07/12/2013 - 21:17

Chàng trai tuổi 20 mê đàn tranh

Đều đặn mỗi buổi chiều tối, bên hiên Hội trường Lớn - Trường Đại học Cần Thơ lại ngân lên tiếng đàn tranh của Trương Tài Linh, sinh viên ngành y sĩ của Trường Trung cấp Miền Tây. Tiếng đàn lúc trầm ngâm, ưu tư, lúc réo rắt vui tươi của chàng trai mới 20 tuổi, gương mặt điển trai như tài tử, thu hút rất đông các bạn sinh viên.

Mỗi người ngồi, đứng mỗi kiểu, mỗi gương mặt cảm xúc khác nhau, lặng im nghe Tài Linh đàn. Vừa dứt bài lý Nam bộ này, có người lại yêu cầu Tài Linh đàn cho nghe bài bản tài tử, nhạc mang âm hưởng dân ca… Tài Linh đều sẵn lòng. "Có người lắng nghe và trân trọng tiếng đàn của mình là em vui lắm" - Tài Linh tâm sự. Buổi hòa đàn bắt đầu từ khoảng 5 giờ chiều, có khi kéo dài đến 7, 8 giờ tối.

Tài Linh dạy đàn tranh cho các bạn trẻ.

Tài Linh sinh ra và lớn lên ở vùng Ngã ba Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Từ nhỏ, Tài Linh đã thích cải lương, vọng cổ. Do chị, cô của Tài Linh là thành viên trong các CLB văn hóa, văn nghệ của địa phương nên Tài Linh theo tham dự và bị mê hoặc bởi dàn cổ nhạc. Trong đó, Tài Linh rất thích tiếng đàn tranh. Tài Linh kể: "Hồi nhỏ đến bây giờ, hễ nghe truyền hình, radio có phát hòa tấu cổ nhạc là dù bận chuyện gì cũng bỏ để nghe, học hỏi ngón đàn". Lên Cần Thơ học cách đây hai năm, Tài Linh cố gắng đi làm thêm, dành dụm tiền hơn 3 triệu đồng mua cây đàn tranh và tìm thầy học đàn.

Nhờ đam mê và khả năng cảm âm khá tốt nên hiện tại Tài Linh biết đàn khá nhiều bài bản tài tử, vọng cổ và cả tân nhạc. Do đàn tranh nhiều dây, nhiều phím nên lúc đầu Linh rất lúng túng, không thể phân biệt để bấm phím, gảy đàn cho đúng. Thế là ngoài giờ học, Tài Linh dành trọn thời gian cho việc học đàn tranh. Những kỹ thuật của đàn tranh như: vê dây, vuốt, mở và rung, chạy ngón… được Tài Linh vận dụng khá thành thục. Do ở trọ nên lúc đầu, nhiều người trong nhà trọ cảm thấy khó chịu với tiếng đàn của Tài Linh nhưng lâu dần họ lại yêu thích, say mê.

Tài Linh đã được một số trường học, doanh nghiệp mời đàn phục vụ các kỳ liên hoan, hội diễn. Điểm đáng quý ở chàng trai trẻ này là có ý thức truyền dạy lại cho những bạn trẻ có cùng đam mê. Hơn nửa năm qua, có gần chục "học trò" là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ theo Linh học đàn tranh. Tài Linh chỉ dẫn tận tình, thị phạm bằng ngón đàn của mình. Em Lê Thị Ánh Tuyết, học viên học nghề, quê ở huyện Phong Điền, đã theo học đàn tranh do Tài Linh dạy hơn 3 tháng qua, chia sẻ: "Em vào Trường Đại học Cần Thơ chơi, tình cờ nghe anh Tài Linh đàn hay quá nên xin theo học. Anh Tài Linh dạy miễn phí cho tụi em, nhiệt tình và dễ gần lắm!".

Học ngành y, tuổi trẻ, Tài Linh đam mê đàn tranh như một mối duyên khó dứt. Tài Linh tâm sự: "Không phải em chứng tỏ hay thích làm thầy đâu. Em chỉ muốn truyền tình yêu đàn tranh đến các bạn với mong muốn giới trẻ cùng nhau giữ gìn loại hình âm nhạc truyền thống mà thôi". Chia tay buổi hòa đờn đậm chất sinh viên của Tài Linh, tôi mang theo về tiếng đàn tranh ngọt ngào của chàng trai tuổi 20 và niềm tin về sự trường tồn của âm nhạc dân tộc.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Chia sẻ bài viết