02/07/2014 - 20:44

CÂY MÍA CÓ TIẾP TỤC Ở LẠI CÙNG NÔNG DÂN CÙ LAO DUNG?

Cuối cùng thì cây mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cũng vượt qua những áp lực lớn về giá tiêu thụ, về sự bùng phát của nghề nuôi tôm thẻ, để tiếp tục duy trì diện tích gieo trồng gần 8.000ha ở niên vụ mía 2014-2015. Tuy nhiên, về lâu dài, cây mía có còn là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn chưa có câu trả lời.

Rớt giá và thua lỗ

Trở lại vùng nguyên liệu mía huyện Cù Lao Dung sau khi kết thúc niên vụ mía 2013-2014, điều ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là những tiếng thở dài ngao ngán vì giá mía xuống thấp. Anh Nguyễn Hoàng Phục, ở ấp Phạm Thành Hơn, xã An Thạnh II, nói: “Tính ra 5 công mía tôi làm quần quật cả năm mà phải chịu lỗ 17,5 triệu đồng. Hết tinh thần để nghĩ tới cây mía luôn!”. Không chỉ có anh Phục, phần lớn nông dân đã thu hoạch mía ở huyện Cù Lao Dung đều than vãn chuyện thua lỗ do giá mía xuống thấp. Hai niên vụ gần đây, giá mía liên tục sụt giảm từ 20 - 25%, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và cuộc sống của người trồng mía.

Nhiều diện tích mía chuyển sang nuôi tôm đang phát huy hiệu quả.     

Niên vụ mía 2013-2014, nông dân huyện Cù Lao Dung xuống giống được 8.225ha và đến nay đã thu hoạch dứt điểm, năng suất bình quân 120 tấn/ha, tổng sản lượng 985.000 tấn, tăng 31.000 tấn so với niên vụ trước. Tuy đạt năng suất, sản lượng cao, nhưng người trồng mía ở Cù Lao Dung vẫn chưa thể tận hưởng vị ngọt từ thành quả lao động của mình do giá mía liên tục xuống thấp trong suốt thời điểm thu hoạch. Bình quân trong cả niên vụ, giá mía nguyên liệu được thu mua tại nhà máy chỉ 910 đồng/kg cho loại đạt 10 chữ đường (CCS), giảm hơn 250 đồng/kg so với cùng kỳ. Còn nếu bán tại rẫy, giá mía chỉ từ 650 - 790 đồng/kg, tùy theo điều kiện vận chuyển từ rẫy đến xuống ghe thương lái xa hay gần. Ông Đặng Quốc Chí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Nhìn chung, nhờ chuyển đổi giống mới nên năng suất mía bình quân hằng năm đều đạt khá cao. Nhưng do giá mía nguyên liệu giảm mạnh trong vài năm gần đây, trong khi chi phí lao động (làm đất, vô chân, vật tư nông nghiệp, thu hoạch...) đều tăng, nên đa số người trồng mía có lãi thấp, thậm chí một số hộ bị lỗ. Vì vậy, đã có 437,5ha mía được người dân phá bỏ chuyển sang nuôi tôm”.

Nỗ lực giữ cây mía

Do dự báo trước được tình hình, nên các chính sách ổn định diện tích mía đã được lãnh đạo huyện và Phòng NN&PTNT thực thi ngay từ khi kết thúc niên vụ mía 2012-2013. Đây cũng chính là lý do để huyện giữ được gần 8.000ha mía ở niên vụ 2014-2015. Ông Phạm Hồng Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Ở huyện Cù Lao Dung chỉ có cây mía được xem là thích nghi nhất với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Vì vậy, khi chuyện phá mía nuôi tôm bắt đầu diễn ra, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tránh tình trạng phá mía ồ ạt, dẫn đến những hệ lụy về sau. Để người dân yên tâm hơn, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía như: chuyển giao giống mía mới, ứng dụng cơ giới hóa một phần trong sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu mía, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật...”.

Ứng dụng cơ giới hóa, một trong những giải pháp giúp người trồng mía giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Các mô hình cánh đồng mẫu mía ở Cù Lao Dung đều được sử dụng các giống mía mới có năng suất, chữ đường cao như: K88 - 92, K95 - 156... để đưa năng suất mía lên 150 - 180 tấn/ha (hiện tại năng suất chỉ từ 110 - 120 tấn/ha), chữ đường đạt từ 11 - 13CCS và ứng dụng cơ giới hóa một phần trong quy trình sản xuất. Hiện nay, việc cơ giới hóa khâu làm đất, vô chân mía đã được thực hiện, giúp nông dân giảm chi phí từ 15 - 20 triệu đồng/ha so với làm bằng thủ công. Những nỗ lực của lãnh đạo huyện và ngành nông nghiệp cuối cùng cũng được đền đáp, khi đến hết tháng 6 - 2014, diện tích xuống giống niên vụ 2014-2015 của huyện đã đạt 7.789 ha, tức bằng 97,36 % kế hoạch. Không chỉ ổn định được vùng nguyên liệu, những nỗ lực trên còn giúp nông dân hạn chế những thiệt hại trước biến động của giá tôm trong thời gian qua. Tính đến thời điểm hiện nay, trong số gần 540ha tôm nuôi được thu hoạch có đến 70% từ huề vốn đến thua lỗ và 30% còn lại cũng chỉ đạt mức lãi thấp.

Nuôi thủy sản, vẫn là tiềm năng lớn

Do tình hình mùa vụ gần như không còn, nên khả năng số diện tích mía chuyển sang nuôi tôm năm 2014 sẽ tạm thời dừng lại ở con số 437,5ha. Tuy nhiên, việc cây mía có tiếp tục là cây trồng chủ lực trên đất cù lao hay không vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường đường trong nước và nhất là kết quả vụ tôm 2014. Ông Phạm Hồng Văn nhận định: “Nếu giá mía ở niên vụ tới không ổn định, cùng với đó là hiệu quả nuôi tôm từ nay đến cuối năm cao, tình trạng phá mía nuôi tôm ở năm 2015 sẽ còn nghiêm trọng hơn so với năm nay”. Thực tế cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, bất chấp tình hình dịch bệnh bùng phát và gây thiệt hại nhiều nơi, nghề nuôi tôm nước lợ ở huyện Cù Lao Dung vẫn luôn đạt hiệu quả cao và là nơi có tỷ lệ thiệt hại thuộc vào hàng thấp nhất của tỉnh và cả khu vực ĐBSCL. Riêng ở vụ nuôi 2014, trong khi tỷ lệ thiệt hại bình quân toàn tỉnh lên đến 36,6%, thì tại huyện Cù Lao Dung con số thiệt hại chỉ mới 8,7%.

Trong chuyến khảo sát tại địa bàn huyện Cù Lao Dung vào ngày 21-6, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cùng các thành viên trong đoàn đều có chung nhận định: “Diện tích nuôi tôm hiện tại của huyện Cù Lao Dung là chưa tương xứng với tiềm năng, vì điều kiện tự nhiên của huyện là rất lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi thủy sản, nhất là tôm nước lợ”. Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, trong số các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, kể cả trên cả nước, huyện Cù Lao Dung chính là vùng dễ kiểm soát nguồn nước nhất, nên rất thích hợp cho nghề nuôi tôm nước lợ. Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phân tích: “Với 2 bên là hai nhánh sông lớn đổ ra biển bằng cửa Trần Đề và Định An, cùng hệ thống sông rạch chằng chịt, nên không cần phải đầu tư hệ thống thủy lợi cấp thoát nước riêng biệt, mà chỉ cần lợi dụng chế độ bán nhật triều để lấy nước vào và thoát nước ra một cách triệt để. Vì vậy, lãnh đạo huyện Cù Lao Dung và tỉnh Sóc Trăng cần cân nhắc, để phát huy lợi thế tự nhiên này. Đây cũng là giải pháp giúp cho Cù Lao Dung thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng trong tương lai. Tới đây, Bộ sẽ thuyết phục Ngân hàng Thế giới để xây dựng một dự án phát triển nuôi thủy sản hoàn chỉnh cho huyện Cù Lao Dung”.

Như vậy có thể thấy, việc giữ vững diện tích mía ở niên vụ 2014-2015 chỉ là tạm thời. Còn trong tương lai, cây mía trên đất Cù Lao Dung không thể tự quyết định số phận. Tất cả phải phụ thuộc vào giá mía và nhất là tính hiệu quả của nghề nuôi tôm nước lợ. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, nếu tình hình tiêu thụ mía tiếp tục xấu đi, Cù Lao Dung vẫn có thể giữ lại khoảng 4.000ha (tức khoảng 50% so với hiện tại) nơi khu vực đầu cồn. Với diện tích trên, sản lượng mía của huyện vẫn dư sức phục vụ cho Nhà máy đường Sóc Trăng hoạt động hết công suất.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết