05/06/2012 - 22:03

Chợ phiên miệt vườn

 Chợ phiên Quới An.

Chợ phiên là nét văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc ở nước ta, nhóm vào một ngày nhất định. Ngoài Bắc có khá nhiều chợ phiên, đa số diễn ra tại các vùng có đồng bào dân tộc ít người, như chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai). Nổi tiếng nhất là chợ phiên Đồng Văn trên cao nguyên đá Hà Giang. Thế nhưng ở miền Tây sông nước cũng có một chợ phiên độc đáo không kém. Đó là chợ phiên Quới An.

Quới An, huyện Vũng Liêm, là một xã “vùng sâu vùng xa” của tỉnh Vĩnh Long, nằm sâu bên trong quốc lộ 53, cặp bên bờ sông Cổ Chiên. Muốn đến chợ phiên nầy, có hai cách: đi đường thủy trên sông Cổ Chiên, hoặc đi đường bộ theo tỉnh lộ 901. Con đường 901 tráng nhựa chạy từ Cầu Mới (Mang Thít, Vĩnh Long) trên quốc lộ 53 vào, dài gần 20 cây số nhưng có rất nhiều khúc quanh, uốn lượn như con rắn bò. Đến cuối đường, ngay ngã ba, quẹo phải chừng 100m đã thấy trước mặt chợ phiên Quới An.

Anh Quách Văn Nghĩa, 49 tuổi, nhà ở bên kia bến phà Măng Thít, cho biết: Cứ tới phiên là chợ bắt đầu nhóm vào lúc 5 giờ sáng. Để có được giờ giấc “khít rim” đó người bán hàng phải chuẩn bị hàng họ sẵn sàng, khởi hành từ nhà vào lúc 2-3 giờ sáng hoặc trễ hơn, tùy theo độ dài con đường từ nhà đến chợ. Vào lúc gần 5 giờ sáng, cả một khu chợ nhộn nhịp vô cùng, xe lớn xe nhỏ đua nhau xuống hàng. Còn bến sông thì các loại ghe xuồng đậu kín, người ta lăng xăng chuyển hàng hóa lên bờ, đưa vô chợ, ngay lô của mình. Trong ánh đèn điện tỏa sáng, đủ thứ mặt hàng từ nhiều nơi bày khoe trước mắt khách đi chợ. Anh Lương Chí Vĩ, 30 tuổi, chủ lô hàng nhựa cho biết anh chở hàng bằng xe tải nhỏ từ TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) đến đây, cùng với vài ba người phụ giúp. Anh bán mặt hàng nầy tại đây từ vài ba năm nay, do nghe mấy người bạn giới thiệu. Hàng nhựa của anh gồm thau, chén, dĩa, mâm... nhiều màu sắc. Hàng xịn có màu trong sáng, còn hàng giá rẻ thì xỉn màu không bắt mắt. Giá cả thì tùy vào chất lượng hàng, đáp ứng nhiều thị hiếu khách hàng. Hàng của anh bán lẻ nhưng cũng có bán sỉ, người ta mua về chở đi bán dạo trong những vùng heo hút hoặc bán “trả góp” cho những người ở thôn quê.

Chị Võ Thị Thu, 39 tuổi, bán giày dép. Số hàng gọn nhẹ, chị đựng trong hai cái bao lớn, một đặt trên sườn xe, một để trên yên sau chiếc xe gắn máy. Từ TP Trà Vinh (Trà Vinh), chị khởi hành vào lúc 4 giờ. Hàng giày dép của chị phục vụ đủ mọi lứa tuổi, thường là hàng dạt, hàng kém chất lượng của những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhưng vẫn xài tốt không thua hàng xịn. Chị tâm sự: “Chợ quê mà, hàng tốt đẹp giá cao làm sao người ta có tiền mua. Cứ hàng bèo mà bán tới tới, một ngày tui cũng kiếm được hai ba trăm ngàn đồng lời”. Nếu có người mua nhiều nhiều, chị bớt một vài ngàn “tình nghĩa”.

Đến chợ phiên Quới An, thấy tràn ngập những lô hàng bán quần áo. Một số sắp lớp trên vải bạt trải trên nền xi măng, số khác được treo trên những khung sắt khung nhôm, đẹp mắt. Đó là những loại hàng xịn, có nhãn mác đàng hoàng. Quần áo bày dưới đất là hàng phẩm cấp thấp, giá rẻ, như quần xà lỏn, áo thun, áo ngực, quần lót nữ, khăn lông nhiều kích cỡ. Tuy giá rẻ nhưng các loại hàng nầy được may bằng nhiều loại vải cầm mát mịn tay với màu sắc trang nhã, bắt mắt. Người ta gọi đó là đồ “si”. Thật ra đây là những mặt hàng được các nhà sản xuất nhỏ lẻ ở TP Hồ Chí Minh làm với tính cách gia đình, nên giá “mềm”, do lấy công làm lời. Ông Nguyễn Văn Tàu (57 tuổi, dân Càng Long, Trà Vinh) bán mặt hàng nầy cho biết: “Hàng nầy tui lên tới quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) mua rồi chở về. Chịu khó đi xa, bằng xe gắn máy, với mối quen, mới có đồng lời kha khá. Mua qua trung gian, đi xe đò thì làm sao có lời”. Ông Tàu bán mặt hàng quần áo tại chợ phiên Quới An nầy từ 7 năm nay, sống khỏe.

Chợ phiên Quới An có một lịch sử “ngộ” lắm, như là “huyền thoại”. Ông Nguyễn Văn Tàu kể: vào một ngày của năm 1997, có một chiếc ghe chở mấy tấn khô từ Sông Đốc (Cà Mau) ngang qua đây đột ngột hư máy. Thợ máy cho biết phải sửa tới mấy ngày mới xong. Nghe vậy, chủ ghe liền đem số khô nầy bày ra bán. Khô Cà Mau xưa nay nổi tiếng ngon. Một người mua, ăn, khen, nhiều người khác xúm tới mua, chẳng mấy chốc số khô bán hết sạch. Đó là một ngày thứ ba trong tuần. Với tính nhạy bén của thương nhân, vào ngày thứ ba tuần sau, chủ ghe chở khô, mắm từ Cà Mau tới. Và, bán hết. Các lái khô mắm ở Cà Mau biết được, ùa nhau chở hàng tới đây bán, cũng vào ngày thứ ba trong tuần. Tiếng lành đồn xa, người từ các địa phương gần cận đổ về đây mua khô mắm ngày một đông, Quới An thành một điểm giao thương lý tưởng, riết thành thông lệ, thành chợ phiên, phát triển với nhiều mặt hàng như bây giờ.

Trong nhà lồng chợ, có một dãy chuyên bán mặt hàng khô mắm. Khô cá biển có, khô cá đồng cũng nhiều. Khô mặn, khô lạt với khô cá trích, khô cá hố, khô cá đuối, khô cá khoai, khô cá bổi, khô cá lóc, tôm khô... ê hề cả một dãy. Đặc biệt là mắm, với mắm lóc, mắm trê, mắm sặt, mắm cá chốt, mắm trèn, mắm cá cơm... tỏa thơm một khu vực. Bà Trần Thị Liễu, là dân địa phương, bán khô mắm khu vực nầy từ vài năm nay. Hỏi thăm ai là người Cà Mau bán khô mắm tại đây, bà Liễu cười nói đó là “chuyện xưa”, còn bây giờ dãy khô mắm nầy là của người Quới An. Ghe khô mắm Cà Mau chở tới đây giao hàng xong là lui bến. Tuy nhiên cũng có người là dân địa phương nhưng tới mùa cá thì lên tới tận Long An làm mắm đồng rồi chở về đây bán dần. Mắm Long An không thua kém gì mắm Cà Mau. Lại còn mắm Trà Vinh, cũng là hàng cao thủ trong các địa phương nổi tiếng về mắm ở khu vực ĐBSCL, cũng “chen vai thích cánh” cạnh tranh mắm Cà Mau, nhưng cạnh tranh lành mạnh, không mua giành bán giựt.

Hồi mới khởi thủy, chợ phiên Quới An chỉ phục vụ người dân của xã và vài ba địa phương lân cận. Dần dà chợ phiên nổi tiếng bán giá rẻ, nhiều mặt hàng, người dân các nơi đổ xô về. Đặc biệt là khi các lò gạch, lò gốm thô của huyện Mang Thít hoạt động rôm rả, chợ phiên Quới An càng thêm sung, vì thu hút được số thợ của các lò gạch, lò gốm nầy. Hoạt động ngày càng phát triển nhưng chợ phiên Quới An không có móc túi, trộm cắp, rất trật tự. Ông Nguyễn Văn Tàu “khoe” người bán hàng đăng ký ủy ban sẽ được cấp một lô cố định, không ai tranh giành. Nếu nghỉ thì lô đó bỏ trống. Cứ một lô 8 thước vuông thì đóng thuế cho ủy ban 8.000 đồng cộng với tiền mặt bằng 6.000 đồng. Tết Nguyên đán đóng thuế môn bài 100.000 đồng. Ông Tàu nói: “Tui đi bán nhiều nơi, chưa thấy ở đâu thuế má rẻ như vầy”. Rồi ông tâm sự, Tết Nguyên đán chợ vẫn nhóm vào ngày thứ ba, không hề thay đổi. Tết năm rồi, chợ nhóm vào ngày 23, sân nầy chật cứng, chen chân không lọt. Sau phiên chợ đặc biệt nầy, người ta mới bày bán dưa hấu, quýt, rau cải tới ngày 30 Tết.

Chợ phiên Quới An nhóm tới 11 giờ thì vãn, thu hút đông khách nhất vào lúc 7-8 giờ sáng. Theo ông Bùi Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã Quới An, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mua bán nhằm phát triển thương mại, đặc biệt là phát huy nét văn hóa giao thương độc đáo nhất của vùng quê sông nước nông thôn nầy. Theo nhận định, trong tương lai đây sẽ là chợ đầu mối. Do đó, chính quyền địa phương sẽ quy hoạch dời khu hành chánh, nhường 1,4ha cho việc lập chợ, xây dựng nhà phố, tạo điều kiện để chợ phiên Quới An ngày thêm phát đạt, gắn với giao lưu văn hóa, phát triển du lịch địa phương...

Bài, ảnh: PHƯƠNG KIỀU

Chia sẻ bài viết