01/06/2021 - 09:31

Kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6

Chăm lo, giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện 

Sinh thời, Bác Hồ dành muôn vàn tình yêu thương cho các em thiếu niên, nhi đồng. Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.

Khắc ghi lời dạy của Bác, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ luôn xác định công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần chăm lo, giáo dục những mầm xanh tương lai của đất nước.

“Siêu thị măng non” được Quận đoàn - Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều thường xuyên tổ chức nhằm giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt.

“Siêu thị măng non” được Quận đoàn - Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều thường xuyên tổ chức nhằm giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt.

Chung sức vì đàn em thân yêu

Trung tuần tháng 5-2021, chương trình “Chuyến xe ước mơ” do Hội đồng Ðội (HÐÐ) TP Cần Thơ phối hợp Trường Phổ thông Thái Bình Dương (quận Ninh Kiều) tổ chức đã đến với học sinh nghèo xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền. 20 học sinh vượt khó học tốt trên địa bàn xã, mỗi em được tặng 20 quyển tập, 1 suất học bổng trị giá 300.000 đồng cùng nhiều dụng cụ học tập khác. Huỳnh Lâm, học sinh lớp 6A4, Trường THCS Mỹ Khánh, chia sẻ: “Em rất vui vì năm học mới có đầy dụng cụ học tập do các anh chị tặng. Mỗi dịp hè, em còn được thầy cô giới thiệu địa điểm học bơi, sinh hoạt kỹ năng, rất bổ ích”. Hoàn cảnh gia đình Lâm rất khó khăn, mẹ làm thợ may, còn ba em thì làm mướn nên thu nhập không ổn định. Cuộc sống khó khăn nhưng được thầy cô hướng dẫn, định hướng, Lâm học rất giỏi môn Toán và tích cực tham gia phong trào thiếu nhi. Lâm chia sẻ: “Em cố gắng học thật tốt để sau này trở thành giáo viên, truyền đạt kiến thức cho các bạn nhỏ khác”.  

Năm học 2020-2021, “Chuyến xe ước mơ” đã đến hầu hết các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố. Kết quả, chương trình đã trao trên 3.500 phần quà và hơn 1.000 suất học bổng cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; đặc biệt, có 1 chương trình tặng quà cho thiếu nhi miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lụt. Tổng giá trị chương trình hơn 5 tỉ đồng, từ nguồn vận động xã hội hóa. Chị Lư Thị Ngọc Anh, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch HÐÐ TP Cần Thơ, cho biết: “Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, trong tháng 6, các cấp bộ Ðoàn - Ðội phối hợp với ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục kỹ năng cho thiếu nhi. Nổi bật là tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Quyền trẻ em, diễn đàn lắng nghe trẻ em nói; đồng thời, thành lập các nhóm tình nguyện bồi dưỡng kiến thức tiếng Anh, Tin học; huy động nguồn lực xã hội tặng tập sách, dụng cụ học tập cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn”. Trong đó, có 3 hoạt động lớn cấp thành phố, như: Ngày hội Hoa phượng đỏ, hội thi Tin học trẻ, liên hoan các đội tuyên truyền măng non. Các hoạt động được tổ chức hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Theo chị Ngọc Anh, từ đầu tháng 5 đến nay, HÐÐ thành phố chỉ đạo các liên đội thành lập 10 CLB “Sáng tạo vì xã hội”. Ðây là mô hình mới nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp thiếu nhi học tập và rèn luyện. Theo đó, mỗi quận, huyện thành lập điểm 1 CLB, trong đó quận Ninh Kiều có 2 CLB tại phường An Cư và Nhà văn hóa thiếu nhi quận. CLB “Sáng tạo vì xã hội” là chương trình được thiết kế để thanh thiếu niên trang bị các kỹ năng thiết yếu. Qua đó, giúp các em nâng cao khả năng giao tiếp, năng lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia của các em trong các vấn đề xã hội. Sân chơi này còn tạo điều kiện cho thanh thiếu niên được khám phá năng lực, thế mạnh của bản thân, hoàn thiện và phát triển các kỹ năng sống cần thiết. Ðể đảm bảo các CLB hoạt động hiệu quả, HÐÐ thành phố phối hợp với HÐÐ Trung ương và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho 45 cán bộ chủ chốt về công tác trẻ em ở các địa phương và trường học. Ðây là nền tảng quan trọng thúc đẩy các chương trình giáo dục kỹ năng cho trẻ em đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần giúp trẻ tự tin, năng động hội nhập.

Huy động toàn xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ

Theo thống kê đến cuối năm 2020, TP Cần Thơ có 281.426 trẻ em, chiếm tỷ lệ 21,94% dân số; trong đó có 4.215 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và đều được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng theo Nghị định số 136/2013/NÐ-CP của Chính phủ. Nhằm chăm lo, giáo dục thiếu nhi phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần, đạo đức lối sống, thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo thiếu nhi. Ðơn cử như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện và Trung tâm Công tác xã hội thành phố triển khai mô hình phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (thông qua hình thức sinh hoạt CLB Tuổi hồng). Ðến nay, 9/9 quận, huyện đều đã thành lập CLB Tuổi hồng và định kỳ sinh hoạt hàng tháng. Nội dung sinh hoạt của các CLB tập trung tuyên truyền kiến thức pháp luật liên quan đến trẻ em, tổ chức hoạt động vui chơi giải trí, tập huấn kỹ năng sống.

Các địa phương tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng chất xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Hiện trên địa bàn thành phố có 70/83 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em. Theo ông Lê Hoài Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Trà An, quận Bình Thủy, từ năm 2019, khi phường được xét đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc nhằm để duy trì các tiêu chuẩn này với mục tiêu cao nhất là tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Ông Phương cho biết, để đạt kết quả trên có phối hợp chặt chẽ giữa UBND phường, lực lượng Công an và các đoàn thể phường (Hội LHPN, Ðoàn Thanh niên) trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hiện trên địa bàn phường có 2.132 trẻ, chiếm 22,25% dân số, trong đó 22 trẻ có hoàn cảnh khó khăn và 4 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Các đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình chăm lo, giáo dục trẻ, như: sinh hoạt CLB kỹ năng, đỡ đầu học sinh nghèo. Ðiển hình như Ðoàn phường Trà An, nhận đỡ đầu em Lê Nguyễn Tường Vy, học sinh Trường THCS Trà An. Hoàn cảnh Vy rất thương tâm, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, hiện em sống với ông bà nội. Tuy nhiên, gia đình ông bà nội lại thuộc hộ cận nghèo. Xét thấy gia cảnh Vy quá khó khăn, nhiều năm qua, Ðoàn phường nhận đỡ đầu Vy. Hàng tháng, Ðoàn phường đến thăm và hỗ trợ chi phí học tập 300.000 đồng; đồng thời động viên, tiếp thêm nghị lực để Vy vươn lên trong cuộc sống. Không riêng Ðoàn phường Trà An, trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè diễn ra từ ngày 1-6 đến hết tháng 8-2021, tuổi trẻ quận Bình Thủy phối hợp với các ngành, lực lượng sinh viên tình nguyện tổ chức dạy tiếng Anh; sinh hoạt CLB Tuổi hồng; tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cùng các hoạt động chăm lo thiếu nhi…

Trong Tháng hành động vì trẻ em, các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục trẻ em. Tiêu biểu như: tập huấn, hướng dẫn trẻ em về các kỹ năng sống; kỹ năng tự bảo vệ; phòng chống tai nạn, thương tích và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ em. UBND thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức kỳ nghỉ hè cho trẻ em an toàn và lành mạnh; việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa bàn cư trú phải đảm bảo an toàn. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị quân đội, công an, cơ sở tôn giáo được phép tiếp nhận trẻ em vào các khóa giáo dục, rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nhưng phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, tổ chức xã hội huy động các nguồn lực chăm lo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các em phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết