14/03/2012 - 20:42

Cây dừa đứng vững khi "có bạn, có đôi"

Anh Trần Tấn Lẹ bên vườn dừa kết hợp
chăn nuôi.

Anh Trần Tấn Lẹ, ở ấp Phú Quới, xã Tân Hội (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) có hơn 10 công đất, trước đây anh trồng dừa một phần diện tích, phần còn lại trồng cây cam, quýt. Nhưng với trái dừa giá cả bấp bênh, để cây trồng này tồn tại bền vững, anh đã mạnh dạn trồng kết hợp với cây ca cao, nuôi heo để đa canh, giảm rủi ro, nhờ vậy mà gia đình anh có cuộc sống ổn định...

Anh Lẹ trước đây là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hội, sau đó chuyển sang làm cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội của xã cho đến nay. Cây dừa vốn là cây trồng truyền thống của tỉnh Bến Tre, nhưng đầu ra do thị trường quyết định giá. Nghiệm lại câu nói của ông bà xưa “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, anh ngẫm lại điều kiện thực tế gia đình và đi đến quyết định sử dụng một phần đất đầu tư xây dựng chuồng để nuôi heo.

Lúc đầu, anh nuôi heo với quy mô đàn dưới 100 con. Rồi nghĩ đến việc ủ phân heo cho oai, pha lẫn phân hóa học rãi đều trên bề mặt đất trồng dừa và lấy bùn non dưới mương vườn dằn lên để cây trồng hấp thụ chất dinh dưỡng trong thời gian dài, anh thực hiện ngay trên vườn dừa của mình. Nhờ vậy, cây dừa phát triển xanh tươi, mỗi tháng cho thu hoạch trung bình 700 trái... Năm 2005, phong trào trồng ca cao xen trong vườn dừa phát triển, anh mua 300 cây ca cao về trồng và còn sống 250 cây. Cũng giống như dừa, cây ca cao hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển rồi cho trái. Đến năm 2008, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình xây dựng hầm vi sinh - bioga để xử lý chất thải trong nuôi heo. Xã Đa Phước Hội (khi chưa tách xã) được huyện hỗ trợ tiền cho 5 hộ dân thực hiện mô hình. Tuy không có tên trong danh sách được đầu tư mô hình, nhưng qua theo dõi cập nhật thông tin từ báo, đài, anh Lẹ quyết định sử dụng 36 triệu đồng vốn đầu tư làm hầm bioga xử lý chất thải. Đây cũng là thời điểm anh tăng quy mô đàn heo nuôi lên hơn 100 con. Hằng ngày, phân heo, nước tắm heo, nước vệ sinh chuồng đều xuống hầm chứa và từ 6 - 7 ngày sau tất cả chất thải được xử lý theo đường ống sang hầm bên cạnh để bón cho cây dừa. Anh dùng máy bơm và kéo ống dẫn chất thải đã qua xử lý phủ lên bề mặt của một bờ dừa, với diện tích 2 công. Khoảng 1,5 tháng sau, lá dừa chuyển sang màu xanh mơn mởn.

Để cây dừa phát triển tốt anh Lẹ chịu khó đắp bờ bao hai bên bờ vườn. Vào mùa nắng, mỗi ngày anh dành thời gian từ 15 - 20 phút, sử dụng máy bơm hết chất thải đã xử lý phủ lên bề mặt đất trồng dừa. Mùa mưa, anh chỉ bơm vào thời điểm nắng ráo mặt đất. Anh còn đầu tư đóng 4 cây nước, lấy nước ngọt để tắm cho heo. Anh nói vui: Cây dừa được tôi chăm sóc như “con nhà giàu”. Ngay thời điểm này, nước trong mương vườn đã nhiễm mặn nhưng cây dừa vẫn được “tắm” nước ngọt và cung cấp chất dinh dưỡng đều đặn mỗi ngày. Vào thời điểm dừa treo trái, vườn dừa của anh vẫn duy trì sản lượng cho trái thu hoạch.

Cách đây hơn 2 năm, huyện thẩm định và công nhận cơ ngơi nuôi heo của anh đạt mô hình kinh tế trang trại. Theo anh Lẹ, anh cũng như các hộ chăn nuôi khác có quy mô đàn lớn đều áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Vật nuôi được tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ theo độ tuổi, chuồng trại phun thuốc khử trùng tiêu độc thường xuyên, hạn chế cho người lạ vào khu vực nuôi tránh để phát tán mầm bệnh. Hiện quy mô đàn heo nuôi của anh Lẹ trên 200 con heo thịt và 30 con heo nái sinh sản. Heo con do heo nái sinh sản ra được giữ lại nuôi. Mỗi tháng anh đều cho xuất chuồng trung bình 2 tấn heo hơi.

Anh Lẹ chia sẻ: Khi đầu tư hầm vi sinh để xử lý chất thải trong chăn nuôi, mùi hôi gây ô nhiễm môi trường đã được khắc phục đáng kể. Hơn 10 công đất dừa, chỉ bón 2 bao phân kali/năm để khắc phục tình trạng rụng trái non vào những tháng mưa già, còn lại được tận dụng chất thải đã qua xử lý để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây trồng. Nhưng điều ghi nhận là cây trồng phát triển rất tốt, sản lượng trái thu hoạch trung bình từ 700 trái/tháng đã tăng lên 1.300 - 1.400 trái/tháng. Vào thời điểm dừa treo trái, vườn dừa của anh vẫn duy trì sản lượng cho trái thu hoạch. Cây ca cao cũng được tiếp nhận chất dinh dưỡng như cây dừa, nghịch vụ 10 ngày thu hoạch từ 70 - 80 kg, vào vụ 150 kg. Bên cạnh đó, hầm vi sinh xử lý chất thải còn được tận dụng tạo chất đốt phục vụ việc nấu ăn của gia đình. Riêng nguồn thu nhập từ nuôi heo, nếu heo hơi giá 4,7 - 4,8 triệu đồng/tạ anh thu lãi được 600.000 đồng/con, heo hơi giá 4,5 - 4,6 triệu đồng/tạ thu lãi 400.000 đồng/con heo, mỗi tháng bán 2 tấn heo (tương ứng 20 con) thu lãi từ 8 - 12 triệu đồng. Riêng năm 2011, có thời điểm heo hơi nằm ở mức giá từ 5,9 - 6 triệu đồng/tạ, thu lãi tới 2 triệu đồng/con.

Hiện trái dừa khô đã rớt xuống mức thấp nhưng với mô hình cây ca cao xen dừa và kết hợp nuôi heo theo một quy trình hạn chế chi phí đầu vào đã giúp cây dừa tồn tại. Với mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp này anh Trần Văn Lẹ rút ra kinh nghiệm: Nông dân không nên để cây dừa sống đơn lẻ một mình, mà phải chọn một chủng loại cây trồng và vật nuôi phù hợp hỗ trợ nhau, khai thác tiềm năng lợi thế, giảm chi phí đầu vào xuống mức thấp nhất để tăng thêm lợi nhuận. Có như vậy, nông dân mới an tâm gắn bó với cây trồng, vật nuôi để vừa cải thiện thu nhập, cuộc sống khấm khá, vừa tạo được sự bền vững lâu dài.

Bài, ảnh: TRẦN QUỐC

Anh Trần Tấn Lẹ bên vườn dừa kết hợp chăn nuôi.

Chia sẻ bài viết