19/11/2014 - 20:33

Chủ động cho vụ lúa đông xuân “ăn chắc”

Đông xuân là vụ lúa “ăn chắc” cho năng suất cao nhất so với các vụ lúa trong năm nhờ diễn biến thời tiết thuận lợi, đất đai nhiều phù sa, chất lượng nước tốt. Song, theo khuyến cáo của các nhà khoa học Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do năm nay là năm nhuận cộng thêm yếu tố thời tiết diễn biến thất thường khó dự báo nên nông dân cần theo dõi sát các dự báo khí tượng, thủy văn để tiến hành xuống giống thực hiện các chế độ chăm sóc lúa phù hợp.

Làm đất bằng máy xới hoặc trục đất trước khi gieo sạ lúa đông xuân sẽ góp phần giảm bớt chất độc còn tồn lưu trong đất.
 

Theo Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Canh tác-Viện Lúa ĐBSCL, thông thường nếu tính theo dương lịch, cuối tháng 10 mực nước sẽ rút dần, đầu tháng 11 nông dân tiến hành làm đất và gieo sạ từ giữa đến cuối tháng 11. Đối với năm nhuận, thời gian gieo sạ dự kiến sẽ trễ hơn 1 tháng so với năm bình thường. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay diễn biến không theo quy luật của năm nhuận nên nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa vụ đông xuân 2014-2015 của nông dân. Theo đó, mực nước năm 2014 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nên thuận lợi cho việc bơm rút nước xuống giống sớm, tập trung đúng thời vụ. Tuy nhiên theo dự báo khí tượng thủy văn hiện đang có áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam của nước ta. Do vậy cần phải theo dõi diễn biến của thời tiết để tránh và hạn chế thiệt hại sau khi xuống giống.

Nhằm chủ động trong việc gieo cấy lúa giống vụ đông xuân diễn ra thuận lợi và đảm bảo cho nhân giống lúa các cấp đạt yêu cầu quy định. Phòng điều hành sản xuất đưa ra một số hướng dẫn và khuyến cáo để bà con nông dân, người sản xuất lưu ý thực hiện tốt, hạn chế sai sót mang tính chủ quan làm thiệt hại kinh tế cho người sản xuất. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tạo, Trưởng phòng Sản xuất hạt giống-Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Để đảm bảo lúa hàng hóa đạt độ chuẩn cao chất lượng đồng đều về kích cỡ hạt, hàm lượng amylose, mùi thơm (nếu có), nông dân nên tập trung nhân giống và sản xuất những giống chất lượng cao, thơm, cơm mềm tơi xốp theo thị trường và thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Vụ đông xuân nên sản xuất một số giống như sau: OM4900, OM7347, OM6162, OM5451, OM2395, OM6976, OM4218, OM6600, OM6161, OM2517, JAS85,.. với giống IR50404 nên giữ ở mức dưới 20% diện tích vì giống dễ bị đổ ngã, chất lượng gạo trung bình, dễ nhiễm sâu bệnh”. Viện Lúa cũng đưa ra khuyến cáo về cơ cấu giống cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL trong vụ đông xuân 2014-2015. Theo đó, vùng bán đảo Cà Mau ưu tiên sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn. Vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên ưu tiên áp dụng các giống lúa thâm canh cao. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao. Vùng Đồng Tháp Mười áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá. Vùng ven biển Nam bộ ưu tiên áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn.

Đối với kỹ thuật canh tác ở vụ đông xuân này, các nhà khoa học lưu ý nông dân cần chú trọng khâu làm đất bằng máy xới hoặc trục đất để giảm bớt chất độc còn tồn lưu trong đất. Đất ruộng phải được trục hoặc xới nhận gốc rạ của vụ hè thu và ngâm ải để hạn chế lúa rụng vụ trước, lúa cỏ và cỏ dại. Do nước thấp hơn so với cùng kỳ nên dịch hại có chỗ khu trú, do vậy phải đánh bả diệt chuột tập trung để giảm mật số chuột trên đồng ruộng. Nông dân cần bắt diệt ốc bươu vàng trên ruộng trước khi gieo sạ. Dọn sạch cỏ bờ, cỏ ruộng cho máy trục nếu ruộng còn gốc rạ hoặc cỏ dại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gieo cấy lúa. Giống phải được xử lý trước khi gieo sạ để đảm bảo độ nảy mầm và phòng ngừa sâu bệnh. Lượng giống gieo sạ phải cân đối sao cho phù hợp, sạ thưa. Ở khâu bón phân cần tuân thủ theo 3 giai đoạn mà ngành nông nghiệp đã khuyến cáo và lưu ý kết hợp bón phân theo nguyên tắc “6 đúng”: “Đúng loại phân, đúng lượng phân, đúng thời điểm, đúng phương pháp, đúng thời vụ và đúng loại đất”. Nông dân cũng cần theo dõi và điều chỉnh lượng nước trên ruộng sao cho phù hợp. Đặc biệt, cần lưu ý duy trì nước trước và sau 1 tuần ở giai đoạn phân hóa đòng và giai đoạn trổ. Các giai đoạn còn lại giữ mực nước hợp lý trên ruộng.

Bên cạnh các khuyến cáo về kỹ thuật canh tác, nông dân cần lưu ý một số yếu tố để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân “ăn chắc”. Thông thường, nông dân hay có tập quán sạ sớm trong vụ đông xuân do chất lượng nước tốt, điều kiện khí hậu, thời tiết có những yếu tố thuận lợi, dễ đạt năng suất cao, né được các đợt sâu rầy. Bên cạnh đó, nông dân có thể tránh được phần nào nỗi lo thiếu nước vào cuối vụ, hạn chế khô hạn, phèn mặn đối với vùng phèn mặn, khu vực ven biển. Tuy nhiên, việc gieo sạ sớm cũng khiến nông dân phải tốn thêm chi phí bơm nước trước khi sạ đầu vụ hay khi gặp phải những trận mưa lớn vào cuối mùa mưa làm thiệt hại về giống. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Canh tác-Viện Lúa ĐBSCL, khuyến cáo: “Trong vụ đông xuân, do thời tiết thuận lợi nên nông dân thường có tâm lý chủ quan. Hiện nay, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp không còn tuân theo quy luật như trước đây. Bà con phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết và khí tượng thủy văn. Thời điểm gieo sạ lúa đông xuân rơi vào cuối mùa mưa nên thường có những trận mưa rào lớn. Nếu sạ sớm có khả năng bị ảnh hưởng bởi những trận mưa cuối vụ. Vì thế, bà con phải chuẩn bị phương tiện bơm sạ nước ra cứu lúa, thậm chí chuẩn bị sẵn nguồn giống dự phòng để đề phòng trường hợp xấu nhất do lúa giống bị ngập và thiệt hại”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

BÌNH THỦY SẼ XUỐNG GIỐNG 1.215 HA LÚA ĐÔNG XUÂN
2014-2015

Theo Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, vụ lúa đông xuân 2014-2015, quận Bình Thủy có kế hoạch xuống giống 1.215 ha, chủ yếu tập trung tại 3 phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Dựa theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, quận khuyến cáo bà con nông dân xuống giống tập trung, đồng loạt, đợt 1 xuống giống từ mùng 6 đến 12 tháng 10 âm lịch ở những vùng đất gò cao, có bờ bao khép kín, chủ động được nước; đợt 2 xuống giống dứt điểm diện tích còn lại từ mùng 6 đến 12 tháng 11 âm lịch. Đồng thời, vận động bà con sử dụng giống chất lượng cao như Jasmine 85, OM 2517, OM 4218, OM 5451…, hạn chế tối đa diện tích trồng lúa giống IR 50404. Ngoài ra, để chuẩn bị cho vụ đông xuân này, Trạm Khuyến nông quận còn tổ chức 2 lớp tập huấn sản xuất lúa vụ đông xuân và hỗ trợ 4.200kg lúa giống nguyên chủng cho nông dân tại 3 phường Long Hòa và Long Tuyền và Thới An Đông.

HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết