25/07/2009 - 22:23

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Chất lượng đội ngũ giáo viên - Vấn đề then chốt

Đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm nay và càng trở nên bức thiết hơn khi nội dung chương trình sách giáo khoa mới được triển khai hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12. Mục tiêu của việc đổi mới phương pháp giảng dạy là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp học sinh học tập năng động hơn. Để đáp ứng yêu cầu này, các giáo viên đã ứng dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới: giảng dạy theo tình huống, dạy học trực quan sinh động...; sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học bộ môn. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn còn không ít khó khăn, trong đó chất lượng đội ngũ giáo viên vẫn là vấn đề then chốt.

Yêu cầu thực tế

Tại hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm học 2008-2009, thầy Phạm Sơn Hà, giáo viên dạy môn Toán, Trường THPT Hà Huy Giáp chọn dạy tiết “Phương trình mũ” và “Mặt cầu”- 2 bài thuộc chương trình Toán lớp 11. Thầy Hà vào bài rất ấn tượng và trong tiết dạy, thầy luôn chú trọng áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, phù hợp: tổ chức lớp học thành nhóm để học sinh thảo luận; sử dụng các câu hỏi gợi mở; ứng dụng công nghệ thông tin để cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng trong bài học... Nhờ vậy, học sinh tham gia học tập một cách hứng thú, nhiệt tình. Cả hai tiết dạy của thầy Hà đều được xếp loại giỏi.

Tiết dạy môn Địa lý vừa sử dụng công nghệ thông tin làm phương tiện giảng dạy, vừa hướng dẫn học sinh tổ chức thảo luận nhóm của giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm. 

Thực tế ở các trường cho thấy không chỉ những giáo viên trẻ mà cả những giáo viên có tuổi cũng nỗ lực đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô Nguyễn Thị Quý Tuyết, giáo viên dạy môn Địa lý ở Trường THPT Châu Văn Liêm, đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn tìm tòi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy bộ môn. Để có được một tiết dạy “Vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên ở ĐBSCL” sinh động và hấp dẫn, cô Quý Tuyết đã dày công sưu tập các hình ảnh về thiên nhiên, tài nguyên, con người ĐBSCL. Cảnh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, hình ảnh những cánh đồng lúa bát ngát, những làng bè... được trình chiếu đã mang đến cho học sinh những hiểu biết thú vị. Từ đó, các em hăng hái tham gia thảo luận về nội dung bài học.

Phương pháp dạy học tích cực đã thể hiện rõ nét những điểm ưu việt so với cách dạy thụ động: thầy giảng- trò nghe, thầy đọc- trò ghi. Ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp, cho rằng: “Phương pháp giảng dạy mới yêu cầu phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Vì vậy, vào lớp, học sinh không còn tiếp nhận kiến thức một cách thụ động nữa, mà là người chủ động tìm hiểu và cập nhật kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những trọng điểm của ngành giáo dục. Ngay sau khi thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa mới, hằng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy và triển khai nội dung chương trình tập huấn đến tận giáo viên phổ thông. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy vẫn còn không ít nhiêu khê.

Vì sao khó đổi mới?

Một trong những điều kiện để đổi mới phương pháp giảng dạy là cơ sở vật chất trường lớp. Cơ sở vật chất phải đảm bảo để giáo viên có thể tổ chức học nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy... thì mới có thể nói đến khả năng đổi mới. Thế nhưng, hiện nay, TP Cần Thơ còn không ít trường gặp khó khăn. Chẳng hạn Trường THPT Hà Huy Giáp được thành lập từ phân hiệu của trường cấp 3 Ô Môn từ năm 1980. Hầu hết phòng học đang xuống cấp, chật hẹp; trường cũng không có phòng bộ môn... Mỗi lần tổ chức học nhóm, giáo viên phải mất thời gian sắp xếp bàn ghế. Nhiều trường chưa được trang bị máy chiếu qua đầu, màn hình lớn...

Kế đến phải kể đến năng lực cũng như thói quen học tập của học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đổi mới phương pháp dạy học. Vẫn còn không ít học sinh nhút nhát, thụ động, học lực kém nên khi thảo luận nhóm thường ỷ lại, chưa tích cực tham gia, khiến giáo viên bị “cháy” giáo án. Bên cạnh đó, không ít giáo viên vẫn ngộ nhận ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học là đã đổi mới phương pháp giảng dạy nên dẫn đến việc lạm dụng công nghệ thông tin. Nhiều tiết dạy giáo viên chỉ trình chiếu các hình ảnh mà mình sưu tập được nên không đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nói đến đổi mới phương pháp giảng dạy phải nhấn mạnh đến vai trò của giáo viên. Khi chuyển vai trò thụ động tiếp nhận kiến thức của học sinh sang chủ động tìm hiểu, giáo viên là người định hướng, hướng dẫn học sinh. Để làm tốt công việc này, giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian và công sức cho bài giảng. Thầy Phạm Sơn Hà cho biết: “Thông thường để có một tiết dạy theo phương pháp mới, thời gian chuẩn bị của giáo viên phải gấp 2-3 lần một tiết dạy bình thường”. Chẳng hạn, giáo viên phải nắm được học lực của học sinh, tính toán phương án chia nhóm sao cho hài hòa; chuẩn bị hệ thống câu hỏi chặt chẽ để dẫn dắt học sinh; chọn lựa những hình ảnh sinh động, sát hợp với bài học và với thực tế; tiên đoán được những tình huống bất lợi để linh động giải quyết...

Chính vì đổi mới phương pháp giảng dạy không đơn giản, dễ dàng nên nhiều giáo viên rất ngại đổi mới. Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nhận xét: “Hiện nay, năng lực đội ngũ giáo viên ở các trường phổ thông còn yếu nên đa số dựa vào sách giáo khoa, giáo trình mà dạy theo cách cũ đọc chép, thuyết trình. Không ít người ngại thay đổi, ngại tìm tòi khám phá nên ngày càng trì trệ. Mặt khác, đồng lương hạn hẹp, một số giáo viên phải làm thêm để lo thu nhập, không còn thời gian đầu tư cho bài giảng”. Theo ông Đôn, những giáo viên lâu năm có kinh nghiệm nhưng được đào tạo theo phương pháp cũ cần có thời gian để chuyển đổi từ phương pháp này sang phương pháp khác. Tuy nhiên, nhiều giáo viên trẻ, mới ra trường rất thụ động, ngại đổi mới và thiếu tâm huyết. Nhiều giáo viên trẻ thiếu thực tế nên không mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngược lại, một số giáo viên tâm huyết lại “rơi” vào môi trường không năng động nên khó làm được việc.

Trao đổi về chất lượng đội ngũ giáo sinh sư phạm trong những năm gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, Trưởng khoa Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều khảo sát lấy ý kiến đánh giá của các trường phổ thông về chất lượng giáo sinh thực tập tại trường. Theo đánh giá của các trường, chất lượng giáo sinh thực tập ngày càng được nâng lên, giáo sinh được trang bị kiến thức đầy đủ, phương pháp tổ chức lớp học theo hướng mới, tích cực... Tuy nhiên, vẫn có không ít giáo sinh thiếu thực tế, chưa năng động”. Khoa Sư phạm là một trong những đơn vị của Trường Đại học Cần Thơ đi đầu trong đổi mới phương pháp giảng dạy. Các giảng viên cố gắng áp dụng phương pháp dạy học tích cực để sinh viên có thể tiếp thu và vận dụng vào thực tiễn công tác sau này. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng học tập một cách năng động. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Nam, nhiều sinh viên sư phạm vốn quen với cách học thụ động ở phổ thông nên vào đại học rất khó thay đổi. Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông còn nhiều trở ngại.

* * *

Có thể nói, chất lượng đội ngũ giáo viên chính là mắt xích quan trọng nhất trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy. Khi giáo viên tâm huyết, tích cực và có quyết tâm thay đổi thì sẽ tìm tòi phương pháp phù hợp với đối tượng học sinh, khắc phục được những khó khăn về cơ sở vật chất. Nâng cao chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm, đổi mới phương pháp đào tạo ở các trường sư phạm đồng thời có biện pháp khuyến khích giáo viên phổ thông đổi mới phương pháp dạy học mới có thể giải quyết được gốc của vấn đề.

Bài, ảnh: HÀ THANH

Chia sẻ bài viết