24/05/2017 - 10:52

Châu Âu mới là nơi khai sinh loài người?

Lịch sử tiến hóa của nhân loại có thể phải được viết lại sau khi các nhà khoa học quốc tế phát hiện nơi khai sinh của loài người là châu Âu, chứ không phải châu Phi.

Phần lớn các nhà khoa học lâu nay đều tin rằng nòi giống loài người tách ra từ tinh tinh (loài có quan hệ gần gũi nhất với chúng ta) sống cách đây khoảng 7 triệu năm ở miền Trung châu Phi. Tuy nhiên, hai hóa thạch gồm hàm dưới và răng cối của sinh vật giống tinh tinh được đặt tên là Graecopithecus đã được tìm thấy lần lượt ở Hy Lạp và Bulgaria. Nhóm nghiên cứu do Giáo sư Madelaine Böhme tại Đại học Tübingen (Đức) dẫn đầu đã phân tích xương hàm và răng cối này, vốn có niên đại 7,2 triệu năm. Bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính CT, các nhà khoa học có thể thấy được những cấu trúc bên trong của hai hóa thạch và phát hiện hàm dưới có những đặc điểm của chân răng cho thấy Graecopithecus là họ người.

Xương hàm dưới và răng cối (ảnh nhỏ) của sinh vật Graecopithecus được phát hiện ở Hy Lạp và Bulgaria. Ảnh: Telegraph

Việc phát hiện sinh vật Graecopithecus chứng tỏ tổ tiên của chúng ta đã bắt đầu tiến hóa ở châu Âu trước 200.000 năm so với họ người sớm nhất ở châu Phi.

Nhóm nghiên cứu cho rằng những phát hiện trên hoàn toàn thay đổi khái niệm buổi bình minh của lịch sử nhân loại và định vị tổ tiên chung của tinh tinh và con người, còn gọi là "Mắt xích bị mất" trong sơ đồ tiến hóa, ở vùng Địa Trung Hải. Các nhà khoa học tin rằng vào thời đó, biến đổi khí hậu đã biến Đông Âu thành vùng hoang mạc, buộc tinh tinh phải tìm nguồn thức ăn mới và dần đổi sang cách di chuyển bằng 2 chân. Trong suốt thời kỳ trên, Địa Trung Hải trải qua những đợt khô cạn hoàn toàn, qua đó hình thành cầu nối trên bộ giữa châu Âu và châu Phi. Điều này cho phép tinh tinh và họ người sơ khai di chuyển qua lại giữa hai châu lục.

Cho đến nay, Graecopithecus vẫn là một loài sinh vật bí ẩn do các hóa thạch được tìm thấy rải rác ở khắp nơi. Kích thước của loài này gần bằng một con tinh tinh cái và thường sống trong các khu vực có đồng cỏ và rừng núi tương đối khô cằn, tương tự các khu vực đồng cỏ ở châu Phi ngày nay, cùng với các loài linh dương, hươu cao cổ, tê giác, voi, linh cẩu và heo rừng.

THANH BÌNH (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết