10/11/2009 - 21:13

Chàng trai mê... hoa

Dù mới ngoài ba mươi, nhưng anh Huỳnh Thanh Tuấn (ngụ phường Tân Quy Đông, TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi khá vững chắc, bằng nghề trồng hoa kiểng truyền thống. Đồng thời, với sự năng động, nhạy bén của tuổi trẻ, Thanh Tuấn còn là người “đứng mũi, chịu sào” đưa Hợp tác xã Hoa kiểng của địa phương ăn nên làm ra: đầu ra của sản phẩm khá ổn định, không còn tình trạng bị thương lái ép giá, nhiều nông hộ dần khấm khá, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống...

* Hiệu quả từ một mô hình

Những ngày đầu tháng 11, có dịp ghé thăm làng hoa kiểng Sa Đéc, một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất nhì của miền Nam, được nhiều địa phương trong nước biết đến, tôi có cảm giác như lạc vào thế giới đầy màu sắc và hương thơm kỳ ảo. Đủ các loại hoa như hoa hồng, thược dược, cẩm tú cầu, lan, cau bình rượu, mai chiếu thủy, vạn thọ Pháp, cúc kim... đua nhau khoe hương sắc. Tính đến nay, làng hoa kiểng Sa Đéc đã tồn tại được khoảng một trăm năm. Thế nhưng, đời sống của bà con đa phần còn khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do nông dân thường bị một số thương lái chèn ép giá, dẫn đến lợi nhuận không cao. Hơn nữa, khi nền kinh tế hội nhập, đòi hỏi người trồng hoa kiểng phải biết liên kết, trồng các loại cây giống mới... đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường. Xuất phát từ thực tế trên, năm 2007, Đảng ủy, UBND phường Tân Quy Đông đã bàn bạc và thống nhất đưa ra mô hình làm ăn mới, đó là việc cho ra đời Hợp tác xã Hoa kiểng Tân Quy Đông (gọi tắt là HTX), với 30 xã viên. Sau một thời gian hoạt động, đến nay, HTX đã đạt được kết quả bước đầu đáng phấn khởi, nhất là việc tăng thu nhập, giúp nhiều xã viên vươn lên thoát nghèo.

 Thanh Tuấn đang chăm sóc vườn hoa kiểng của mình, chuẩn bị bán trong dịp Tết này.

Trong đó, có trường hợp của anh Nguyễn Văn Hòa, một trong những xã viên từng có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Năm 2008, anh Hòa được HTX hỗ trợ vay vốn 10 triệu đồng để mua cây giống, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tăng năng suất lao động, vụ mùa năm 2008, sau khi trừ đi chi phí, anh còn lời được hơn 30 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn hoa kiểng của mình, anh Hòa phấn khởi nói: “Hơn một năm nay, đời sống của bà con làm nghề hoa kiểng khá lên trông thấy. Đó là nhờ từ mô hình hợp tác xã làm ăn bài bản, chứ không như thời trước đâu nghen!”. Theo anh Hòa, hiệu quả mà HTX mang lại đó là các xã viên thường xuyên được chia sẻ kinh nghiệm, được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, đầu ra sản phẩm khá ổn định, giá bán cao, không còn tình trạng bị thương lái chèn ép giá như trước...

Gần đây, phong trào trồng hoa kiểng ở Sa Đéc tăng mạnh, tạo thu nhập chính cho nhiều gia đình, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Người trồng thì bán sản phẩm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp lễ Tết. Anh Huỳnh Thanh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hoa kiểng Tân Quy Đông, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn có hơn 10 thương lái chuyên thu gom các loại hoa kiểng, sau đó mang đi tiêu thụ ở các địa phương trên cả nước. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn khách hàng mới, nhằm tăng thu thập, nâng cao đời sống cho các xã viên”.

* Duyên nghiệp với hoa kiểng

Sinh ra và lớn lên ở khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, Thanh Tuấn là con út trong gia đình 4 anh chị em. Truyền thống gia đình sống bằng nghề hoa kiểng, nên máu mê hoa cũng thấm sâu vào Thanh Tuấn từ nhỏ. Hơn mười tuổi, mỗi khi tan học, Thanh Tuấn thường ra vườn phụ giúp cha mẹ tỉa cành, vun phân, tưới nước. Tốt nghiệp THPT, Thanh Tuấn theo học ngành sư phạm điện ở tỉnh Vĩnh Long, ra trường năm 1998 anh công tác tại Chi nhánh điện lực huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long). Tưởng chừng như không dính dáng đến hoa kiểng vậy mà một năm sau, gia cảnh đơn chiếc, cha mẹ già đau yếu không ai phụng dưỡng, nên Thanh Tuấn quyết định xin nghỉ việc, khăn gói về quê, phụ giúp cha mẹ chăm sóc vườn hoa kiểng. Từ đây, anh bắt đầu sự nghiệp của mình trên chính mảnh đất quê nhà và gắn bó với hoa kiểng như một duyên nghiệp.

Vốn cần cù, chịu khó và ham học hỏi, nên cứ đến mùa thu hoạch, Thanh Tuấn luôn là một trong những hộ trồng đạt năng suất cao, thu lợi nhuận nhiều, được bình chọn thanh niên sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Chia sẻ kinh nghiệm, Thanh Tuấn cho biết: “Trồng hoa kiểng vốn ít, lãi nhiều, chủ yếu là tốn công chăm sóc. Nhưng để đạt hiệu quả thì đòi hỏi người trồng phải sáng tạo, có óc thẩm mỹ, đôi tay khéo léo trong việc tạo dáng để làm sao thổi hồn vào hoa kiểng, khiến mỗi thân hoa kiểng có nét riêng của nó và thu hút được khách hàng”. Với những kinh nghiệm được tích lũy theo thực tế, việc trồng hoa kiểng của Thanh Tuấn ngày càng hiệu quả, mỗi năm, sau khi trừ đi chi phí, anh thu được trên một trăm triệu đồng.

Vốn ham thích hoạt động đoàn thể nên ngoài giờ lao động sản xuất, Thanh Tuấn tranh thủ tham gia công tác Đoàn ở khóm Sa Nhiên, được bầu làm Bí thư chi đoàn. Năm 2005, anh làm Chi Hội trưởng Chi Hội sinh vật cảnh phường Tân Quy Đông và sau đó là Chủ nhiệm HTX. Tính tình vui vẻ, hoạt bát, Thanh Tuấn dễ hòa đồng với đoàn viên thanh niên. Thanh Tuấn, kể: “Hồi ấy, các bạn đoàn viên thanh niên ở địa phương chưa mặn với công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Qua thời gian tìm hiểu về tâm tư, tình cảm thì tôi nhận thấy, đa phần các bạn không có công ăn việc làm ổn định. Để giải quyết khó khăn này, Ban chấp hành chi đoàn đã mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho đoàn viên thanh niên vay vốn, phát triển kinh tế. Được giúp vốn và được hướng dẫn kỹ thuật về trồng hoa kiểng, một số bạn trẻ ổn định về kinh tế. Từ đó, họ tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động”.

Như trường hợp của anh Nguyễn Chương Dương, trước đây không có đất sản xuất, sống chủ yếu bằng nghề làm thuê làm mướn, thu nhập bấp bênh. Năm 2007, anh được Chi đoàn khóm Sa Nhiên bảo lãnh cho vay 5 triệu đồng, thuê đất trồng hoa kiểng. Đến nay, anh Dương là một trong những thanh niên vượt khó, làm ăn có hiệu quả. Anh nói: “Tôi trồng hoa trên 2 công đất thuê. Mùa hoa Tết năm rồi, tôi lời được khoảng mười mấy triệu đồng. Mùa hoa Tết năm nay, ngoài hoa cẩm nhung, tôi chuẩn bị thêm nhiều hoa kiểng nữa, hy vọng tiêu thụ tốt. Nói thật, có được như hôm nay, tôi rất biết ơn Chi đoàn khóm, nhất là anh Huỳnh Thanh Tuấn đã hết lòng hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phụ tiếp tìm đầu ra cho sản phẩm...”.

* Phấn đấu vươn lên

“Tất bật với công việc xã hội, nhưng anh luôn chu toàn việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con và quan tâm, chia sẻ vui buồn với vợ. Có lẽ thế mà không khí gia đình tôi luôn đầm ấm, hiếm khi có chuyện rầy rà xảy ra” - Chị Phạm Thị Luyến, vợ anh Thanh Tuấn bộc bạch.

Năm 2008 là bước ngoặt đáng nhớ trong đời Thanh Tuấn: Anh vinh dự được vào hàng ngũ của Đảng, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của. Thanh Tuấn xúc động, nói: “Ngày trước, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn mong muốn và có ý thức phấn đấu vào Đảng. Bởi đây là môi trường lý tưởng để tôi không ngừng học tập, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng và ra sức cống hiến sức mình, góp phần xây dựng quê hương. Tưởng rằng khi tôi về quê làm ăn, cơ hội này không còn, vậy mà giờ đây tôi có thể phấn đấu trở thành đảng viên. Tôi sẽ tiếp tục góp sức cho các phong trào đoàn thể ở địa phương nhiều hơn và nhất là cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào thanh niên lập nghiệp”.

Kể từ khi có Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Thanh Tuấn nằm lòng lời dạy của Bác về hai đức tính “cần, kiệm” để ứng dụng vào thực tiễn trong quá trình sản xuất của mình. Thanh Tuấn tâm sự: “Qua học tập tấm gương của Bác, bản thân nhận thức sâu sắc được những ý nghĩa vô cùng quan trọng, để từ đó mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức rèn luyện bản thân, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho”.

Điều đáng quý ở Thanh Tuấn, như nhận xét của ông Nguyễn Thanh Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Tân Quy Đông: “Là người có lối sống giản dị, chan hòa, gần gũi, hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Chính sự năng động, nhạy bén của tuổi trẻ đã tạo nên một Thanh Tuấn bản lĩnh, tự tin, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Hoa kiểng Tân Quy Đông làm ăn hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tôi tin, trong lớp trẻ hôm nay còn nhiều chàng trai như Thanh Tuấn, những con người không ngại khó, sẵn sàng tiến công trên mọi lĩnh vực. Và, những việc làm được của anh góp phần thắp sáng niềm tin cho các bạn trẻ trên bước đường lập nghiệp, có cơ hội giúp họ khẳng định mình và cống hiến sức mình để xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết