29/04/2012 - 20:24

TP CẦN THƠ

Chỉ số giá tiêu dùng giảm tốc

Tháng 4-2012, CPI của TP Cần Thơ bằng 99,59% so với tháng trước. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Theo công bố mới đây của Cục Thống kê TP Cần Thơ, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố có mức tăng âm (-). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chiếm gần 40% trong cơ cấu tính CPI tiếp tục giảm... Tháng 5-2012 vẫn có nhiều yếu tố tác động đến giá cả thị trường có khả năng kéo CPI tăng trở lại...

Khác với dự báo, CPI tháng 4 của TP Cần Thơ được ghi nhận giảm 0,05% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm tốc này là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4 có mức giảm khá “sâu” và chỉ số giá của nhiều nhóm hàng hóa trong “rổ” hàng hóa tính CPI có mức tăng không đáng kể.

Theo ghi nhận của Cục Thống kê TP Cần Thơ, tháng 4, chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,82% so với tháng trước. Trong 3 nhóm hàng chính (lương thực, thực phẩm và hàng ăn uống ngoài gia đình) cấu thành nhóm này có đến 2 mặt hàng có chỉ số giá giảm. Cụ thể: Giá lương thực trong tháng 4 giảm đến 1,66% do trong khoảng thời gian này nông dân thành phố và cả ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2011-2012; lúa trúng mùa, lượng lúa bán ra thị trường nhiều, nhất là lúa phẩm cấp thấp nên đầu ra gặp rất nhiều khó khăn; doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn chưa tạo được đà tăng tốc. So với tháng trước, nhóm hàng thực phẩm giảm 0,92% do giá thịt heo trên thị trường được ghi nhận giảm đến 3,83%. Hàng ăn ngoài dịch vụ gia đình là nhóm có chỉ số giá tăng duy nhất nhưng với mức tăng 0,33% so với tháng trước nên không thể kéo chỉ số giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng trở lại sau khi đã giảm 0,79% ở tháng trước đó. Như vậy, đây là tháng thứ 2 liên tiếp nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá giảm... Ngày 1-4, bình gas 12kg giảm đến 72.000 đồng/bình. Đây là nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá của nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,31% so với tháng trước. Theo Cục Thống kê thành phố, giá gas bán lẻ trên thị trường nhiều khả năng sẽ trong xu thế giảm. Việc giảm giá này được dự báo là nguyên nhân chính kéo chỉ số giá của nhóm hàng nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng và cả nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình (thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống) giảm tốc trong thời gian tới.

Tháng 4, trong “rổ” hàng hóa được đưa vào tính CPI có 2 nhóm hàng có chỉ số giá tăng trên 1%. Nhóm hàng giao thông dẫn đầu với mức tăng 2,89% do tác động của việc giá xăng bán lẻ được điều chỉnh tăng vào đầu tháng 3... Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch có chỉ số giá tăng 1,01% do tác động tăng của một số mặt hàng điện máy, hàng tặng phẩm... Các nhóm hàng còn lại, ngoài bưu chính viễn thông có chỉ số giá tương đương tháng trước, các nhóm khác như: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác, mức tăng của chỉ số giá chỉ trong khoảng 0,01- 0,87%.

Dù CPI giảm nhưng theo số liệu thống kê từ Sở Công Thương TP Cần Thơ, tình hình sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn thành phố trong tháng qua vẫn có bước phát triển. Theo đó, tháng 4, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước thực hiện được 1.931 tỉ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước, tăng 10,5% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố ước thực hiện được 7.105 tỉ đồng, tăng 6,8 % so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa bán ra tháng 4 ước thực hiện 6.172 tỉ đồng, tăng 2,49% so tháng trước và tăng 23,63% so với cùng kỳ; bán lẻ ước đạt 2.771 tỉ đồng, tăng 5,04% so với tháng trước và tăng 22,46% so với cùng kỳ... Lũy kế bốn tháng, so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa bán ra ước thực hiện 23.871 tỉ đồng, tăng 20,76%; bán lẻ ước đạt 10.881 tỉ đồng, tăng 26,36%.

Theo các chuyên gia kinh tế, tháng 5, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu vào cuối tháng 4, việc tăng lương cơ bản từ 1-5, nghỉ lễ 30-4 và 1-5 kéo dài khuyến khích các hoạt động du lịch lữ hành, thời tiết chuyển mùa nắng nóng... sẽ khiến giá nhiều mặt hàng tăng nhẹ. Tuy nhiên, “thắt lưng, buộc bụng” sẽ là xu hướng tiêu dùng của đại bộ phận người dân trong thời gian tới nên sự ảnh hưởng của các yếu tố tăng CPI sẽ ít nhiều bị hạn chế...

HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết