22/07/2015 - 20:37

Chắp cánh cho du lịch đồng bằng

Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với lợi thế sông nước miệt vườn, những năm qua, vùng ĐBSCL không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, từng bước xây dựng, nâng cấp các cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển ngành du lịch nói riêng và ngành kinh tế nói chung của vùng phát triển. Giờ đây, ĐBSCL hiện là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách trong nước và quốc tế...

Nỗ lực nâng chất

Xem du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm phát triển của vùng, thời gian qua, tại ĐBSCL đã tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch, lễ hội mang tầm khu vực và quốc gia như: lễ hội vía bà Chúa Xứ, lễ hội Ok-Om-Bok, đua ghe ngo, đua bò Bảy Núi, liên hoan Du lịch ĐBSCL, năm Du lịch quốc gia miệt vườn sông nước Cửu Long, Tuần lễ du lịch xanh, các hội chợ, hội thảo, triển lãm, cùng đó là những chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, không gian văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm tại ĐBSCL với nhiều tập tục, lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc, cùng đó là tính cách hào hiệp, mến khách của người dân, là những sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách đến với nơi này. Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2014 ngành du lịch đón trên 22,4 triệu lượt khách, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt trên 1,83 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch của vùng đạt 6.360 tỉ đồng, tăng 23,7% so với năm 2013. Trong năm qua, Hiệp hội đã tích cực thúc đẩy phát triển ngành du lịch của khu vực với những hoạt động như: khảo sát và bình chọn 16 điểm là "Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL", phối hợp tổ chức tổng kết các chương trình hợp tác phát triển du lịch 4 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL…

Để thúc đẩy ngành du lịch vùng ĐBSCL phát triển, các địa phương cần xây dựng sản phẩm mang dấu ấn, đặc thù riêng cũng như cần phát triển ngành du lịch theo hướng liên kết và chuyên nghiệp hơn.

Có thể nói, cùng với sự chuyển mình tích cực của nền kinh tế Việt Nam, khu vực ĐBSCL đang trên đà phát triển và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Giờ đây, nhờ sự thuận tiện giao thông thủy, bộ, hàng không du khách có thể dễ dàng đi, đến vùng ĐBSCL, đây cũng được xem là động lực tạo đà trong phát triển ngành du lịch. Đặc biệt, từ Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ, ĐBSCL giờ đã kết nối với Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Bangkok (Thái Lan). Cùng đó, với lợi thế sông nước miệt vườn, ĐBSCL đang được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, khi kinh tế phát triển và người dân đi du lịch nhiều hơn nên theo nhận định của ngành kinh doanh dịch vụ lữ hành đây là "thời điểm vàng" để tập trung phát triển ngành du lịch của miền đất này. Bà Trần Thị Việt Hương, Quyền Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng: "Nhận thấy tiềm năng du lịch của khu vực ĐBSCL, Vietravel đã và đang mở rộng hệ thống mạng lưới chi nhánh và đại lý tại các tỉnh miền Tây; xây dựng bộ sản phẩm theo hướng liên kết vùng với mục tiêu không chỉ đưa khách miền Tây đi du lịch mà còn đón khách trong nước cũng như quốc tế đến với miền Tây để phát triển du lịch vùng. Song song đó, Vietravel đã tiên phong phát triển đường bay Cần Thơ - Đà Lạt và mới đây là Cần Thơ - Bangkok nhằm góp phần phát triển giao thương và du lịch của vùng ĐBSCL, tỉnh Lâm Đồng và Thủ đô Bangkok. Từ đó, tạo ra sản phẩm liên vùng cho toàn khu vực Tây Nam bộ". Cùng với Vietravel, đến nay tại ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng còn có rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, như: Cần Thơ, Bến Thành, Fiditour, Saigontourist, STS, Đất Tây Đô,…

TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, 10 năm trở lại đây, từ khi Cần Thơ trở thành thành phố đô thị loại I trực thuộc trung ương, ngành du lịch của thành phố đã có sự chuyển mình tích cực. Nếu như năm 2003 khách lưu trú là 355.318 lượt khách, đến năm 2014 là 1.367.736 lượt khách, tăng gần 4 lần với mức tăng trưởng bình quân là 11%/năm, trong đó khách quốc tế tăng gần 3 lần với mức tăng trưởng bình quân là 0,8%. Trong những năm qua, TP Cần Thơ còn được chọn là điểm để tổ chức nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch, đối ngoại, giáo dục, y tế... Cùng đó, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ du lịch tiếp tục được phát triển; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa - thể thao cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về đặc trưng miệt vườn, sông nước Nam bộ. Ông Nguyễn Hoàng Ơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Song song với việc đầu tư tôn tạo các di tích, thành phố cũng tích cực quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thiết kế kiến trúc hợp lý, sang trọng; khuyến khích các nhà vườn vùng ven thành phố, đặc biệt huyện Phong Điền đẩy mạnh khai thác du lịch sinh thái miệt vườn".

Để thúc đẩy ngành du lịch càng phát triển

Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, song du lịch vùng ĐBSCL nhiều năm nay vẫn được nhận định là chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, mặt hạn chế lớn nhất của du lịch ĐBSCL là nguồn nhân lực của ngành còn thiếu, cơ sở hạng tầng chưa đáp ứng hết nhu cầu du lịch trong vùng, vẫn còn tồn tại mô hình kinh doanh tự phát theo dạng "cây nhà lá vườn", sự liên kết vùng chưa cao, công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế. Các địa phương trong vùng khai thác du lịch theo kiểu "mạnh ai nấy làm", dẫn đến việc các sản phẩm du lịch gắn liền với đời sống người dân địa phương tương đối giống nhau. Du khách thì không biết đâu là sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Nhung, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: "Theo tour từ Hà Nội thăm quan các tỉnh miền Tây Nam bộ, tôi rất ấn tượng về cảnh đẹp và con người hiền hòa nơi đây. Tuy nhiên, đến địa phương, điểm du lịch nào sản phẩm du lịch cũng là: thăm vườn cây trái, nghe đờn ca tài tử, tát đìa, chợ nổi, các món ăn thì địa phương nào cũng giống nhau… nên tôi không thể nhận ra được sự khác nhau giữa các điểm đến".

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: "Ngành du lịch ĐBSCL cần xây dựng quy hoạch tổng thể về việc phát triển du lịch cho toàn vùng trong một không gian thống nhất cùng với việc quy hoạch, định hướng theo từng địa phương hoặc từng tiểu vùng liên kết. Chẳng hạn, khu vực Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang nên phát triển theo du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng; khu vực Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ cần chú trọng loại hình du lịch miệt vườn, sông nước, ẩm thực; khu vực An Giang, Long An nên tập trung vào các tour du lịch trải nghiệm theo mùa, văn hóa, ẩm thực… Có như vậy mới phát huy được thế mạnh của từng nơi và làm hài hòa bức tranh du lịch của tổng thể vùng".

Theo các chuyên gia ngành du lịch, để thúc đẩy ngành du lịch vùng ĐBSCL phát triển, các địa phương cần xây dựng sản phẩm mang dấu ấn, đặc thù riêng cũng như cần phát triển ngành du lịch theo hướng liên kết và chuyên nghiệp hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước cũng như quốc tế. Để phát triển du lịch vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, cần phải xác định rõ các ưu thế của địa phương về sản phẩm du lịch, cũng như các yếu tố hình thành nên giá trị du lịch. Đó là việc triển khai các chiến lược, quy hoạch dài hạn, phát triển du lịch sinh thái thành một ngành dịch vụ quan trọng, xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng kết nối địa phương, xây dựng nguồn nhân lực tay nghề và trình độ chuyên môn cao…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết