12/01/2019 - 19:18

Chắc lọc dự án FDI

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-12-2018, cả nước có 3.046 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 18 tỉ USD, bằng 84,5% so với năm 2017. Tính chung vốn điều chỉnh tăng thêm, vốn góp mua cổ phần và vốn đầu tư đăng ký mới, cả nước thu hút trên 35,46 tỉ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Mặc dù giảm so với năm 2017, nhưng chất lượng các dự án được nâng lên và có nhiều dự án vốn đầu tư lớn, chứng tỏ môi trường đầu tư của Việt Nam đang có nhiều hấp lực với DN nước ngoài. Thêm vào đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia, khu vực trên thế giới đang mở ra nhiều cơ hội đón dòng vốn ngoại.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), sự cải thiện mạnh mẽ của các địa phương và việc tận dụng tốt các lợi thế, tiềm năng trong phát triển đã giúp các địa phương thu hút vốn FDI hiệu quả hơn. Năm 2018, toàn vùng thu hút được 133 dự án FDI mới, vốn đăng ký hơn 1,92 tỉ USD. Toàn ĐBCSL hiện có 1.528 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 21,43 tỉ USD. Vùng ĐBSCL đã và đang đổi mới hình ảnh để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước đã mạnh dạn tiên phong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là phát triển tôm sạch, lúa sạch, rau sạch, trái cây sạch... phục vụ cho xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Đây là lĩnh vực mà các nhà đầu tư ngoại cũng đang hướng đến.

Nhiều chuyên gia nhận định, đầu tư nông nghiệp rất rủi ro, đối với ĐBSCL, tiềm năng lớn về nông nghiệp và đang được nhà đầu tư ngoại quan tâm là cơ sở để các địa phương tăng cường mời gọi. Song, các địa phương cũng cần có dự án khả thi và có chính sách ổn định về đất đai mới có khả năng thu hút khối ngoại đầu tư vào nông nghiệp. Bởi sản xuất manh mún, vướng hạn điền,... là vấn đề mà doanh nghiệp (DN) rất ngán ngại đầu tư.

Trên bình diện cả nước, các chuyên gia khuyến cáo để thu hút các dòng vốn FDI hiệu quả và kiểm soát được chất lượng dự án FDI vào Việt Nam cần có sự chắc lọc từ ban đầu, nhằm hạn chế tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Đồng thời phải tiếp thêm lực để các doanh nghiệp (DN) nội lớn mạnh hơn, gia tăng năng lực cạnh tranh. Bởi DN FDI đang giữ vai trò chủ lực trong cán cân xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa, sự biến động của DN ngoại sẽ tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế nếu nền kinh tế quá phụ thuộc vào khối ngoại.

Hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu rộng, dòng vốn FDI dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới, nhưng việc chắc lọc dự án là cần thiết để không hối tiếc và không đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
dự án FDI