05/07/2022 - 09:05

Chợ vùng biên khởi sắc 

Bài, ảnh: HỮU ÐỨC

Thoạt lướt qua chợ lớn, nhỏ ở vùng biên giới Tây Nam, cảnh mua bán trông có vẻ thầm lặng, êm đềm. Nhưng nếu ghé vào chợ khách sẽ thấy sức sống hàng hóa mới lạ, dồi dào và luôn cạnh tranh tìm ưu thế.

Gian hàng mắm trứ danh ở Châu Ðốc.

Chợ hè đón khách

Trải qua thời gian dài dịch COVID-19 hoành hành, các điểm du lịch phương Nam đóng cửa im vắng và tạm ngưng hoạt động lễ hội. Thế nhưng vừa sau khi dịch bệnh được khống chế kiểm soát an toàn đã có dự báo kinh tế sẽ sớm hồi phục, trong đó ngành du lịch sẽ nhanh chóng bừng dậy chuyển bước trước tiên.

Từ đầu năm 2022, các tuyến đường bộ, đường không nội địa kết nối đi lại lập tức dòng du khách đổ về các tỉnh, thành vùng ÐBSCL. Khởi điểm đầu hè, cùng với các hoạt động hội hè, đặc biệt Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ 22 đến 27-4 (âm lịch) ở Châu Ðốc (An Giang) thu hút du khách tham quan đông nhất vùng. Trong dịp này, một điểm khá thú vị trong phần nhiều những chuyến đi thăm viếng, cúng bái đền chùa, miếu thờ… và kết hợp một chuyến du lịch, đi chợ dọc theo tuyến đường vùng biên. Nơi có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc biệt xem hàng tiêu dùng giao thoa qua lại giữa hai nước vô cùng phong phú, hấp dẫn so với các chợ trong vùng.

Ðiểm đến đầu tiên trước khi đến quần thể di tích Núi Sam, chợ Châu Ðốc nổi tiếng nhộn nhịp sầm uất nhất. Nổi bật và ấn tượng nhất với khách phương xa là mắm Châu Ðốc được bày bán bên gian nhà chính giữa chợ. Một dãy gian hàng trải dài, mắm cá đủ loại, màu sắc lóng lánh, mùi thơm ngạt ngào. Mấy bà chị bán hàng mắm như thuộc làu câu chuyện cá mắm ly kỳ bên dòng Mekong để chào mời khách mua hàng. Quanh Châu Ðốc còn có nhiều món ăn tươi ngon, hàng tiêu dùng, trái cây đủ loại hội ngộ từ miền hạ đồng bằng đưa lên và nông sản vùng biên bên Campuchia chở sang...

Sau khi viếng Miếu Bà Chúa Xứ, tham quan sơn Lăng Thoại Ngọc Hầu… Khu buôn bán quanh chân Núi Sam, tập trung nhiều hàng quán ăn uống, bán hàng lưu niệm, đặc sản đường Thốt Nốt, nước giải khát Thốt Nốt, dừa tươi, nước mía…

Mặc dù qua cao điểm những ngày lễ hội, dòng khách du lịch từ tỉnh, thành xa vẫn đổ về không ngớt. Xe buýt đường dài chở khách đi theo đoàn. Còn xe ô tô con tự làm tour riêng gia đình. Riêng cánh trẻ thanh niên thích vi vu trên xe mô tô, xe gắn máy. Vào hè, nhờ vậy nên dịch vụ mua bán và sức mua tại các chợ vùng biên tăng lên, bù đắp cho những tháng thưa khách, vắng người.   

Nối tuyến về Hà Tiên mới, lạ

Nối tiếp chuyến đi về các chợ vùng biên du khách sẽ cảm nhận thêm bao điều lý thú, mới lạ. Từ Châu Ðốc ra đến chợ Tịnh Biên hơn 20km, chợ ở miền biên viễn có một dạo trước hàng hóa từ Campuchia, Thái Lan buôn bán sang nhộn nhịp như hàng may mặc, vải sợi, đồ nhựa gia dụng, quạt điện… và có cả xe gắn máy "nghĩa địa" của dân buôn, cò lái. Thế nhưng cảnh mua bán eo xèo đó đã vắng bóng từ hơn 30 năm qua. Nhất là từ sau dịch COVID-19 hàng hóa buôn bán vùng biên được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Dân tiểu thương chợ Tịnh Biên cho rằng, đó là do nhiều năm qua hàng Việt Nam sản xuất trong nước không ngừng cải tiến chất lượng, mẫu mã tốt hơn. Nhiều sản phẩm gia dụng phong phú, đa dạng. Thực phẩm chế biến giá bán cạnh tranh. Vì vậy, chợ hiện còn mua bán hàng nông sản tươi sống của người dân vùng biên tự sản xuất trao đổi qua lại.

Ngày nay có nhiều tuyến đường bộ được nâng cấp, thông thương đi về Hà Tiên - thành phố nổi tiếng có nhiều thắng cảnh thơ mộng ở một góc biển trời Tây Nam. Từ Châu Ðốc qua Tịnh Biên rồi chạy theo con đường nhựa thẳng tắp, song hành kinh Vĩnh Tế về Hà Tiên thêm khoảng 70km, đi ô tô khoảng 1 giờ 30 phút. Hay chọn cung đường từ Long Xuyên rẽ về Tri Tôn đến Hà Tiên hoặc chọn tuyến đường cũ từ TP Rạch Giá - Hà Tiên dài hơn 80km, đi ô tô mất hơn 2 giờ.

Từ sau năm 2009, khi cầu Tô Châu bắc qua sông Giang Thành (thay cho chiếc cầu nổi - cầu phao cũ kỹ gần 40 năm tuổi), quốc lộ 80 nối liền vào TP Hà Tiên. Từ thành phố đến cửa khẩu quốc tế Xà Xía hơn 4,5km.

Ðến Hà Tiên - thành phố nhỏ xinh với hơn 48.000 người, như thay áo mới, lớn nhanh từ ngày. Mấy năm gần đây làn sóng đầu tư phát triển kinh tế và chỉnh trang đô thị không ngừng. Khách du lịch tìm về Hà Tiên càng thêm đông. Dòng người phương xa đến Hà Tiên tham quan, khám phá, tìm lại "Hà Tiên Thập Cảnh" danh tiếng thuở nào. Hà Tiên đang thoát dần thế du lịch hẻo lánh. Nhiều khách sạn, nhà hàng, quán xá được xây mới, khang trang. Nhiều hoạt động dịch vụ, thương mại có dấu hiệu khởi sắc, bắt nhịp nhu cầu đang tăng lên.

Cảm nhận sự tươi nguyên khi người dân địa phương đang thực hành du lịch thân thiện, hiền hòa, hiếu khách. Nạn dịch vụ "chặt chém" ít xảy ra đối với những nơi đang hướng tới du lịch chuyên nghiệp. Nếu như các hoạt động vui chơi tại các điểm du lịch chưa đủ giữ chân du khách lưu lại dài ngày thì chợ Hà Tiên lại là điểm sáng hấp dẫn. Vào hè cũng là mùa trái cây Việt và Thái "đụng độ" trong phạm vi nhỏ lẻ tại chợ Hà Tiên. Sầu riêng Ri-6 đụng hàng sầu riêng Monthong (Dona), độ chênh giá 60.000-70.000 đồng/kg. Ðó là chưa kể đến măng cụt, chôm chôm, me ngọt xứ Thái… với giá "dễ ăn".

Trước khi trở về, khách thường tìm mua hải sản tươi sống theo giá gốc miền biển, rồi tự đóng thùng trữ đông chở về. Vào chợ muốn tìm mua hàng tiêu dùng khách mua hàng sẽ bắt gặp sự cạnh tranh nhẹ nhàng, so kè giá cả giữa hàng Thái và hàng Việt. Thử xem hàng Thái có gì mới? Giày dép, dầu gió, sữa tắm, dầu gội, bột giặt, sữa hộp, mì gói, cá đóng hộp… đều có. Có người theo thói quen "ăn chắc, mặc bền" tìm mua đôi dép lào (Thái Lan) giá bán lẻ 55.000 đồng/đôi tự cho là rẻ, xài bền, xem như để nhớ cho lần đi chợ vùng biên.

Chia sẻ bài viết