên diện rộng giữa lúc kinh tế trong nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tùy vào tình hình thực tế, 36 xã XDNTM của TP Cần Thơ đã chọn hướng đi, cách làm riêng để kịp thích ứng và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Bước sang giai đoạn mới (2016-2020), các xã xác định tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho công cuộc XDNTM trên cơ sở tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách, vốn tín dụng, đóng góp từ doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy nguồn lực tại chỗ...

* Gian nan bài toán vốn

Từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn vốn huy động XDNTM của TP Cần Thơ là hơn 8.227 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) trên 2.908 tỉ đồng, tín dụng khoảng 4.388 tỉ đồng, doanh nghiệp gần 232 tỉ đồng, dân đóng góp gần 697,15 tỉ đồng... Nguồn vốn từ nguồn ngân sách chủ yếu phân bổ cho công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; đầu tư cho các công trình trường học, trạm y tế, một phần hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi... Vốn huy động trong dân chủ yếu làm đường giao thông nông thôn, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nhà thông tin ấp, nhà ở dân cư, cải tạo cảnh quan môi trường… Nhìn chung, việc huy động các nguồn lực thực hiện các tiêu chí, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ XDNTM còn hạn chế, xã hội hóa trong việc XDNTM tại nhiều địa phương còn thấp.

Nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội thường cần vốn đầu tư lớn. Trong ảnh: Đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn xã Tân Thới, huyện Phong Điền.

Có thể thấy rằng, XDNTM trong điều kiện nguồn tài chính hạn hẹp là thực tế chung của cả nước. Đây là nguyên nhân chính khiến các xã không thể hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ đề ra. Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Do kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu dẫn đến việc thực hiện các tiêu chí trong XDNTM chậm hơn so với kế hoạch, nhất là nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, công tác vận động xã hội hóa trong doanh nghiệp ở một số xã còn gặp nhiều khó khăn do không có doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Một số cơ chế, chính sách thực hiện chương trình chưa đồng bộ như: cơ chế huy động vốn, tổ chức bộ máy và quy định thực hiện một số tiêu chí chưa phù hợp với địa phương... cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn trong XDNTM".

Theo phản ánh từ các địa phương, một số tiêu chí như: đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, cột cờ; thu gom rác thải; tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp… có thể vận động người dân đóng góp, cùng chung tay thực hiện. Nhưng đối với nhóm tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội như: xây dựng trụ sở xã, trường học, trạm y tế đạt chuẩn… thì rất cần sự vào cuộc của Nhà nước. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: "Là xã thuần nông, đa số người dân của xã sống bằng nghề nông, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên sức đóng góp xây dựng các công trình nói chung và làm giao thông nói riêng còn rất hạn chế. Mặt khác, việc huy động vốn từ doanh nghiệp và tín dụng không hề đơn giản do các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hiện nay chưa thật sự hấp dẫn…

* Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Thực tế cho thấy, dù trong hoàn cảnh khó khăn, các địa phương XDNTM của thành phố vẫn uyển chuyển để thích ứng với yêu cầu thực tiễn, không để xảy ra tình trạng "giậm chân tại chỗ". Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Thời gian qua, 6 xã trên địa bàn huyện tổ chức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới có trọng tâm, trọng điểm và đạt tín hiệu khả quan. Giai đoạn 2006-2020, huyện tiếp tục ưu tiên hoàn thành các tiêu chí ít tiêu tốn vốn ngân sách nhà nước; sử dụng nhiều nguồn lực để thực hiện các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển sản xuất… Theo ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, mặc dù đã đạt danh hiệu xã nông thôn mới, song Thạnh Lợi xác định tiếp tục huy động vốn để củng cố, nâng chất các tiêu chí đã đạt trên cơ sở phát huy nội lực là chính. Điển hình như: tạo điều kiện tối đa để nông dân phát triển kinh tế, tích lũy vốn để tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất; khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, để có được kinh phí bố trí cho chương trình là sự nỗ lực lớn của thành phố và các địa phương. Nếu chúng ta vẫn giữ thói quen tư duy thành tích, đưa ra chỉ tiêu quá cao thì các mục tiêu XDNTM khó lòng đạt được. Thay vào đó, phát triển nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ nói chung và tiến trình XDNTM ở Cần Thơ nói riêng cần được lồng ghép, kết hợp hài hòa và đặt trong mối tương quan với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, vùng và quy hoạch phát triển ngành. Điều này thể hiện được tính hiệu quả trong XDNTM, đặc biệt là tránh tình trạng đầu tư dàn trải, nhiều công trình thi công dở dang nằm chờ vốn. Quá trình XDNTM cần phát huy dân chủ rộng rãi, từ đó tạo được sự đồng thuận, nhất quán sẽ khuyến khích được người dân tham gia, đóng góp tích cực trong dân công cuộc XDNTM tại địa phương. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng cần được công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí để tạo niềm tin trong nhân dân…

Theo ông Nguyễn Anh Thùy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, XDNTM là chương trình lớn, dài hơi, tốn nhiều công sức, tiền của và cần đi theo lộ trình phù hợp. Mỗi xã cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn tài chính thực hiện chương trình. Thời gian tới, thành phố tiếp tục quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí phục vụ XDNTM cho các xã bao gồm kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình và các nguồn kinh phí lồng ghép. Doanh nghiệp giữ vai trò "xúc tác" trong XDNTM, do đó ngành nông nghiệp thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Nghị định 41/NĐ-CP về tín dụng nông thôn để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, thủy sản tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Về phía địa phương, trên cơ sở phát huy nội lực là chính, mỗi xã cũng phải linh hoạt trong việc chọn những tiêu chí ít tốn kinh phí hoàn thành trước, tập trung vào những tiêu chí mang tính đột phá, tạo đà thực hiện các tiêu chí khác...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết