10/04/2008 - 21:18

Chăm sóc bàn chân bệnh nhân đái tháo đường

Người bệnh có thể dùng gương để quan sát bàn chân. Ảnh: BS ĐOÀN THANH TUẤN

Hàng ngày, đôi bàn chân của con người chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể vì phải hoạt động đi, đứng thường xuyên. Việc giữ gìn, bảo đảm “tái tạo sức” cho bàn chân là rất quan trọng. Với người mắc bệnh đái tháo đường thì càng phải hết sức quan tâm bảo vệ, chăm sóc bàn chân. Bởi khi có tổn thương ở bàn chân nó cũng làm gia tăng tỷ lệ nhập viện và đoạn chi. Theo các chuyên gia nghiên cứu về bệnh đái tháo đường, có đến 80% biến chứng đoạn chi ở bệnh nhân đái tháo đường có thể ngăn chặn nếu được chăm sóc và điều trị tốt.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, trên toàn cầu có hơn 170 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Bệnh đái tháo đường và những biến chứng của bệnh đã tạo ra những mối quan tâm đặc biệt cho những nhà quản lý y tế ở các nước. Theo ước tính của Tổ chức Đái tháo đường Mỹ, năm 2007, nước này đã chi trả 116 tỉ USD cho điều trị bệnh đái tháo đường, trong đó có 50% cho điều trị những biến chứng mãn tính. Trong đó, loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây nhập viện hàng đầu.

Thông thường, chi phí điều trị cho biến chứng bàn chân chiếm khoảng 15-25% trên tổng chi phí điều trị chăm sóc sức khỏe cho người đái tháo đường. Bên cạnh những tốn kém về kinh tế, bệnh còn để lại những di chứng khiếm khuyết trên cơ thể nặng nề, có khoảng 40-60% trường hợp đoạn chi dưới không do chấn thương được thực hiện trên bệnh nhân đái tháo đường.

Nguy cơ dẫn đến loét bàn chân thường xảy ra đối với những người mắc bệnh đái tháo đường trên 10 năm hoặc tuổi trên 60 hoặc khi người bệnh có các biểu hiện như: kiểm soát đường huyết kém, có biến dạng bàn chân, chai chân, phỏng rộp da chân, tổn thương thần kinh ngoại vi, bệnh lý mạch máu, giảm thị lực, có biến chứng thận. Bên cạnh đó việc mang giày dép không phù hợp, ngâm chân vào nước nóng gây bỏng (do chân giảm cảm giác), chấn thương, cũng là một trong những nguy cơ gây loét bàn chân.

Bệnh nhân đái tháo đường bị loét bàn chân.

Hầu hết các trường hợp đoạn chi là có vết loét chân trước đó. Vì vậy, trong quá trình điều trị bệnh, bên cạnh sự hướng dẫn, chăm sóc của nhân viên y tế thì người bệnh cần chú ý quan sát chân hàng ngày để kịp thời phát hiện và phòng ngừa biến chứng. Cần quan sát từ gót chân đến các ngón, giữa các ngón chân xem có các dấu hiệu bất thường như: mảng bầm, mảng da khô, sưng nề, da bị sủng nước, vết bỏng rộp, phồng da, thay đổi màu sắc da... Hoặc khi thấy bất cứ vấn đề gì ở chân bất thường so với ngày hôm trước, người bệnh cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Mặt khác, người bệnh có thể dùng gương để quan sát bàn chân. Khi thấy xuất hiện những vết phồng, chai, những mảng da thay đổi màu sắc, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tuyệt đối không tự cắt, tỉa bởi những tổn thương này có thể gây loét. Cần rửa chân và lau chân bằng khăn mềm và xem có máu hoặc mủ dính trên khăn không. Nếu có, phải báo cho bác sĩ biết, không nên cắt quá ngắn móng chân, tay; móc sâu vào các góc, khóe móng. Không nên bỏ giày, dép đi chân không vì có thể làm tổn thương bàn chân khi va chạm vào vật nhọn, cứng. Nên mang giày thích hợp, không quá cứng, gót giày cao vừa phải, giày che được ngón chân và gót chân.

Người bệnh đái tháo đường nên biết cách tự chăm sóc bản thân, tập cho mình thói quen hoạt động thể lực, tiết chế ăn uống, sử dụng thuốc hợp lý để giữ đường huyết, huyết áp và cholesterol trong máu ở mức bình thường. Cần hạn chế hoặc ngưng hút thuốc lá, ngừng uống rượu, giảm cân, tập thể dục hàng ngày (có thể hỏi bác sĩ hướng dẫn hình thức luyện tập nào là thích hợp, ví dụ như đi bộ 30-45 phút/ngày x 3-5 ngày trong tuần). Quan trọng là thực hiện chế độ ăn hợp lý, như: giảm lượng đường, mỡ; tăng cường hoa quả; dùng thuốc đúng giờ hằng ngày; kiểm soát tốt đường huyết. Bệnh nhân cần theo dõi đường huyết, xét nghiệm HbA1c, chức năng thận, nước tiểu định kỳ, giữ đường huyết trong mức an toàn để phòng hoặc làm chậm sự tiến triển của đái tháo đường và các biến chứng của bệnh. Theo hướng dẫn của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF 2005), thì mục tiêu đường huyết lý tưởng là trước bữa ăn < 6,0 mmol/L (< 110mg/dl) và < 8,0 mmol (<145mg/dl) 1-2 giờ sau bữa ăn.

Loét chân và đoạn chi là một trong những yếu tố chủ yếu gây tàn phế và tăng chi phí y tế trong chăm sóc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên việc phòng ngừa ban đầu cũng như đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ có thể làm giảm gánh nặng tàn phế và chi phí điều trị cho cá nhân và cho cả cộng đồng.

Bác sĩ Đoàn Thanh Tuấn

(Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết