27/02/2020 - 08:26

Chủ động nước mùa nắng nóng 

Phong Điền là huyện có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất của TP Cần Thơ, với hơn 7.600ha. Trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, nông dân đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ cây để đảm bảo năng suất và sản lượng.

Nông dân xã Trường Long, huyện Phong Điền, chủ động trữ nước trong mương vườn để sẵn sàng tưới nước cho cây.

Nguy cơ giảm năng suất

Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đang diễn ra rất gay gắt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, nhất là các tỉnh ven biển. Tại huyện Phong Điền và trên địa bàn TP Cần Thơ nói chung, dù ít bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập nhưng nắng nóng gay gắt và có sự chênh lệch cao giữa nhiệt độ ngày và đêm cũng đang gây nhiều tác động tiêu cực cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại Phong Điền nhìn chung vẫn khá thuận lợi và đảm bảo. Song, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái vẫn lo ngại nắng nóng tiếp tục kéo dài và không xuất hiện các đợt mưa trái mùa, khả năng thiếu nước tưới có thể xảy ra tại một số nơi nếu không có giải pháp chủ động. Bên cạnh đó, trong điều kiện thời tiết khô nóng, với nền nhiệt lên đến 33-360C, nhiều loại cây có thể bị giảm năng suất, thậm chí bị khô héo nếu không cung cấp đủ nước và có biện pháp chăm sóc, bảo vệ phù hợp. Ông Nguyễn Văn Nhanh ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Tôi có 3 công xoài và chanh không hạt đã được hơn 4 năm tuổi, cây đang cho trái, mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt nên nắng hạn kéo dài tôi cũng lo cây có thể bị ảnh hưởng đến năng suất cho trái, nhất là khi không đảm bảo nguồn nước để tưới cho cây kịp thời. Do vậy, tôi đã chủ động trữ nước ngọt sẵn trong mương vườn khi cần là nước tưới ngay".

Để đảm bảo cung cấp nước cho cây, nhiều nhà vườn tại huyện Phong Điền không chỉ quan tâm cải tạo các kênh mương, khơi thông dòng chảy và chủ động trữ nước ngọt trong mương vườn mà còn tăng cường tưới nước thường xuyên cho cây. Mặt khác, tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng cây cỏ, rơm rạ, đất sình... phủ xung quanh gốc cây để tăng độ ẩm, giúp bảo vệ cây trồng. Bà Phan Thị Bích Ngọc, ngụ ấp Trường Thọ, xã Trường Long, huyện Phong Điền, cho biết: "Qua xem đài, tôi nắm được thông tin dự báo mùa khô năm nay diễn ra khốc liệt hơn mọi năm và có khả năng còn kéo dài đến tháng 3, tháng 4 tới nên đã chủ động lấy sình từ dưới mương lên bồi cho vườn chanh không hạt hơn 2 công đang cho trái để bảo vệ cây. Gia đình tôi cũng tiến hành cải tạo hệ thống kênh mương lấy nước để đảm bảo nước tưới và cứ cách 1 ngày là tưới nước cho cây 1 lần".  Theo ông Nguyễn Văn Tuấn ở ấp Trường Trung, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, hiện thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào 20 công vườn trồng sầu riêng. Nắng nóng kéo dài, nếu không chăm sóc, tưới nước tốt cho vườn cây, năng suất trái chắc chắn bị sụt giảm, thậm chí còn bị chết cây nên tôi phải luôn theo sát vườn cây để đảm bảo cung cấp đủ nước tưới. Hiện ông cũng đã đầu tư gần 30 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động cho 6 công sầu riêng. Cách làm này vừa giúp tưới nước nhanh, vừa tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí. Tới đây, ông dự kiến tăng thêm diện tích vườn cây được lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động.

Khuyến cáo kịp thời

Huyện Phong Điền có hơn 7.600ha cây ăn trái các loại, trong đó, diện tích cho thu hoạch là 6.100ha, với sản lượng trái cây hiện đạt khoảng 90.000 tấn/năm. Thời gian qua, dù thời tiết có nhiều bất lợi nhưng nhờ có các khuyến cáo kịp thời của ngành chức năng để nông dân quan tâm chăm sóc tốt vườn cây mà nhiều loại cây ăn trái vẫn ra bông và đậu trái khá tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu.

Ông Phan Thanh Trung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết: "Qua kiểm tra thực tế cho thấy, nhiều diện tích trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản: sầu riêng, vú sữa, dâu Hạ Châu... đang ra hoa và đậu trái rất tốt, hứa hẹn khả năng đạt năng suất cao. Nông dân cần tiếp tục tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành chức năng và theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn để chủ động chăm sóc, bảo vệ vườn cây. Nắng nóng, cùng với nhiệt độ có biên độ dao động cao giữa ngày và đêm chắc chắn có ảnh hưởng đến khả năng thụ phấn và đậu trái của một số loại cây trồng. Song, trời nắng liên tục cũng tạo thuận lợi cho người dân trong việc xiết nước, xử lý ra trái sớm và nghịch vụ đối với nhiều loại cây ăn trái để có thể bán được giá cao". Theo anh Trung, trong điều kiện nắng nóng và hạn mặn diễn biến phức tạp hiện nay, nông dân không được chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình để ứng phó kịp thời. Chủ động trữ nước ngọt và tưới nước đầy đủ cho vườn cây ăn trái, nhất là giai đoạn cây cần nước để ra hoa và đậu trái. Mặt khác, nông dân cần quan tâm tăng cường đầu tư lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây để nâng cao hiệu quả tưới nước cho cây trồng.

Tính đến nay, huyện Phong Điền đã có hơn 80ha cây ăn trái của 170 hộ dân được lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động. Tùy chất liệu ống nước, chi phí đầu tư ban đầu để lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động ở mức 4-6 triệu đồng/công, nhưng có thể giúp giảm 30-40% chi phí bơm tưới nước cho vườn cây về sau nhờ tiết kiệm nhân công, thời gian và chi phí nhiên liệu. Mặt khác, cũng giúp tưới nước cho cây một cách đồng đều, tiết kiệm nước và chống xói mòn đất cho vườn cây.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết