12/04/2019 - 20:08

Câu chuyện hấp dẫn về sông Mekong 

“Chàng trai Cửu Long” của tác giả Thủy Nguyên nằm trong loạt 3 cuốn “Câu chuyện dòng sông” được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả trong tháng 3-2019. Văn phong ngắn gọn, dễ hiểu, tranh vẽ minh họa sống động, đẹp mắt, tác phẩm đưa mọi người bước vào hành trình khám phá, tìm hiểu về Cửu Long, dòng sông lớn nhất miền Nam nước Việt.

Chàng trai Cửu Long

Với hình thức sách tranh, “Chàng trai Cửu Long” có khổ 20cm x 29cm, in màu, 36 trang, mỗi trang đều có những hình ảnh minh họa dễ thương của 3 họa sĩ: Nhật Vũ, Yến Ngọc và Ru-oi.

Bằng thủ pháp nhân cách hóa, tác giả đã để cho dòng sông xưng là “Tôi” và kể cho mọi người câu chuyện của mình. Mở đầu, dòng sông đã giới thiệu khái quát: “Tôi là chàng trai mạnh mẽ và hào sảng của vùng Tây Nam bộ. Từ hai cánh tay tôi là Tiền Giang và Hậu Giang, một hệ thống kênh rạch dày đặc lan tỏa khắp vùng châu thổ. Người dân miền Tây Nam bộ gắn liền cùng sông nước, tức là gắn liền cùng nhịp sống của tôi đó. Ở nơi đây, nhịp thời gian được tính bằng những con nước ròng, những mùa lũ lên xuống…”. Câu chuyện được tiếp nối bằng 14 chủ đề cụ thể, lần lượt đưa độc giả khám phá con sông đặc trưng của vùng châu thổ Cửu Long.

Với chủ đề đầu tiên “Nguồn gốc bí hiểm của tôi”, người đọc sẽ biết được nơi khởi phát của sông Mekong, những xứ sở sông đi qua, những con số ấn tượng cùng những nguồn lợi chính mà sông mang đến. “Tôi và những cái tên khác nhau”, “Hai cánh tay tôi: sông Tiền và sông Hậu” giải thích về tên gọi ở từng nơi, tại sao tên Mekong? Tại sao tên Cửu Long và lý do nào khiến hiện giờ chỉ còn 7 cửa sông… Bắt đầu từ chủ đề thứ 4 trở về sau, Đồng bằng sông Cửu Long được khắc họa cụ thể, rõ nét, giới thiệu chi tiết về những nét đặc trưng nơi này: từ lúa gạo, tôm cá, những loại trái cây đặc sản đến mùa nước nổi chỉ miền Tây mới có, những lễ hội nổi tiếng, văn hóa ẩm thực, văn minh sông nước, câu hò, điệu lý, nghệ thuật đờn ca tài tử, tính cách con người…

Qua đó, độc giả sẽ hiểu hơn câu hát “Về rẫy ăn còng, về sông ăn cá, về đồng ăn cua”; giải đáp được thắc mắc vì sao ở miền Nam, con trưởng được gọi là “anh Hai”; khám phá giao thông độc đáo của nơi này: từ ghe xuồng, đò, phà, vỏ lãi, cầu khỉ, cầu ván đến những cây cầu dây văng hiện đại. Và vùng đất này hội tụ đủ những yếu tố thu hút du khách gần xa: khí hậu ấm áp, dễ chịu; ẩm thực phong phú với những sản vật độc đáo; con người hiếu khách, hào sảng; câu hò ngọt ngào, tiếng đàn, lời ca réo rắt của đờn ca tài tử… Đặc biệt là những điểm đến du lịch độc đáo, thú vị như: Chợ nổi Cái Răng, Làng hoa Sa Đéc, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Rừng Tràm Trà Sư, Làng cá bè Châu Đốc… càng níu chân du khách.

Câu chuyện của dòng sông không chỉ khơi mở kiến thức mà còn vun bồi tình yêu quê hương, đất nước, để mỗi người sau này sẽ kể tiếp câu chuyện bằng chính hiểu biết và trải nghiệm của mình.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết