09/08/2009 - 20:50

Cậu bé bán vé số với giải ba Tin học trẻ toàn quốc

NGUYÊN BỬU

Đó là Nguyễn Phước Toàn, học sinh Trường THCS Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ngoài giờ đến trường, em tranh thủ thời gian rảnh đi bán vé số dạo, kiếm tiền phụ giúp gia đình. Mùa tựu trường này, Toàn học lớp 9. Câu chuyện về cậu bé bán vé số đoạt giải ba “Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XV năm 2009” khiến nhiều người vô cùng cảm động và thán phục.

* Quả ngọt

Mùa hè năm 2007, Nguyễn Phước Toàn đăng ký tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về tin học, do nhà trường tổ chức. Kể từ đó, em bắt đầu tập làm quen với bàn phím, con chuột, phần mềm, hệ điều hành, kỹ năng thực hành, lập trình... Một năm sau, Toàn tham dự “Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ năm 2008” do Thành Đoàn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học TP Cần Thơ tổ chức, nhưng không đạt kết quả như ý. Sau lần thất bại này, em tự nhủ: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, để tạo động lực tiếp tục phấn đấu. Trước khi diễn ra “Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ năm 2009” là khoảng thời gian Toàn vất vả nhất. Trời tờ mờ sáng, em đạp xe khoảng 9 cây số đến tham dự lớp tập huấn ở Ô Môn. Còn bà nội Toàn đã dậy từ 3 giờ sáng nấu cơm cho em ăn trước khi đi học, và cẩn thận chuẩn bị thêm một hộp cơm và chai nước để Toàn mang theo dùng khi đói.

Cậu học trò nghèo Nguyễn Phước Toàn rất đam mê tin học.
Ảnh: N.B

Sau bao ngày vất vả, cuối cùng thì Toàn cũng gặt hái được quả ngọt: Giải nhất “Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ năm 2009”. Sau đó, Toàn tiếp tục tham gia lớp tập huấn ở Cần Thơ. Kết thúc đợt tập huấn, Toàn là 1 trong 6 học sinh có thành tích cao, được chọn tham gia hội thi toàn quốc ở Hà Nội, tổ chức vào cuối tháng 7-2009. Ông Hùng Anh, cha Toàn kể: “Tôi rất muốn đi theo chăm sóc con, nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên đành để con đi một mình, trong khi các bạn của Toàn đều có cha hoặc mẹ đi cùng. Sợ con tủi thân, tôi động viên Toàn cố gắng vượt khó, nói với nó lúc nào cũng có cha dõi theo từng bước chân con. Mấy ngày trước khi đi thi, thầy cô của Trường THCS Thới An mua tặng cho Toàn thêm một bộ quần áo. Hành lý của nó chỉ vỏn vẹn có 3 bộ quần áo đi học và mấy cái áo thun mặc ở nhà, cũng vừa đủ để trong chiếc ba lô nhỏ...”.

Nhớ đến khoảng thời gian ở Hà Nội, Toàn kể: “Khi được ra Hà Nội dự thi em rất thích. Nhìn bạn bè xung quanh, ai cũng mang theo máy tính xách tay, trông rất tự tin. Còn mình, thú thật em không tự tin lắm. Thời gian làm bài thi 180 phút. Đề thi tương đối khó nên khi làm em gặp nhiều lúng túng. Trong phần thực hành bài tập, chương trình chạy cứ báo lỗi, nhưng không chỉ ra sai ở điểm nào. Em cứ sửa đi, sửa lại rất nhiều lần, nhưng cuối cùng thì bài thi của em cũng hoàn tất”. Thi xong, Toàn không nghĩ mình sẽ đạt giải. Hôm sau, khi công bố kết quả, Toàn đạt giải ba, em vui mừng khôn xiết, trước sự chúc mừng của thầy cô và bạn bè...

Còn ở nhà, ông Hùng Anh đứng ngồi không yên, đến khi nghe tin Toàn đạt giải ba, ông mừng đến rơi nước mắt. “Cả đêm, tôi không tài nào chợp mắt. Nhớ lại ngày trước, thấy con vô tiệm Internet, tôi rất lo lắng, sợ con lêu lổng, ham chơi, không chuyên tâm học hành, nên tôi đến gặp thầy, cô hỏi chuyện, mới vỡ lẽ cháu vào tiệm Internet làm bài tập gởi cho thầy. Tội nghiệp Toàn, gia đình nghèo, tôi lo chạy gạo hằng ngày cũng đủ mệt, lấy đâu ra bạc triệu để mua bộ máy tính cho con học...” - ông Hùng Anh bùi ngùi nói.

Không có tiền mua máy tính, Toàn dùng tờ giấy cứng vẽ mô phỏng bàn phím, khi rảnh rỗi, em lấy ra gõ từng phím, tưởng tượng như đang thao tác trên máy tính thực sự. Trong quá trình học, Toàn đã tìm thấy niềm say mê, dần dà hun đúc khát vọng cháy bỏng trong em. Toàn tâm sự: “Thời gian đầu, em rất bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn khi đối diện với máy tính. Nhưng qua hướng dẫn của thầy cô, dần dà em đã sử dụng thành thạo; càng học, em càng thấy thích, muốn được khám phá nhiều hơn về máy tính”.

... Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh chị em, mồ côi mẹ từ nhỏ, Toàn được cha hết lòng thương yêu, dạy dỗ. Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của cha, em như trưởng thành trước tuổi, ý thức được việc phải nỗ lực sẻ chia gánh nặng với gia đình. Ngày nào cũng vậy, Toàn tranh thủ đến trường sớm, mang theo củ ấu luộc hay rau câu vào lớp, bán cho bạn bè. Năm học rồi, Toàn chỉ có 2 bộ đồ đi học mà vải đã phai màu, với nhiều chỗ thâm kim. Những hôm trời mưa, đồ không kịp khô, em đem máng gần chiếc quạt gió để ngày mai có đồ khô mặc đi học. Tranh thủ thời gian rảnh, Toàn làm những việc vặt trong nhà phụ giúp bà nội; những ngày không đi học thì em phụ cha đi bán vé số, kiếm tiền mua gạo đắp đổi qua ngày.

* Vun đắp ước mơ

Thế rồi có người hiểu được nỗi lòng Toàn và cố vun đắp ước mơ cho cậu học trò nghèo, đó là thầy Ngô Bá Đạt, giáo viên dạy tin học Trường THCS Thới An, quận Ô Môn. Chính thầy là người đã phát hiện năng khiếu tin học của Toàn trong một dịp tình cờ. Trước đây, có một nhóm học sinh tham gia lớp bồi dưỡng tin học của trường do thầy Đạt hướng dẫn, trong đó có Nguyễn Phước Đạt và Nguyễn Phước Toàn. Năm 2008, Đạt và Toàn tham dự “Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ”. Kết quả, Đạt được giải nhất, còn Toàn rớt. Năm sau, Đạt chuyển cấp, lên lớp mười, Toàn học lớp 8. Kể từ đó, Toàn được thầy Đạt chú ý kèm cặp nhiều hơn. Thầy Đạt nói: “Có lần tôi theo dõi cũng với bài tập đó, Đạt giải không ra mà Toàn làm được, với cách giải mới, khá độc đáo. Từ đó, tôi thường cho Toàn bài tập nâng cao để luyện tập. Rất nghiêm túc và say mê trong học tập, Toàn thường tranh thủ giờ thực hành trên lớp, mạnh dạn hỏi bạn bè và thầy cô những điều chưa hiểu. Thế là Toàn tiến bộ rất nhanh”.

Không chỉ tận tình truyền đạt kiến thức, thầy Đạt còn giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất để Toàn học tập, phát huy khả năng của mình. Biết được hoàn cảnh em khó khăn, năm 2008, thầy Đạt mạnh dạn đề xuất và được Ban Giám hiệu nhà trường cho Toàn mượn màn hình máy tính của trường. Riêng thầy Đạt thì tặng CPU để em có điều kiện học tập tốt hơn. Hôm có được chiếc máy tính, Toàn vui không tả xiết. Nhưng ngặt nỗi, sử dụng được vài ngày thì máy bị trục trặc, cứ sửa đi, sửa lại nhiều lần mà vẫn không sử dụng được. Thế rồi, phần thưởng giải nhất của “Hội thi Tin học trẻ TP Cần Thơ” mà em nhận được là màn hình máy tính, Toàn rất thích nhưng niềm vui không trọn vẹn. Thấy vậy, thầy Đạt quyết định sử dụng tiền lương tháng của mình, mua CPU tặng em. Nghĩa cử cao đẹp của người thầy, một lần nữa làm Toàn và gia đình cảm kích. Nghe chúng tôi hỏi việc này, thầy Đạt cười nhẹ nhàng, nói: “Việc làm của tôi đâu gì lớn lao, chỉ xuất phát từ tấm lòng của người thầy đối với học trò. Thấy Toàn học tin học tốt, ham máy tính quá mà không có máy sử dụng, nên tôi tặng em món quà này. Tuy số tiền không nhiều, nhưng tôi tin nó có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn đối với Toàn”.

Quả thế, từ ngày có được máy tính, Toàn dành nhiều thời gian học tập, nghiên cứu sâu hơn trên lĩnh vực tin học. Hôm chúng tôi đến nhà, Toàn đang loay hoay lau chùi máy tính một cách cẩn thận, xem như báu vật. “Tấm chân tình của thầy Đạt làm em cảm động, truyền thêm niềm tin giúp em nỗ lực học tốt, để không phụ lòng tin cậy của thầy cô, gia đình và bạn bè đã dành cho em” - Toàn bộc bạch.

* * *

Toàn mong muốn sau này trở thành kỹ sư tin học. Dẫu biết con đường tương lai còn lắm khó khăn, nhưng chúng tôi tin bằng nỗ lực vượt khó, Toàn sẽ biến ước mơ thành hiện thực. Em bày tỏ suy nghĩ chín chắn như người lớn: “Mỗi ngày trôi qua, em luôn tự nhủ: “phải cố gắng hơn nữa, phải học tốt hơn hôm qua vì mình đã nhận được bao sự chăm lo, yêu thương của người thân, của thầy cô, bạn bè. Dù có gặp trở ngại, thất bại lớn lao gì cũng không được nản chí, phải nỗ lực hết mình. Không có con đường dẫn tới thành công nào suông sẻ”. Chia tay tôi, Toàn lại vội vàng rời nhà với xấp vé số trên tay, bước chân thoăn thoắt, ánh mắt ngời sáng niềm vui. Tôi thầm chúc cậu học trò nghèo phải vất vả mưu sinh từng ngày này vững vàng đi tới tương lai, gặt hái được những thành tựu tốt đẹp, bởi em biết vun đắp cho mình niềm tin và khát vọng mãnh liệt.

Chia sẻ bài viết