27/12/2010 - 21:08

XU THẾ GIÁ TIÊU DÙNG TĂNG CAO

Chi tiêu Tết theo hướng nào ?

Giá cả tăng, việc hạn chế và tính toán kỹ lưỡng trong chi tiêu sẽ là xu thế chung của phần lớn người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay. Ảnh: MỸ HOA

Theo công bố của Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2010 tăng 1,71% so với tháng 11-2010. Tháng 1-2011, thời điểm cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán 2011, nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao và nhiều yếu tố tác động tăng đối với giá cả hàng hóa trên thị trường. Trước tình hình này, chi tiêu tiết kiệm, tính toán kỹ lưỡng… là những phương án chọn trong xu hướng tiêu dùng hiện nay.

* CPI tăng ở tất cả các nhóm hàng

11/11 nhóm hàng được đưa vào “rổ hàng hóa” để tính CPI ở TP Cần Thơ trong tháng 12-2010 đều tăng so với tháng trước. Đây là số liệu Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa chính thức công bố. Theo đó, có đến 3/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trên 2%. Cụ thể: Nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (tăng 2,67%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 2,4%) và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (mức tăng 2,11%)... Ở mức cận 2%, nhóm hàng may mặc, mũ nón và giày dép và nhóm hàng văn hóa, thể thao và giải trí lần lượt có mức tăng CPI là 1,89% và 1,79%. Các nhóm hàng còn lại như: giao thông, đồ uống và thuốc lá; hàng thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng từ 0,98-1,45%. Nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm ở những tháng trước nhưng đã đảo chiều tăng nhẹ (tăng 0,18%) so với tháng 11-2010. Nhóm giáo dục, đặc biệt là tháng 9-2010 với mức tăng “khủng” (tăng 38,33%) so với tháng 8-2010 nay đã giảm nhiệt nhanh chóng và xếp cuối bảng trong tất cả các nhóm hàng của tháng 12-2010 với mức tăng chỉ 0,13%. Các kết quả trên đã dẫn đến CPI của tháng 12-2010 tăng 1,71% so với tháng 11-2010 và đẩy con số lạm phát năm 2010 của TP Cần Thơ lên đến 12,25%.

Theo nhận định của Cục Thống kê TP Cần Thơ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức tăng cao của giá tiêu dùng trong tháng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là: giá lương thực tăng cao do ảnh hưởng của giá gạo xuất khẩu tăng; tình trạng lũ lụt ở miền Trung; yếu tố thời vụ trong sản xuất trong nông nghiệp làm giảm nguồn cung cấp hàng nông sản... Tỷ giá ngoại tệ tăng, lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng... cũng là nguyên nhân đẩy giá cả hàng hóa trên thị trường tăng. Ngoài ra, thị trường xây dựng vào mùa “chạy đua” hoàn thiện, nhu cầu trang hoàng nhà cửa cuối năm tăng; mua sắm hàng thời trang chuẩn bị cho mùa Noel, Tết Dương lịch... đã đẩy giá nhiều loại vật liệu xây dựng, may mặc... tăng.

* Bình ổn thị trường trong xu thế giá biến động

Tháng 1 và tháng 2-2011 là thời điểm tiêu dùng tăng cao nhất và cũng là thời điểm giá cả hàng hóa “nóng” nhất trong năm nên lượng hàng hóa bán ra và bán lẻ sẽ tăng rất cao so với tháng 12-2010. Tuy nhiên, trong đợt cao điểm này, ngoài các yếu tố vừa nêu còn nhiều yếu tố khác tác động đến việc tăng giá cả thị trường. Đó là lãi suất cho vay sản xuất của ngân hàng đang ở mức rất cao, trên 15% ảnh hưởng đến chi phí sản xuất; tháng 1-2011 và tháng 5-2011 lương cơ bản cho khối doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp tăng; giá một số sản phẩm sữa tiếp tục được điều chỉnh tăng...

Góp phần bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo nhu cầu mua sắm tăng cao trong thời gian tới, ngành hữu quan TP Cần Thơ đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát biểu hiện nâng giá đối với các mặt hàng thực phẩm, dược phẩm, sắt, thép, xi măng, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... Đồng thời, kiểm tra việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, hàng gian, hàng lậu, gian lận thương mại... trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, UBND TP Cần Thơ đã tạm ứng vốn ngân sách nhà nước 30 tỉ đồng cho 5 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố dự trữ và bán thấp hơn 10% so với hàng hóa cùng loại trên thị trường ở các loại hàng hóa thiết yếu như: gạo, đường dầu ăn, sữa, thực phẩm chế biến... Đây cũng là động thái tích cực để kiềm chế tốc độ tăng giá, góp phần ổn định giá cả, ổn định mức sống dân cư trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt, Bộ Tài chính vừa có Chỉ thị về việc bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I/2011. Bộ Tài chính yêu cầu Giám đốc các Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành theo dõi sát tình hình giá cả thị trường, kịp thời trình UBND tỉnh, thành phố phương án điều hành giá hàng hóa, dịch vụ theo thẩm quyền; quyết định, công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Mão và quý I/2011... Sở Tài chính, các sở, ban, ngành hữu quan có trách nhiệm tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ bình ổn giá; tuân thủ pháp luật về giá, đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Sở Tài chính tỉnh, thành phố từ ngày 1-1-2011 trong các báo cáo thường kỳ, các địa phương phải bổ sung nội dung tình hình chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, đánh giá khả năng cung ứng hàng hóa và việc thực hiện bình ổn giá tại địa phương...

* Tính toán kỹ lưỡng- xu hướng tiêu dùng mùa Tết

Theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, tình hình giá cả ở các mặt hàng thiết yếu vẫn tăng mạnh tại các điểm chợ đầu mối, chợ nhỏ lẻ, ảnh hưởng lớn đến đời sống của các tầng lớp dân cư. Đến thời điểm này, Tết Nguyên đán 2011 đang tới gần. Trong xu thế giá cả tăng khiến nhiều bà nội trợ phải suy tính, cân đối lại các khoảng chi tiêu, đặc biệt chi tiêu cho mùa Tết.

Cô Nguyễn Thị Viễn, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, nói: “Giá cả hàng hóa tiêu dùng sao cái gì cũng tăng?! Đường cát từ 18.000 đồng/kg khoảng 2 tháng nay có thời điểm lên đến 23.000- 24.000 đồng/kg; rau muống từ 3.000- 5.000 đồng/kg tăng lên 10.000 đồng/kg, cải bó xôi tăng từ 10.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg, còn hàng thịt, cá thì tăng khoảng 10.000 đồng/kg...”. Vì thế, theo cô Viễn việc đi chợ hằng ngày bây giờ trở nên vất vả hơn vì phải “sục sạo” tìm nơi nào bán hàng với giá phải chăng. Theo cô Viễn: “Nếu hôm nay mua thịt, cá mà vượt quá số tiền quy định thì hôm sau phải bớt lại liền”. Trước đây, với số tiền 50.000 đồng chị Trần Thị Cẩm Hường, ngụ đường 30 Tháng 4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, có thể mua đồ ăn cho gia đình. Nhưng bây giờ phải chi trên 80.000 đồng/ngày. Tức chị phải chi thêm trên 900.000 đồng/tháng cho việc chi tiêu ăn uống. “Với đồng lương cán bộ công chức như hiện nay, tôi chỉ dám mua những mặt hàng thiết yếu và giảm mua sắm ở những mặt hàng như quần áo, mỹ phẩm...” – chị Hường chia sẻ.

Bài toán chi tiêu hằng ngày đã khó, chi tiêu cho mùa Tết lại càng làm “đau đầu” các bà nội trợ. Không ít người chọn giải pháp: “Những mặt hàng như bánh, kẹo, trà, mứt... mua dự trữ trước được thì cứ mua. Còn việc mua sắm quần áo thì phải hạn chế thôi”. Với mức thu nhập chỉ trên dưới 1,3 triệu đồng/tháng, chị Đỗ Thị Kim Liên, ngụ ấp Thạnh Mỹ, thị trấn Cái Răng, quận Cái Răng phải “buộc bụng” trong chi tiêu. Chị Liên chia sẻ: Nào là tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, tiền chợ... nên chị chỉ dám mua những thứ thật cần thiết để có một ít tiền cho dịp Tết. Bởi “Tết với người Việt, ít nhất cũng phải có mâm cơm tươm tất, bánh trái để cúng ông bà, tổ tiên. Rồi còn tiền trang hoàng nhà cửa, tiền mua quà biếu bà con, lì xì cho mấy đứa cháu nữa chứ...” – chị Liên nói.

Hà Triều – Mỹ Hoa

Chia sẻ bài viết