20/05/2020 - 19:31

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Chính phủ đề nghị Quốc hội một số cơ chế để phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội 

(CT)- Như tin đã đưa, sáng ngày 20-5, Quốc hội khóa XIV khai mạc kỳ họp thứ 9 (trực tuyến). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn... đã dự phiên khai mạc tại Hội trường Nhà Quốc hội.

Dự tại điểm cầu TP Cần Thơ có đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố, các ĐBQH TP Cần Thơ...

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong không khí cả nước vui mừng vừa kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Quốc hội long trọng khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: TRÍ DŨNG – TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chương trình nghị sự tại kỳ họp lần này với nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo bổ sung về kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018. Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó các vị ĐBQH cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại kỳ họp này, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, nhất là Chính phủ, các bộ, ngành đang tập trung cho công tác phòng, chống dịch, khôi phục sản xuất kinh doanh, thay vì chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể như thông lệ, các vị ĐBQH  sẽ gửi chất vấn bằng văn bản đến các thành viên Chính phủ, các vị Trưởng ngành về những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm. Các văn bản chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tổng hợp để báo cáo Quốc hội.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các vị ĐBQH  tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp này. Kỳ họp thứ 9 là một kỳ họp đặc biệt, ghi dấu của sự đổi mới, tinh thần đoàn kết, quyết tâm, tạo động lực để đất nước và nhân dân ta vượt qua khó khăn, để tiếp tục tiến bước.

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển KT-XH. Trong báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày đầy đủ tình hình và kết quả phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua và nêu các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới. Về đánh giá bổ sung kết quả năm 2019, Chính phủ khẳng định: toàn bộ 12 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn so với báo cáo với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2019.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, về nhóm giải pháp xây dựng, triển khai một số cơ chế để phục hồi và phát triển KT-XH, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chủ động kế hoạch đầu tư công năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong phạm vi dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020. Chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía Đông và dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ từ phương thức đối tác công-tư sang đầu tư từ nguồn vốn NSNN bảo đảm công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý hiệu quả (do việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án đối tác công-tư rất khó khăn). Miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu Quốc hội dự khai mạc kỳ họp. Ảnh: TRÍ DŨNG – TTXVN

Đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc: Trước mắt, chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020 để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách; kéo dài thời kỳ ổn định NSNN giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021; trong năm 2021 ban hành định mức phân bổ dự toán chi NSNN cho giai đoạn 2022-2025 cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp...

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương phải coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là biện pháp quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Từng bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm giải ngân hết số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn từ năm trước chuyển sang; tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án quan trọng, cấp bách khác có tính lan tỏa cao, kết nối vùng, miền.

Thủ tướng cũng cho rằng, cần điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ gắn với chính sách tài khóa và các chính sách khác; cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; cắt giảm chi hành chính, hội họp, đi công tác; cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các ĐBQH dành nhiều thời gian để thảo luận các Tờ trình, nghe báo cáo thẩm tra, giải trình các vấn đề: Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gởi đến kỳ họp; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gởi đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Theo chương trình, kỳ họp diễn ra trong 2 đợt. Đợt 1 (từ ngày 20-5 đến ngày 4-6-2020) họp theo hình trực tuyến. Đợt 2 (từ ngày 10-6 đến ngày 19-6-2020) họp tập trung tại Hội trường Nhà Quốc hội.

THỤY KHUÊ -TTXVN

Chia sẻ bài viết