27/03/2011 - 18:34

Thị trường nông - ngư cơ

Chờ sự "bứt phá" của hàng Việt

Khách hàng đang chọn mua máy tại Cửa hàng nông - ngư cơ Huy Hoàng, đường Lê Thánh Tôn, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là nhu cầu không thể thiếu ở vùng ĐBSCL - vựa nông sản cả nước. Tuy nhiên, trên thị trường, nông ngư cơ nhập khẩu vẫn chiếm ưu thế, dù xu hướng tiêu dùng đang dần thay đổi - chuyển dần sang máy sản xuất trong nước, nhưng lại rất khó tìm sản phẩm “Made in Việt Nam”. Theo nhận định của ngành chức năng, giới chuyên môn, thị trường máy nông nghiệp ở TP Cần Thơ và ĐBSCL nhiều tiềm năng, nhưng để bắt kịp nhu cầu, thì hàng sản xuất trong nước không theo kịp, chất lượng sản phẩm còn hạn chế...

* Hàng ngoại chiếm ưu thế

Thống kê của ngành nông nghiệp Cần Thơ, nhu cầu nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khá lớn, nhưng các sản phẩm sản xuất trong nước không đáp ứng kịp, chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, mặt bằng giá lại cao hơn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhu cầu máy nông nghiệp phục vụ tiến trình cơ giới hóa, công nghiệp hóa ở vùng ĐBSCL rất lớn, nhưng ngành cơ khí vẫn chưa được đầu tư bài bản để phục vụ cho sự phát triển này. Do vậy, thị trường nông - ngư cơ hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế, mẫu mã đa dạng, chất lượng và giá cả cạnh tranh.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nói: “Việc trang bị máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Hiện TP Cần Thơ đã trang bị được 200 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), 500 máy gặt xếp dãy, giải quyết được hơn 40% khâu thu hoạch lúa. Tuy nhiên, số lượng máy đang sử dụng 90% là hàng ngoại, mà nhiều nhất là hàng Nhật Bản”. Theo ông Quỳnh, thành phố đã triển khai Quyết định 497/QĐ-TTg (ngày 17-4-2009) của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ cho nông nghiệp và xây dựng nhà ở nông thôn gần 2 năm qua, nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế cho vay, trình độ tay nghề của người vay, tỷ lệ nội địa hóa của máy... Mặt khác, trên thị trường hiện nay đa số máy nông nghiệp là hàng nhập ngoại, các công ty sản suất máy nông nghiệp Việt Nam dù có nhiều cố gắng, nhưng mỗi năm chỉ cho ra thị trường chưa quá 20 chiếc máy chuyên dùng (máy cày, máy gặt xếp dãy, GĐLH...). Trong khi máy sản xuất trong nước chỉ là hàng lắp ráp, động cơ vẫn phải nhập khẩu, giá lại cao hơn hàng Trung Quốc, nên nhiều nông dân còn e ngại khi chọn lựa. Thị trường máy nông nghiệp Việt Nam, cụ thể là máy gặt xếp dãy, GĐLH hàng nội địa chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, còn lại là hàng ngoại nhập.

Theo nhận định của các chuyên gia ngành nông nghiệp, máy GĐLH do Việt Nam sản xuất, qua khảo sát tại các cơ sở sản xuất ở ĐBSCL, thì ba bộ phận quan trọng nhất của máy gồm động cơ, hộp số và dây xích đều là hàng nhập khẩu, chiếm khoảng 30-50% giá thành, do trong nước chưa có nhiều cơ sở sản xuất. Mặt khác, thời gian đặt hàng máy sản xuất trong nước cũng là vấn đề mà nông dân cân nhắc khi mua máy, máy Trung Quốc chỉ cần đặt hàng vài ba ngày là có hàng.

* Chờ sự “bứt phá”

Anh Lý Phi Long, quản lý cửa hàng nông-ngư cơ Huy Hoàng, đường Lê Thánh Tôn, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện cửa hàng tôi đang bán nông - ngư cơ của Nhật, Trung Quốc và Việt Nam. Khoảng vài năm trước, khách hàng đến mua máy chỉ chọn hàng ngoại, còn hàng Việt Nam chỉ có vài sản phẩm để trưng bày... Nhưng hiện nay, một số nông cụ sản xuất, lắp ráp trong nước được khách hàng chú ý nhiều hơn, sức mua cũng tăng so với trước”. Anh Nguyễn Văn Kiều, ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, mua máy phun thuốc hiệu Vikyno (của Công ty Máy nông nghiệp miền Nam) chia sẻ: “Từ trước đến giờ, tôi toàn sử dụng bình xịt thuốc của Nhật, nhưng gần đây được nhiều bà con trong xóm giới thiệu có loại máy phun Việt Nam hiệu Vikyno giá rẻ lại chất lượng nên chọn máy sản xuất trong nước”. Theo anh Kiều, chiếc máy phun 24 lít hiệu Vikyno giá 1,7 triệu đồng/máy, còn để sở hữu chiếc máy cùng loại của Nhật phải mất từ 4 - 4,6 triệu đồng.

Mặc dù các cửa hàng trên địa bàn TP Cần Thơ và ĐBSCL hiện chỉ bán sản phẩm nông cụ đơn giản, công suất nhỏ như: máy phun thuốc, máy cưa, máy bơm, máy phát điện... còn những loại máy chuyên dụng, công suất lớn như máy xới, máy cắt lúa, máy GĐLH rất hạn chế. Nhưng xu hướng lựa chọn của người dân đang dần thay đổi. Hiện nay, Công ty Máy nông nghiệp miền Nam sản xuất các loại máy nổ, động cơ từ 5- 30 mã lực, máy xới tay động cơ trên 50 mã lực... đang được thị trường trong nước đón nhận, nhờ giá mềm và chất lượng đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Đây là tín hiệu tích cực cho các cơ sở, công ty sản xuất máy nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để tận dụng “sân nhà” và chiếm lĩnh thị phần so với hàng ngoại, các đơn vị sản xuất trong nước cần phấn đấu cải thiện chất lượng, mẫu mã nhiều hơn nữa. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho ngành cơ khí phát triển, để thúc đẩy công nghiệp chế tạo máy, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa ngành nông nghiệp.

Bài, ảnh: PHAN TOÀN

Chia sẻ bài viết