28/11/2023 - 08:43

Chủ động ổn định thị trường, bình ổn giá 

Chủ động nguồn cung, giảm thiểu tối đa biến động giá trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cùng với Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch bình ổn giá với nguồn dự trữ hàng hóa lớn. Tại các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Central Retail tại Việt Nam, MM Mega Market, LOTTE Mart, Winmart,… đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa, đặc biệt với nguồn hàng chủ lực là thực phẩm, tiêu dùng tăng từ 20-40% so với Tết năm 2023.

Hàng hóa trên thị trường dồi dào, giá ổn định. Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh tại MM Hưng Lợi.

Hàng hóa trên thị trường dồi dào, giá ổn định. Trong ảnh: Hoạt động kinh doanh tại MM Hưng Lợi.

Chủ động

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023. Trong đó nêu rõ, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, biện pháp chung là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý nhà nước đối với các mặt hàng theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chỉ thị gởi đến các tỉnh, thành và các đơn vị liên quan yêu cầu sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu... để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán...

Ngày 10-11, UBND TP Cần Thơ ban hành Công văn số 3575/QÐ-UBND về việc ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2023, Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ (Chương trình). Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đơn vị liên quan, UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ tháng 10 đến ngày 31-12-2023, giai đoạn 2 từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-3-2024. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, Chương trình nhận được đăng ký tham gia của 12 doanh nghiệp (tính đến tháng 9 năm 2023) với tổng giá trị dự trữ hàng hóa là hơn 227,78 tỉ đồng (trong đó: giai đoạn 1 hơn 94,5 tỉ đồng; giai đoạn 2 hơn 133,2 tỉ đồng).

Chung sức

Ðể chủ động nguồn cung hàng hóa dịp kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, theo các nhà bán lẻ, thời điểm này đã thực hiện gần xong công tác chuẩn bị nguồn hàng và lên kế hoạch chuẩn bị cho các chương trình bán hàng cuối năm. Qua tìm hiểu, thời điểm này, tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ và các chợ cho thấy, hàng hóa rất dồi dào, giá ổn định. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, nhất là đối với những mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, hóa phẩm, dầu ăn, nước mắm, sữa, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, trái cây…

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động kiêm Giám đốc Marketing Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh - Saigon Co.op, cho biết, năm nay, lượng hàng Tết tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op quản lý (Co.opmart, Co.op Food, Co.op Extra…) tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước và tăng 50% so với ngày bình thường. Cùng với đa dạng nguồn cung để có nguồn hàng phong phú, Saigon Co.op cũng tính toán lại giá cả, cân đối thu chi để đảm bảo giá hàng hóa ổn định và thực hiện nhiều ưu đãi cho khách hàng. Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op thiết kế các phần quà Tết giá bình dân, từ 149.000-199.000 đồng/phần.

Ông Vũ Thanh Tân, đại diện bộ phận truyền thông của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Big C/GO!, cho biết, đến nay đơn vị đã gần như hoàn tất công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024. Các kế hoạch về lượng hàng thống nhất với các nhà cung cấp lớn; việc mở rộng lượng hàng dự trữ cũng như hậu cần cũng đã được tính toán. Việc bảo đảm giá cả ổn định cùng các chương trình khuyến mãi, giảm giá cho dịp Tết cũng đã được thống nhất triển khai. Theo đó, chương trình khuyến mãi sẽ được thực hiện liên tục và chia thành 3 giai đoạn trọng điểm, bắt đầu từ cuối tháng 12-2023. Ðây sẽ là các chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm, bao quát toàn bộ các mặt hàng từ thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống cho đến hàng gia dụng, thời trang... Ðặc biệt, GO!, Big C sẽ chú trọng nhiều vào các mặt hàng thiết yếu và hàng phục vụ cho ngày Tết, giỏ quà Tết với các mức giảm giá phù hợp với từng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời thực hiện chiết khấu sâu và nhiều hình thức khuyến mãi đa dạng.

Ðại diện MM Mega Market (MM) cho biết, điểm mới trong chiến lược phục vụ mua sắm cho người tiêu dùng vào dịp cuối năm và Tết 2024 của MM là giới thiệu hàng Tết cho hơn 30.000 khách hàng trọng điểm thuộc nhóm B2B chuyên nghiệp (bao gồm doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, căn tin). Khách hàng có cơ hội trải nghiệm sớm sản phẩm với mẫu mã dành riêng cho Tết 2024 tại ngày hội, cũng như tìm hiểu về kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cuối năm tại hệ thống của MM. MM Mega Market tăng 20-30% tổng lượng dự trữ hàng hóa cho Tết, đồng thời liên tục làm việc với các nhà cung cấp để cân đối nguồn hàng, mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn nhất. Bên cạnh đó, MM còn triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, áp dụng mức giảm giá từ 10-30%, kéo dài xuyên suốt cuối năm đến lễ, Tết nhằm kích cầu mua sắm, góp phần phục hồi thị trường sau những biến động kinh tế năm 2023.

TP Hồ Chí Minh tập trung phần lớn doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, trong 2 tháng cuối năm, để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, ngành Ngân hàng cho biết, sẽ tập trung khai thác “tính chất mùa vụ”. Theo đó, tổng mức giải ngân hoạt động bình ổn thị trường vào dịp này khoảng 9.000 tỉ đồng, với lãi suất rất thấp, chỉ khoảng 4-6%/năm cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hàng Tết, cũng như các doanh nghiệp tham gia vào kênh phân phối hàng hóa cho người dân.

Ông Nguyễn Anh Ðức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng, những chính sách như giảm thuế VAT (từ 10% còn 8%), giảm lãi suất và đặc biệt là việc tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung tại các địa phương đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu chung của toàn thị trường tăng trưởng.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

 

Chia sẻ bài viết