27/06/2011 - 20:45

Chủ động phòng, chống ung thư cổ tử cung

Tiêm ngừa vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung cho học sinh tại Trạm Y tế phường
Trà Nóc. Ảnh: CTV

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 7.000 ca mắc mới và 4.000 phụ nữ chết vì UTCTC. Đáng lo ngại là UTCTC tấn công nữ giới vào thời kỳ quan trọng nhất trong đời ở độ tuổi có hiệu suất lao động cao (40 - 49 tuổi) và đây không phải là bệnh di truyền.

Bệnh UTCTC do một loại virut gây u nhú ở người (Human paliloma virus -viết tắt là HPV) gây ra. Khi phân tích 932 mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân UTCTC tại 22 quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy có DNA của HPV trong 99,7% các trường hợp UTCTC. HPV lây truyền qua tiếp xúc tình dục và quan hệ tình dục. Nó lây nhiễm qua tiếp xúc da niêm mạc như qua tiếp xúc giữa da niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung âm đạo. Tuy nhiên HPV không lây qua đường máu hoặc qua các dịch tiết cơ thể khác (tinh dịch, dịch âm đạo,...). HPV có khả năng lây dễ dàng và rộng rãi. Do đa số người nhiễm HPV không biết mình đã có nhiễm HPV nên họ có thể vô tình lây truyền HPV sang cho bạn tình. Hầu hết nam và nữ đều có thể bị nhiễm HPV trong cuộc đời của họ. Ở nữ giới, nguy cơ lây nhiễm cao nhất ở thời điểm bắt đầu có quan hệ tình dục.

Có trên 100 type HPV, trong đó khoảng 40 type tác động trên đường sinh dục, số type nguy cơ cao hiện nay vào khoảng 15-18 type, phổ biến nhất là type 16, 18 gây ra hơn 70% các trường hợp UTCTC... Không phải nhiễm HPV là sẽ có ung thư cổ tử cung. Nhiễm HPV bất kỳ thuộc type nào đều có khả năng tự lui bệnh đến hết hẳn và không để lại di chứng gì cho người bị nhiễm. Một số trường hợp nhiễm dai dẵng kéo dài, đặc biệt do nhóm nguy cơ cao, sẽ gây ra các tổn thương về phát triển mô học của cổ tử cung (dị sản xếp theo thứ tự nhẹ, vừa, nặng). Hơn phân nửa các trường hợp dị sản nhẹ có khả năng tự thoái lui; 10% các trường hợp dị sản nặng hay vừa có khả năng tiến triển nặng hơn trong 2 - 4 năm; khoảng 50% dị sản nặng sẽ trở thành ung thư tại chỗ cổ tử cung.

Tổn thương dị sản hay UTCTC có một thời gian dài phát triển tại biểu mô và tại cổ tử cung. Trung bình, có khoảng 10 - 20 năm cho sự tiến triển từ dị sản đến UTCTC. Đây chính là thuận lợi cho việc tầm soát UTCTC, giúp phát hiện sớm và điều trị những tổn thương dị sản cũng như ung thư giai đoạn sớm. Có những yếu tố tạo thuận lợi cho tiến triển UTCTC từ nhiễm HPV, như: Bắt đầu quan hệ tình dục sớm (dưới 18 tuổi); có nhiều bạn tình và nguy cơ càng cao nếu bạn tình đó có quan hệ tình dục với nhiều người khác; có thai nhiều lần (trên 4 lần); sinh nhiều con; có con sớm; hút thuốc lá (do khói thuốc lá làm giảm miễn dịch thứ phát); mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhất là viêm sinh dục Herpes sinplex, suy giảm miễn dịch...

Có thể phòng tránh UTCTC theo 1 trong 2 cách: Phòng tránh viêm nhiễm từ đầu hoặc phát hiện yếu tố tiền UTCTC và cung cấp dịch vụ điều trị.

- Phương pháp đầu tiên được gọi là dự phòng cấp 1 và có thể thực hiện bằng cách tránh phơi nhiễm với virut nhờ kiêng quan hệ tình dục hoặc tuân thủ quan hệ một vợ một chồng cả 2 phía, quan hệ chung thủy và trước đó cả 2 người đều không viêm nhiễm; ngay cả khi luôn luôn sử dụng bao cao su thì cũng chỉ bảo vệ phòng tránh được HPV khoảng 70%. Do đó, chủ động phòng bệnh và có hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin HPV để không bị nhiễm HPV.

- Dự phòng cấp 2 là tầm soát tiếp tục bằng phết tế bào âm đạo. Biện pháp này nhằm tầm soát, chẩn đoán sớm các bất thường cổ tử cung nhằm điều trị sớm tránh biến chứng nặng hơn. Mặc dù phương pháp này được đưa ra áp dụng rộng rãi nhằm giảm tỷ lệ UTCTC, phát hiện và điều trị sớm, nhưng độ nhạy (44 - 78%) và độ đặc hiệu (91-96%) của xét nghiệm này thay đổi tùy theo nhiều điều kiện: chất lượng lấy mẫu, chất lượng người đọc mẫu, chất lượng vận chuyển, lưu trữ và xử lý mẫu nên xác suất chẩn đoán sai có thể cao và đó cũng là lý do dẫn đến dù bệnh nhân đã tầm soát theo đúng chương trình nhưng vẫn còn trường hợp phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn.

Việc phát minh ra vắc-xin ngừa HPV hiện tại đã đem lại nhiều hy vọng trong việc khống chế ung thư cổ tử cung. Hiện tại, có 2 loại vắc-xin đã được công nhận tác động và cho phép sử dụng đại trà. Do HPV 16,18 là 2 nhóm chủ yếu gây ra >70% các trường hợp UTCTC, các vắc-xin chủ yếu nhằm tạo miễn dịch với 2 nhóm HPV này. Cách sử dụng vắc- xin ngừa HPV được khuyến cáo nên tiêm cho thiếu nữ trẻ hay trẻ gái vị thành niên từ 9 - 26 tuổi chưa có quan hệ tình dục, nhằm chuẩn bị đầy đủ miễn dịch, tránh tác động của HPV một khi có nhiễm HPV qua đường tình dục. Cho đến nay, vắc-xin HPV vẫn được khẳng định là vắc-xin thuộc dạng phòng ngừa chứ không phải là vắc-xin điều trị. Một vấn đề cần chú ý là việc tiêm ngừa vắc-xin HPV có ý nghĩa hoàn toàn khác với tầm soát UTCTC. Nếu cộng đồng các thiếu nữ được miễn dịch hoàn toàn với HPV, có nghĩa là đa số các em sẽ tránh được UTCTC; kết quả này chỉ thấy sau một thời gian dài áp dụng đồng bộ vắc-xin HPV cho các em gái. Cộng đồng phụ nữ lớn tuổi hơn, không được bảo vệ bằng vắc-xin, vẫn còn khả năng bị ung thư và chính chương trình tầm soát UTCTC sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị tích cực hiệu quả cho họ. Hơn nữa, cho tới nay, chỉ có vắc-xin cho 2 nhóm HPV nguy cơ cao là 16,18, số trường hợp còn lại sẽ bị bỏ qua nếu chúng ta không có một chương trình tầm soát và điều trị ung thư có hiệu quả.

Tại TP Cần Thơ, trong 2 năm học 2008 - 2009; 2009 - 2010 đã triển khai tiêm 3 mũi vắc-xin HPV phòng UTCTC cho trên 3.400 trẻ em gái 11 tuổi hoặc đang học lớp 6 tại 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy với trên 13.000 liều vắc-xin HPV (Gardasil) do hãng Merck & Co. Inc, Hoa Kỳ sản xuất. Trong năm học 2010 - 2011, cũng đã tiến hành tiêm mũi 1 và mũi 2 vắc-xin HPV năm thứ ba cho 1.855 cháu nữ học sinh lớp 6 tại các trường thuộc quận Ninh Kiều và các cháu nữ sinh năm 1999 tại quận Bình Thủy. Tất cả các cháu đều được khám và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tuy nhiên đối với các cháu được tiêm 2 mũi vắc-xin HPV trong năm học 2010-2011 còn mũi 3 phải tiêm vào tháng 7 - 2011 là vào lúc các cháu nghỉ hè, nên chúng tôi đề nghị gia đình nên liên lạc với nhà trường và trạm y tế để nhận lịch hẹn ngày tiêm mũi 3 cho các cháu, cụ thể:

- Đối với các cháu gái năm 1999 quận Bình Thủy: được tiêm từ ngày 13-15/7/2011 tại các trạm y tế phường thuộc quận Bình Thủy. Và tiêm vét vào ngày 02- 05/8/2011 tại trạm y tế phường.

- Đối với các cháu gái học lớp 6 tại quận Ninh Kiều: được tiêm từ ngày 13-15/7/2011 tại các trường các cháu đã học lớp 6 trong năm học 2010 - 2011. Và tiêm vét vào ngày 02 - 05/8/2011 tại trạm y tế phường thuộc địa bàn trường các cháu học.

Bác sĩ NGUYỄN TRUNG NGHĨA
(Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết