19/09/2011 - 22:07

CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP

Chạy đua về chất lượng

Giờ thực hành của thầy trò Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ. Ảnh: CTV

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội, thu hút đông thí sinh, năm học mới này, nhiều trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) ở thành phố Cần Thơ đã chuẩn bị khá chu đáo về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ cho năm học mới... Sự nỗ lực đổi mới, nâng chất này cũng nhằm thực hiện tốt chủ điểm “Đổi mới căn bản và toàn diện để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất

Từ tháng 9-2006, khi bắt đầu chuyển đổi sang đào tạo đa ngành, hằng năm, Trường CĐ Cần Thơ dành khoảng kinh phí khá lớn để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Chuẩn bị năm học mới 2011-2012, trường đầu tư gần 2 tỉ đồng để nâng cấp, xây dựng mới phòng học, phòng thí nghiệm thực hành, như: lắp đặt thêm 2 phòng Anh văn và trang bị đầy đủ máy chiếu projector, bàn ghế...; bổ sung thêm trang thiết bị cho phòng thí nghiệm Điện- Điện tử; đầu tư thêm dãy phòng học, nhà ăn... để có thể phục vụ cho trên 10.000 học sinh, sinh viên. Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, chấm dứt tình trạng dạy “chay”, học “chay”. Bên cạnh tăng cường trang thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành, dự kiến năm nay, trường sẽ khởi công xây dựng công trình sân khấu ngoài trời, 2 sân bóng chuyền; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Nhà thi đấu đa năng để kịp phục vụ cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc diễn ra tại Cần Thơ vào năm 2012. Đây cũng là nơi để cán bộ, sinh viên, học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe.

Trong những tháng hè năm 2011, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ (quận Ô Môn) đã đầu tư xây dựng mới 4 giảng đường (kinh phí trên 600 triệu đồng); mua sắm thêm các trang thiết bị thực hành, thí nghiệm;... để phục vụ cho các ngành CĐ. Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết: “Những năm qua, trường đều dành khoản kinh phí đầu tư thêm cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, cũng như nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên, chương trình- giáo trình đào tạo... Chỉ riêng trong 2 năm 2010 và 2011, trường đã đầu tư khoảng 20 tỉ đồng”. Hiện nay, trường đang chuẩn bị xây dựng 1 xưởng thực tập 4 tầng cho các khoa chuyên môn và xưởng thực tập Điện vào cuối năm 2011. Tổng kinh phí của 2 xưởng này khoảng 6 tỉ đồng. Qua đó, trường sẽ giải quyết được một loạt vấn đề là đưa khu thực tập ra khu mới, đúng quy chuẩn; khu cũ sẽ dành cho dạy lý thuyết, tránh ồn ào, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo.

Các trường CĐ, trung cấp như: CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ, Trung cấp Nghề Thới Lai... cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị để phục vụ cho năm học mới. Theo Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Nghề Thới Lai, UBND thành phố đã chấp thuận giao thêm 7 ha đất để mở rộng xây dựng trường. Năm 2012, trường sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng khu thực hành, thực tập. Riêng 3 ha đất đã được UBND thành phố phê duyệt trước đó, dự kiến đến cuối tháng 6-2012, trường sẽ xây dựng hoàn chỉnh khối hiệu bộ, nhà học,... nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy.

Hoàn thiện học chế tín chỉ

Đi đôi với công tác chuẩn bị kỹ về vật lực, nhân lực thì chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy... cũng được các trường quan tâm. Nhất là việc chuyển đổi đào tạo sang học chế tín chỉ - xu hướng tất yếu để các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, năm nay, trường chuyển đổi hoàn toàn chương trình đào tạo sang học chế tín chỉ cho 10 ngành đào tạo. Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đào tạo, trường đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm quản lý, đào tạo theo học chế tín chỉ. Ông Huỳnh Thanh Nhã nói: “Đào tạo học chế tín chỉ vẫn còn khá mới nên khi triển khai vẫn còn một số khó khăn, như: sinh viên phải có tính tự học cao, giờ dạy của giảng viên tuy ít hơn nhưng đầu tư vào việc dạy nhiều hơn; việc đánh giá kết quả sinh viên bằng thang điểm chữ... đòi hỏi lãnh đạo, tập thể cán bộ, sinh viên trường cần nỗ lực rất nhiều”.

Trường CĐ Cần Thơ cũng đang hoàn thiện công tác đào tạo theo học chế tín chỉ ở các ngành bậc CĐ để áp dụng trong năm học này. Theo đó, trường sẽ bổ sung chương trình chi tiết môn học, đáp ứng đầy đủ ngành đào tạo chương trình học; chuẩn bị cho các bước để sinh viên có thể đăng ký học vượt hoặc học chậm hơn so với thời gian quy định của khóa học; học thêm bằng 2... Các khoa, tổ chuyên tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy thống nhất mang tính giáo trình lưu hành nội bộ; phối hợp giữa các khoa, phòng trong xây dựng mã ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội... Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Để thực hiện tốt việc chuyển đổi, Ban Giám hiệu trường xác định cần phải nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên từ công tác chuyên môn, kỹ năng giảng dạy đến nghiên cứu khoa học... Đồng thời, chúng tôi chỉ đạo các khoa, tổ chuyên môn phải đảm bảo tài liệu, giáo trình học tập cung cấp đủ cho tất cả sinh viên”.

Mặc dù chưa thể chuyển đổi sang đào tạo học chế tín chỉ nhưng thời gian qua, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ đang đổi mới chương trình, chuyển dần từ đào tạo theo học chế niên chế sang đào tạo theo đơn vị học trình. Đây là bước đệm để trường chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Trong đó, ở bậc CĐ, trường tập trung theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh- tế xã hội cho địa phương.

***

Những năm gần đây, tình hình tuyển sinh ở các trường CĐ, trung cấp đã khởi sắc, thu hút ngày càng nhiều thí sinh. Đây là hiệu quả của việc chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực và sự quản lý chặt chẽ của các trường. Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong xu thế cạnh tranh hứa hẹn sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội.

N.NGÂN

Chia sẻ bài viết