12/07/2013 - 14:19

Chăm sóc sức khỏe cho người suy thận

Các bệnh nhân bị suy thận mạn đang được lọc thận
nhân tạo.

Chương trình Thầy thuốc gia đình do BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long phối hợp với VTV Cần Thơ 2 phát sóng vào 20h Chủ Nhật, 30-6-2013 vừa qua, PGS. TS  Phạm Văn Bùi, Chủ nhiệm Bộ Môn Thận Niệu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh và BS.CKI Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa Hồi sức – Lọc thận của Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Sài Gòn đã giải đáp các thắc mắc của bệnh nhân ở ĐBSCL xung quanh việc chăm sóc, điều trị  cho người bị suy thận. Qua chuyên trang Sức khỏe của Báo Cần Thơ, BVĐK Hoàn Mỹ® Cửu Long xin giới thiệu:

* Bệnh diễn tiến âm thầm

Suy thận là bệnh tương đối phổ biến và hay gặp trong các bệnh đường tiết niệu, trong đó suy thận mạn chiếm 40,4% và không thấy có sự khác biệt giữa nam và nữ. Riêng độ tuổi 16-24 thì thấy nam nhiều hơn nữ. Không thấy có sự khác biệt giữa các vùng, miền; lứa tuổi hay gặp là lứa tuổi lao động từ 16-54 tuổi nên ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của cộng đồng.

Nguyên nhân gây bệnh: Hầu hết các bệnh thận mạn tính khởi phát là bệnh cầu thận, bệnh ống kẽ thận hay bệnh mạch thận đều có thể dẫn đến suy thận mạn. Trong đó, bệnh viêm cầu thận mạn thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ khoảng 40%, do viêm cầu thận cấp dẫn đến, hoặc do viêm cầu thận ở những bệnh nhân có bệnh chuyển hóa, hệ thống, do bệnh cầu thận có hội chứng thận hư. Ngoài ra, còn có bệnh viêm thận, bể thận mạn: chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Còn lại là bệnh viêm thận kẽ (do dùng thuốc giảm đau lâu dài, hoặc do tăng acid uric, tăng calci máu), bệnh mạch thận (xơ mạch thận lành tính hoặc ác tính). Bệnh huyết khối vi mạch thận, viêm nút quanh động mạch thận, tắc tĩnh mạch thận và các trường hợp bệnh thận bẩm sinh (do di truyền hoặc không di truyền).

Rất nhiều người mắc bệnh thận mạn nhưng không biết, bởi bệnh có những dấu hiệu âm thầm, kéo dài. Trường hợp người bị cao huyết áp, dùng thuốc điều trị các bệnh mạn tính khác như khớp, gút, góp phần làm tăng nhanh quá trình suy thận. Vì vậy, khi khám bệnh, bác sĩ phải chú ý khai thác đầy đủ bệnh sử để chẩn đoán chính xác.

* Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

 Người bị suy thận mạn có các biểu hiện: mệt mỏi, chán ăn, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt (do thiếu máu kéo dài), tóc thưa dễ rụng, cơ chân tay teo nhẽo, da khô và mặt mày phờ phạc, vô lực, thờ ơ với mọi công việc. Khi có những dấu hiệu bất thường như: đi tiểu nhiều (2-3 lít/ngày) và tiểu nhiều về đêm, chuột rút, buồn nôn, biếng ăn, mệt mỏi, xuất huyết (chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc xuất huyết dưới da), tiểu ra máu thường xuyên. Ngoài ra, ở bệnh nhân suy thận mạn, do viêm cầu thận mạn còn có triệu chứng phù (trừ giai đoạn tiểu nhiều), phù là do hậu quả của hội chứng thận hư, kết hợp các yếu tố nội tiết khác gây giữ muối và nước trong cơ thể. Các trường hợp này, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa thận hoặc khoa tiết niệu để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.

Ở tuyến cơ sở, có thể dựa vào các triệu chứng: phù, cao huyết áp, thiếu máu. Có thể làm các xét nghiệm: Protein niệu, Urê máu, Creatinin máu để xác định một cách chính xác. Trong đó, xét nghiệm Protein niệu, nếu là viêm bể thận thì chỉ dưới lg/24h, viêm cầu thận mạn thì khoảng 2 đến 3g/24h. Xét nghiệm máu: Urê máu trên 50mg% là bắt đầu tăng. Creatinin máu l,5mg% là tăng rõ. Acid uric cũng tăng. Urê máu và Creatinin máu tăng song song là biểu hiện của suy thận đơn thuần. Urê máu tăng nhiều và Creatinin máu tăng ít là biểu hiện tăng urê ngoài thận…

* Chăm sóc người suy thận mạn

Có thể nói suy thận mạn là một bệnh kéo dài hàng tháng, hàng năm có những yếu tố thúc đẩy quá trình suy thận như:  Cao huyết áp, nhiễm khuẩn, xuất huyết tiêu hóa, mất nước, tắc đường dẫn niệu, ăn quá nhiều protid, dùng thuốc độc với thận, rối loạn nước điện giải: tiêu chảy mất nước,…Do đó, việc làm giảm các yếu tố nguy cơ trên sẽ có ý nghĩa kéo dài quá trình suy thận và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân suy thận. Mức nguy hại thường rơi vào những người  không chú ý đến sức khỏe, không đi khám bệnh khi cơ thể có triệu chứng bất thường hoặc thói quen tự mua thuốc uống dẫn đến bệnh nặng, phải dùng phương pháp chạy thận nhân tạo.

Tóm lại: Suy thận mạn là tình trạng chức năng của thận suy giảm không thể hồi phục. Có thể xác định các giai đoạn suy thận mạn bằng phương pháp đo độ lọc cầu thận. Thường ở giai đoạn cuối, người bệnh suy thận mạn được chỉ định lọc thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận. Đối với trường hợp phải điều trị bằng phương pháp lọc máu thì người bệnh phải tuân thủ nguyên tắc: lọc máu và uống thuốc đầy đủ theo định kỳ, đúng ngày, tránh ăn nhiều thức ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều Kali, ăn vừa đủ các chất bột, đường, chất béo, chất đạm và rau quả theo khẩu phần được bác sĩ chỉ định. Quan trọng nhất là không nên hút thuốc lá, cử rượu bia, cẩn thận khi dùng các loại thuốc có độc tính đối với thận. Đồng thời, bệnh nhân suy thận mạn cần được người thân, gia đình và cộng đồng quan tâm chăm sóc, nâng đỡ về tinh thần.

Đình Khôi (lược ghi)

 

Chia sẻ bài viết