24/04/2024 - 09:40

Canh tác an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu để đảm bảo lợi nhuận cho nhà nông 

ĐBSCL bước vào đợt cao điểm nắng nóng, hạn mặn làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động canh tác của người dân. Do đó, nhu cầu về sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa, rau màu và cây ăn trái để cây tăng sức đề kháng, chống chịu với các diễn biến bất lợi của thời tiết là vấn đề được nhà nông quan tâm hiện nay. Nhất là việc hài hòa bài toán kinh tế, cân đối yếu tố môi trường và đảm bảo thu nhập bền vững cho nông dân.

Tăng nhu cầu dinh dưỡng

Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, việc cân bằng các yếu tố dinh dưỡng mà vẫn đảm bảo hài hòa các yếu tố môi trường, chi phí đầu tư và lợi nhuận được bà con nông dân ở ĐBSCL quan tâm. Theo ông Thái Hồng Khanh, chủ Đại lý Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thái Hồng Khanh, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, 90% khách hàng của Đại lý là nông dân chuyên canh tác sầu riêng trên địa bàn thị xã, 10% còn lại phục vụ các loại cây trồng khác. Trong 2 năm trở lại đây, giá sầu riêng tăng cao nên nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để dưỡng cây, chăm trái, đảm bảo năng suất cũng tăng lên. Người dân không ngại đầu tư cho vườn cây, nhất là sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học để cung cấp dưỡng chất cho cây và ngăn ngừa dịch bệnh. Nhà vườn cũng quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường để đảm bảo chất lượng trái.

Nông dân thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu canh tác lúa theo mô hình ruộng mẫu do Lộc Trời triển khai. Ảnh: CTV

Theo ông Trương Văn Thình, Đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thình Tuyền, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, trước đây, khách hàng của đại lý chủ yếu là nông dân trồng lúa. Nay nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái như cam, bưởi, chanh và sầu riêng. Hiện nay lúa và trái cây đều có giá nên nông dân cũng yên tâm hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, cây ăn trái thường gặp các loại dịch bệnh như vàng lá, thúi rễ, các bệnh tuyến trùng, sốc nhiệt… làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Nhờ sự hỗ trợ của cơ quan khuyến nông địa phương nên nông dân đã có kinh nghiệm xử lý các dịch hại trên cây trồng, chú trọng sản xuất theo hướng thân thiện môi trường và được cấp mã vùng trồng để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ nông sản đầu ra. Đặc biệt, nông dân hiện nay không có tâm lý lạm dụng phân thuốc mà thường sử dụng theo các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây, hoặc trong tình huống có xảy ra dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Thời gian qua Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, ngành Vật tư nông nghiệp Lộc Trời (LTV) cùng với các thành viên khác trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời luôn nỗ lực nghiên cứu để xây dựng và phát triển bộ sản phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng hài hòa ba yếu tố sinh học - hữu cơ - hóa học, giúp giảm dần lượng hóa chất xuống đồng ruộng, tối ưu chi phí cho bà con nông dân, bảo vệ môi trường, góp phần hoàn thiện bộ giải pháp canh tác toàn diện cho từng loại cây trồng và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững mà tập đoàn đã cam kết. Theo đó Lộc Trời triển khai ruộng mẫu để áp dụng bộ giải pháp canh tác toàn diện; nông dân tham gia vào ruộng mẫu với diện tích tối thiểu 5ha. Tính đến vụ lúa đông xuân 2023-2024 Lộc Trời triển khai được hơn 600 điểm ruộng mẫu trên khắp cả nước và tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Theo ông Phạm Văn Phước, cán bộ phụ trách ruộng mẫu Lộc Trời, trước đây nông dân tự sử dụng phân thuốc, sử dụng theo kinh nghiệm canh tác truyền thống là chính, khi dịch hại xảy ra thường lúng túng trong khâu xử lý. Khi tham gia ruộng mẫu Lộc Trời, nông dân canh tác theo quy trình chuẩn, tối ưu hóa việc sử dụng sản phẩm trên cây lúa theo từng giai đoạn để cho năng suất tối đa. Ruộng mẫu được quản lý chặt chẽ đảm bảo mục tiêu giảm phân bón hóa học, tăng sử dụng các giải pháp sinh học, hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo lợi nhuận cho nông dân thông qua việc tăng năng suất vào cuối vụ.

Cân bằng nhiều giải pháp

Trước các yếu tố bất lợi về thời tiết, tình hình sản xuất của nông dân ở nhiều nơi vùng ĐBSCL đều chịu không ít ảnh hưởng do nắng nóng, hạn mặn, đòi hỏi nhà nông có giải pháp canh tác phù hợp.

Bên cạnh việc cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Thái Hồng Khanh ở thị xã Cai Lậy còn có 1ha sầu riêng được trồng từ năm 2000-2005. Theo ông Khanh, năm 2019, 2020 mặn xâm nhập và nhiều nơi người dân chưa có kinh nghiệm để xử lý mặn nên có vườn ảnh hưởng 10-20% số cây chết cũng có vườn lên đến 50-70%. Năm nay qua nghe báo, đài dự báo từ 5-6 tháng trước về hạn mặn có khả năng xâm nhập vào ĐBSCL nên nhà vườn trên địa bàn đã chủ động bổ sung các giải pháp về cung cấp phân hữu cơ cho cây, các hoạt chất sinh học để hỗ trợ cây kháng mặn. Do nằm sâu trong đất liền nên hiện nay, bà con trong khu vực chưa chịu tác động bởi hạn mặn hay thiếu nước tưới tiêu. Song, trước tình hình nắng nóng kéo dài, từ tháng 11-12 âm lịch năm 2023 đến này, nhà vườn không phun thuốc diệt cỏ trong vườn để đảm bảo giữ ẩm độ cho vườn cây, hạn chế sự thoát hơi nước, bổ sung phân bón sinh học, lân, tăng sức đề kháng giúp ngăn ngừa diễn biến bất lợi từ thời tiết.

Theo ông Phạm Văn Phước, hiện nay, Lộc Trời đã triển khai được nhiều ruộng mẫu ở các vùng khó khăn như huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, thị xã Giá Rai, các huyện Hòa Bình, Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu… là những vùng giáp với khu vực hạn mặn và có nước lợ. Mỗi vùng miền điều kiện khác nhau, bộ giải pháp canh tác sẽ được Lộc Trời điều chỉnh sao cho phù hợp để giải quyết các vấn đề về hạn mặn, phèn, tăng sức đề kháng cho cây trồng. Quan trọng là cân bằng giữa việc giảm sử dụng các sản phẩm hóa học, tăng sử dụng các chất hữu cơ cho cây trồng. Qua đó đảm bảo nông dân ở các vùng canh tác có điều kiện khó khăn hơn vẫn đảm bảo giảm chi phí đầu tư, đạt năng suất ổn định, vừa giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và gia tăng lợi nhuận.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết