17/08/2024 - 09:26

Cho tròn chữ hiếu... 

Khi tuổi cao sức yếu là lúc cha mẹ cần sự cận kề, gần gũi của con cái hơn bao giờ hết. Tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà mỗi người có cách quan tâm, chăm sóc, báo hiếu cha mẹ, trọn đạo làm con…

Niềm vui của cô Kim Hồng khi được cận kề, chăm sóc mẹ lúc tuổi già.

Chị Ngọc Diễm ở quận Ninh Kiều, chuẩn bị đi làm thì nhận được điện thoại của em trai út từ Vĩnh Long báo tin cha trở bệnh, chuẩn bị đưa vào viện ở Cần Thơ. Chị Diễm vội sắp xếp công việc để vào chăm cha. Chị Diễm là chị lớn trong gia đình có 4 chị em, 2 trai, 2 gái. Trong đó, 2 chị em gái sinh sống tại TP Cần Thơ, em trai kế ở TP Hồ Chí Minh, chỉ có người em trai út sống cùng cha và chăm sóc vườn tược. Khoảng nửa năm nay, cha chị bị bệnh khá nặng. Chị Diễm kể: “Ban đầu, chị em tôi chia “phe”, tranh cãi việc chọn nơi điều trị bệnh cho cha. Sau cuộc họp gia đình, phân tích thiệt hơn, 4 chị em quyết định để cha điều trị tại Cần Thơ, thuận tiện để 2 con gái gần gũi, thay phiên nhau chăm sóc. Nhờ chị em đoàn kết, thống nhất nên ba tôi cũng yên tâm trị bệnh”.

Gia đình chị Đinh Thị Hạnh ở quận Cái Răng, cũng có cách sắp xếp hợp lý để cùng chăm sóc mẹ già 94 tuổi. Chị Hạnh kể, trước kia, mẹ chị sống với người em trai út ở Hậu Giang, nhưng nhà người em ở khu vực nông thôn, mỗi khi đưa mẹ đi khám bệnh rất khó khăn. Sau khi hỏi ý kiến mẹ, anh chị em trong nhà thống nhất để chị Hạnh đón bà về phụng dưỡng hơn 8 năm qua. Chị Hạnh có tiếng là chăm mẹ rất kỹ, được lối xóm hết lời khen ngợi. Chị Hạnh phấn khởi khoe, từ khi về sống cùng chị, sức khỏe mẹ được cải thiện nhiều. Các anh chị em trong gia đình cũng vui vẻ, hòa thuận, thường xuyên ghé thăm, động viên tinh thần mẹ.

Vợ chồng chị Trần Thị Phượng ở quận Ô Môn, đang phụng dưỡng mẹ ruột chị năm nay 73 tuổi. Nhà chị Phượng có 5 anh chị em, sinh sống ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Trước đây, mẹ chị sống cùng người em gái út ở TP Hồ Chí Minh. Nhà em gái đơn chiếc, lại có con nhỏ nên anh chị em bàn bạc quyết định để chị Phượng đón mẹ về chăm sóc. Chồng chị Phượng cũng đồng tình và ủng hộ. Chị Phượng kể: “Vợ chồng tôi cư xử với hai bên nội ngoại như nhau. Sức khỏe của mẹ tôi yếu, đi lại khó khăn, chồng tôi không ngại chăm chút. Có món ngon, anh đều dặn nhớ để dành phần bà ngoại. Hai con tôi cũng rất yêu quý bà”. Các anh chị em của chị Phượng thì tùy khả năng, gởi chi phí nhờ chị bồi bổ, chăm lo sức khỏe mẹ. Dịp Tết, mọi người cùng tụ họp tại nhà chị Phượng, mừng tuổi mẹ và sum vầy, đầm ấm.

Nhìn cô Phạm Kim Hồng ở phường Long Hưng, quận Ô Môn và mẹ ruột năm nay 89 tuổi thường xuyên ngồi trò chuyện bên nhau, ai cũng thấy ấm lòng. Cô Kim Hồng tâm sự: “Gia đình tôi ở Sóc Trăng, có 9 anh chị em. Các anh chị em đều rất yêu quý mẹ, nhưng mẹ ở với tôi vừa ý, lại vui khỏe nên ai cũng tin cậy để tôi chăm sóc mẹ. Anh chị em cũng tranh thủ thăm mẹ, điện thoại động viên, gởi quà, thể hiện tình cảm bằng cách này, cách khác”. Ở tuổi 89, mẹ cô Kim Hồng vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. Cô Hồng chia sẻ, cô để mẹ tự chủ động trong việc sinh hoạt, lao động nhẹ nhằm lưu thông máu huyết. Cô đặc biệt chú ý chế độ dinh dưỡng phù hợp với người cao tuổi. Mẹ cô dù tuổi cao vẫn hăng say lao động, ngày ngày đan rổ tre. Mỗi tháng mẹ cô đan được 30 cái rổ, giá bán 30.000 đồng/cái, bà dùng số tiền đó tặng những người già có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ tuổi xế chiều không chỉ là tình thương, trách nhiệm mà còn là đạo lý, truyền thống quý báu của dân tộc. Thực tế cho thấy, anh chị em đoàn kết, hòa thuận, có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ trách nhiệm thì việc chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ càng thêm ý nghĩa, chu đáo, thuận lợi.

Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM

 

Chia sẻ bài viết