18/05/2022 - 07:47

Chỉ số PAPI - Thúc đẩy giải trình, nâng cao “quyền được biết” của người dân 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, đưa ra số liệu khá quan ngại ở nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” và “Công khai, minh bạch”. Theo đó, không có tỉnh, thành nào đạt mức cải thiện đáng kể so với kết quả năm 2020 (đối với chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”) và có đến 23 tỉnh, thành có số điểm sụt giảm so với kết quả năm 2020 (đối với chỉ số “Công khai, minh bạch”). Việc giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân ở hầu hết các tỉnh, thành đều đạt ở mức rất thấp. Ðiều đó đòi hỏi các cấp chính quyền ở địa phương cần có giải pháp khắc phục những hạn chế trên.

Việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành. Trong ảnh: Người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai ở Bộ phận Một cửa UBND huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” gồm 3 nội dung thành phần: mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân; tiếp cận dịch vụ tư pháp. Kết quả khảo sát của PAPI cho thấy ở chỉ số này, tất cả các tỉnh, thành đạt dưới 5 điểm (thang điểm từ 1 đến 10), giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Ở khu vực ÐBSCL, chỉ có 3 tỉnh: Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau thuộc nhóm điểm cao nhất, trong khi Ðồng Tháp thuộc nhóm trung bình cao, Long An và Cần Thơ thuộc nhóm trung bình thấp và các tỉnh còn lại “rơi” vào nhóm thấp nhất. Riêng Cần Thơ, điểm chỉ số này chỉ đạt 4,1 (giảm 0,6 điểm so với năm 2020). Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử.

Khảo sát PAPI cũng cho thấy, trung bình chưa đến 40% người trả lời trên toàn quốc cho biết họ đã gửi đề xuất, khuyến nghị, tố giác tới chính quyền địa phương, song không phải ai cũng hài lòng với kết quả nhận được. Thực tế tại TP Cần Thơ, một số trường hợp cán bộ ở cấp cơ sở chưa kịp thời thông tin, giải thích các thủ tục, hồ sơ của người dân, nhất là lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, khiến người dân không hài lòng. Ðiển hình như trường hợp anh C.M.P (tạm trú ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) liên hệ đến Trạm Y tế phường, xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly tại nhà (F1) để thuận lợi khi trở lại làm việc, nhưng cán bộ Trạm Y tế không ghi nhận để cấp giấy và chỉ giải thích chung chung. Chỉ khi anh phản ánh đến cơ quan báo chí “nhờ” can thiệp thì mới được liên hệ cấp giấy. Anh P chưa hài lòng với cách làm việc của cán bộ y tế trên. Một số trường hợp phản ánh không nhận được hướng dẫn về thủ tục nhận trợ cấp do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ chính quyền địa phương, mà chủ yếu hỏi những người xung quanh và làm theo.

Ở chỉ số “Công khai, minh bạch” trong việc ra quyết định ở địa phương, chỉ có 13 tỉnh thành có mức cải thiện đáng kể, trong khi có tới 23 tỉnh, thành có số điểm sụt giảm đáng kể so với năm 2020. Chỉ số này nhằm đo lường hiệu quả của chính quyền các cấp trong việc công khai hóa, minh bạch hóa thông tin nhằm đáp ứng “quyền được biết” của người dân về các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ, gồm: tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất ở địa phương. Theo đó, việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân còn rất hạn chế ở tất cả các tỉnh, thành; tỷ lệ người dân được biết đến kế hoạch sử dụng đất năm 2021 ở địa phương dao động từ 5% đến 30%. Ở hơn 40 tỉnh, thành, chỉ có 50% số người được hỏi cho biết bảng kê thu, chi ngân sách ở xã, phường, thị trấn được niêm yết công khai. Kết quả này phản ánh việc chính quyền cơ sở chưa thực hiện tốt yêu cầu niêm yết công khai thu, chi ngân sách cấp xã hằng quý hoặc 6 tháng 1 lần, trong thời gian ít nhất 30 ngày. Ở khu vực ÐBSCL, chỉ số nội dung này chỉ có Bạc Liêu thuộc nhóm có điểm cao nhất, Cà Mau thuộc nhóm trung bình cao, trong khi Long An, An Giang và Ðồng Tháp thuộc nhóm trung bình thấp; các tỉnh, thành còn lại, trong đó có Cần Thơ thuộc nhóm thấp điểm nhất và có mức sụt giảm từ 5,35 (năm 2020) xuống còn 4,6 (năm 2021).

Bà Caitlin Wiesen, Ðại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, chia sẻ: “Những phát hiện từ báo cáo PAPI 2021 có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Ðiều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai”. Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN, chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ðây cũng là tinh thần của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.

Chỉ số PAPI là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở, được thực hiện bởi UNDP Việt Nam phối hợp cùng các đối tác. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Chia sẻ bài viết