24/08/2018 - 21:43

Cấp cứu, điều trị kịp thời, đúng cách bệnh nhân bị đuối nước 

Bệnh viện Quân Y 121 vừa cứu sống bệnh nhân bị ngưng tim, ngưng thở do đuối nước. Theo người nhà, bệnh nhân T. đi gỡ lưới giăng cá dưới sông, lưới bị mắc đáy nên anh T. lặn xuống sông để gỡ và bị đuối nước. 

Đuối nước là một trong những tai nạn đáng lo ngại, nhất là khi bước vào mùa lũ. Cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng cách sẽ giúp cứu sống bệnh nhân, tránh được những di chứng nặng nề về sau. 

Bệnh nhân đang được tích cực điều trị. 

Bệnh nhân N.Q.T, 37 tuổi, ở khu vực 8, phường Hưng Phú, quận Cái Răng nhập viện vào Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc trong tình trạng ngừng thở, mạch và huyết áp bằng 0, toàn thân tái nhợt. Bệnh nhân được chẩn đoán nhanh là ngừng tuần hoàn hô hấp do đuối nước giờ thứ 1 và nhanh chóng được tiến hành cấp cứu tối khẩn cấp. Sau khoảng 10 phút tim đập lại, xét nghiệm khí máu, sau đó cho thấy bệnh nhân bị toan hóa máu nặng, chức năng gan thận bị suy giảm, có biểu hiện tổn thương thận cấp (giai đoạn F). Bệnh nhân được tiếp tục điều trị tích cực sau cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công. Sau 4 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân tiến triển tốt dần, các chức năng dần hồi phục.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân đã được cai máy thở thành công vào ngày 20-8. Hiện tại bệnh nhân trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc chậm (do hội chứng não sau cấp cứu ngừng tuần hoàn chưa phục hồi hoàn toàn), tự thở, mạch và huyết áp tự chủ, chức năng gan, thận trở về ngưỡng cho phép, đang được tiếp tục nuôi dưỡng tích cực và tập vận động phục hồi tại giường. Bác sĩ Đặng Ngọc Thuyết, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết, bệnh nhân này có thể có các di chứng về thần kinh (não bộ) cả về tâm thần kinh và vận động, rất khó tiên lượng tốc độ và mức độ phục hồi. Ngoài ra, còn có các di chứng tổn thương để lại trên cơ quan hô hấp về sau này.

Mỗi năm, trung bình Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tiếp nhận từ 3-5 ca, chủ yếu đuối nước sông. Theo bác sĩ Đặng Ngọc Thuyết, khi có đuối nước xảy ra, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Tất cả các nạn nhân sau sơ cứu ban đầu, kể cả những người bị đuối nước đã tỉnh lại sau sơ cứu, đều cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước hay không, các dấu hiệu gợi ý của phù phổi cấp: khó thở, đau ngực hoặc ho; thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi… Các dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Những sai lầm cần tránh trong quá trình sơ cứu: Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động sai vì làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Khi ngạt nước, thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại. Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết