31/05/2013 - 16:11

Cảnh giác với cúm A (H1N1)

Phát tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh cúm cho người dân tại Trạm Y tế xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ.

Năm 2012, số ca mắc cúm A (H1N1) không nhiều. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, bệnh này có dấu hiệu tăng trở lại, số mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm A (H1N1) tăng cao so với năm 2012. Đáng lo ngại là chỉ trong gần 2 tháng nay, đơn vị chức năng đã ghi nhận 4 ca tử vong do căn bệnh này.

* 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1)     

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 5 triệu trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250.000 đến 500.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ chết trong số các trường hợp nặng từ 5-10%. Kết quả các điểm giám sát cúm toàn cầu, từ ngày 31-3 đến 13-4-2013, trong các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm, có 13,4% vi-rút cúm A (H1N1). Hiện nay, chưa phát hiện sự biến đổi gien của vi-rút cúm A (H1N1) gây đại dịch năm 2009.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, hàng năm, vẫn ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Theo báo cáo giám sát của các tỉnh, thành, 3 tháng đầu năm 2013, có trên 300.000 người nhiễm cúm. Trong đó, có 4 trường hợp tử vong do cúm A (H1N1) tại Yên Bái (2 trường hợp), Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh. Qua kết quả giám sát trọng điểm quốc gia, phân tuýp vi-rút cúm A (H1N1) chiếm tỷ lệ 46% số mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm; trong khi năm 2012, chỉ khoảng dưới 5%.

Trước tình hình này, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi, phát hiện các ổ dịch, đặc biệt, phát hiện sớm bệnh nhân nặng điều trị kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Cục Y tế dự phòng yêu cầu lấy mẫu các trường hợp viêm phổi nặng để xét nghiệm xác định chủng vi-rút gây bệnh; đồng thời, nghiên cứu sự biến đổi gien của vi-rút.

Tại TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, ngành y tế chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A (H1N1), do thành phố không có trong số các tỉnh, thành thực hiện giám sát trọng điểm quốc gia về cúm A, nên nếu bệnh nhân bị cúm A (H1N1) nhẹ thì các cơ sở y tế không lấy mẫu xét nghiệm. Vì thế, có thể có ca bệnh nhưng chưa được ghi nhận. Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và Vắc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: “Tuy không có ca bệnh nhưng ngay từ đầu năm, ngành y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống cúm A (H1N1). Ngành chủ động dự trù kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế, kịp thời triển khai các biện pháp khi có dịch xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố củng cố 2 đội cơ động phòng, chống dịch, hỗ trợ các xã, phường khi cần thiết; đồng thời tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong nhân dân. Vừa qua, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thành lập đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống cúm ở các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng 9 quận, huyện. Trung tâm đã cấp cho các bệnh viện 252 viên tamiflu điều trị cúm, 18 mẫu lấy bệnh phẩm cúm cũng như dự trữ 48 viên tamiflu. 6/9 quận, huyện hoàn tất tập huấn tình hình dịch bệnh cúm, phác đồ cấp cứu, điều trị, tình huống xử lý khi có ca bệnh. 3 quận, huyện còn lại sẽ triển khai tập huấn trong thời gian tới”.

* Chiều hướng bệnh nặng trên người già, trẻ em, phụ nữ mang thai

Mấy năm gần đây, cúm A (H1N1) đã xảy ra ở Việt Nam, tuy nhiên,  trong 2 tháng gần đây, có đến 4 ca tử vong. Thêm vào đó, kết quả giám sát trọng điểm cúm quốc gia cho thấy tỷ lệ vi-rút cúm A (H1N1) trong số các mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm có xu hướng gia tăng, có thể do chu kỳ dịch bệnh. Do đặc tính của các vi-rút cúm, chúng luôn thay đổi và có tính mùa. Năm 2012, cúm B và cúm A (H3N2) đã gây bệnh nhiều trong  cộng đồng nên nhiều người có kháng thể với các tuýp này nên theo dự báo năm nay tuýp cúm A (H1N1) trở nên phổ biến hơn. Bác sĩ Trần Văn Tuấn cho biết thêm: “Cúm A (H1N1) gây viêm đường hô hấp trên, trong khi cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) gây bệnh đường hô hấp dưới. Tuy cúm A (H1N1) không nguy hiểm bằng cúm A (H7N9) và cúm A (H5N1) nhưng do lây qua đường hô hấp nên cúm A (H1N1) lây nhanh hơn và bệnh có chiều hướng nặng trên phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ và các bệnh nhân có bệnh mãn tính như: tiểu đường, tim mạch, hen suyễn… do những người này miễn dịch, sức đề kháng kém hơn người bình thường”.

Hiện nay, ngành y tế đã có vắc-xin tiêm ngừa phòng tránh bệnh này. Một mũi tiêm ngừa 3 loại cúm: H3N1, cúm B, H1N1, tác dụng trong 1 năm. Với trẻ dưới 8 tuổi thì tiêm 2 mũi/năm; sau 1 năm tiêm nhắc lại. Mỗi mũi tiêm gần 200.000 đồng. Hiện nay, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện đều có dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin này.

Bộ Y tế khuyến cáo, người bệnh có các triệu chứng cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh lây lan. Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS…), người già, trẻ em, khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong…

Bài, ảnh: Huệ Hoa

 

Chia sẻ bài viết