08/04/2011 - 20:37

Chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cứ vào tháng 5 - 6 hằng năm, mật độ muỗi và lăng quăng tăng cao, đi cùng với nguy cơ bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát thành dịch. Năm nay, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, tuy số ca mắc bệnh SXH không tăng so với cùng kỳ nhưng số trường hợp bệnh nặng lại tăng nhanh. Phóng viên Báo Cần Thơ đã ghi nhận ý kiến của Tiến sĩ-bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ và bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, về những nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH, biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh hết sức nguy hiểm này.

* Tiến sĩ - bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ:
Không chủ quan trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Trong 3 tháng đầu năm 2011, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã khám và điều trị cho 194 trẻ bị SXH, trong đó có 100 ca ngụ tại TP Cần Thơ. Tuy số trẻ bệnh SXH giảm so với cùng kỳ nhưng tình trạng bệnh nặng (có triệu chứng sốc, tái sốc, xuất huyết tiêu hóa, hội chứng não cấp...) lại nhiều hơn, chiếm tỷ lệ 37%, tăng 10% so với những năm trước. Nhiều ca SXH nặng, trụy tim mạch (mạch, huyết áp không đo được), tái sốc nhiều lần. Bệnh viện đã trang bị nhiều thiết bị chuyên sâu, triển khai kỹ thuật điều trị mới, điều trị thành công, cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng.

Trong điều trị bệnh SXH, vai trò thầy thuốc và người nhà bệnh nhân rất quan trọng. Thầy thuốc phải giỏi kỹ năng lâm sàng, thăm khám chẩn đoán kết hợp với cận lâm sàng và hướng dẫn xử trí tại nhà, chú ý các dấu hiệu trở nặng phải hướng dẫn người nhà đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện. Không phải trường hợp nào bị SXH cũng phải nhập viện điều trị. Thông thường 70% bệnh nhân bị SXH không gây sốc, trường hợp này có thể điều trị ngoại trú. Tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có sổ khám bệnh. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đọc kỹ sổ này vì trong đó có hướng dẫn về bệnh SXH.

Với phụ huynh, khi có con bị sốt trong mùa dịch SXH nên dự phòng đến khả năng mắc bệnh này. Do vậy, cần chú ý ngày sốt của trẻ (1 ngày tính 24 giờ), rất quan trọng. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để có chẩn đoán chính xác bệnh SXH phải xét nghiệm huyết học vào cuối ngày sốt thứ hai hoặc thứ ba thì kết quả mới có độ tin cậy cao. Đặc biệt với những trẻ bị sốt, lại có những bệnh lý kèm theo như bệnh tim, thận, máu, béo phì, viêm phế quản... càng nên đứa trẻ đến bệnh viện sớm. Vì những bệnh lý này làm cho bệnh SXH càng nặng hơn. Phụ huynh cũng cần lưu ý, khi trẻ sốt trên 2 ngày, rồi đột ngột hạ sốt, tay chân lạnh, lừ đừ, lơ mơ, vật vã, đau bụng, ói... thì nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Ngoài ra, cần theo dõi trẻ để phát hiện các triệu chứng tiền sốc, bao gồm: Trẻ sốt cuối ngày thứ 2 hoặc thứ 3, 4, trẻ vật vã, lừ đừ, tay chân lạnh, da đổi màu có vết bầm xuất huyết da niêm và tiêu ít. Nếu thấy các triệu chứng vừa nêu, người nhà cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Hiện nay, ở tuyến quận, huyện, khi gặp các ca bệnh nặng, các đơn vị này phải chuyển viện. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân vào sốc thì điều trị ổn định mới chuyển và thông báo cho Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ kèm theo giấy chuyển viện theo qui định. Trong điều trị bệnh SXH, các bác sĩ nên chẩn đoán đánh giá tình trạng bệnh chính xác, nếu tiên lượng nặng thì nên chuyển đến nơi có đủ điều kiện điều trị, tránh điều trị dở dang không hết rồi chuyển hoặc chuyển khi bệnh nhân đang sốc.

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ được Sở Y tế giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến trong điều trị bệnh SXH, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Khi gặp các ca bệnh nặng, ngoài khả năng xử trí, bệnh viện tuyến dưới sử dụng điện thoại đường dây nóng số: 07103.731144 hoặc Email bvndct@hcm.vnn.vn để được hướng dẫn thêm về chuyên môn. Nếu bệnh nặng, không thể chuyển viện, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ nhân lực xuống cấp cứu, điều trị.

* Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ:
Diệt muỗi, lăng quăng là biện pháp ưu tiên, hiệu quả

Tính đến ngày 4-4-2011, toàn thành phố có 140 trường hợp mắc bệnh SXH, không có tử vong, so với cùng kỳ giảm 27 ca (cùng kỳ năm 2010 có 1 ca tử vong). Hiện nay, bệnh đang tập trung ở các quận, huyện như Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai và Thốt Nốt. Một số xã, phường có số trường hợp mắc bệnh SXH khá cao như phường Xuân Khánh, An Hòa, Thới Bình và Hưng Lợi (quận Ninh Kiều); phường An Thới, Long Tuyền và Trà Nóc (quận Bình Thủy); phường Châu Văn Liêm, Thới An và Phước Thới (quận Ô Môn); xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh)...

Sở Y tế đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH dựa vào cộng đồng đợt I-2011 tập trung ở 20 xã, phường, thị trấn có nguy cơ bùng phát dịch SXH. Thời gian thực hiện chiến dịch là 2 lần, lần 1 ngày 6-4; lần 2 ngày 20-4. Đặc biệt ngành y tế cũng đề nghị sự hỗ trợ của UBMTTQ và các sở, ban, ngành, đoàn thể có công văn chỉ đạo theo hệ dọc để vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia chiến dịch. Ngành y tế cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo đưa các nội dung phòng chống bệnh SXH vào trường học.

Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã cấp 9 máy phun, 300 lít hóa chất diệt côn trùng, 15.000 tờ rơi cho các quận, huyện. Trung tâm cũng chuẩn bị cấp thêm 180 lít hóa chất diệt côn trùng cho các quận, huyện. Nhìn chung phương tiện, hóa chất dập dịch đã được trang bị tương đối đầy đủ cho các quận, huyện.

Nhiều năm nay, thành phố tập trung phòng chống bệnh SXH nhưng đến nay bệnh vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Nguyên nhân là một bộ phận người dân chưa thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi. Theo quy định, chúng tôi chỉ phun thuốc nơi có ổ dịch nhỏ, tức là khi có 1 ca mắc SXH độ III và IV, hoặc xét nghiệm mắc Elisa (+) hay có 2 ca độ I, II trong vòng 7 ngày ở 1 ấp. Trên thực tế phun hóa chất chỉ diệt muỗi, còn trứng muỗi và lăng quăng thì không diệt được do đó phải diệt hết lăng quăng. Nếu không diệt hết thì chỉ sau 10 -15 ngày phun hóa chất là trứng muỗi tiếp tục nở thành lăng quăng, rồi phát triển thành muỗi. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình nên thường xuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi. Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH hoạt động cả ngày lẫn đêm, đặc biệt hoạt động mạnh vào giờ chạng vạng. Vì thế, người dân nên có ý thức ngủ mùng cả ban ngày để phòng chống bệnh SXH.

ĐOÀN LÝ (lược ghi)

Chia sẻ bài viết