17/03/2024 - 07:21

Cảnh giác với căn bệnh âm thầm khiến mắt mù lòa 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến thứ hai thế giới, chỉ sau đục thủy tinh thể. Bệnh thường diễn biến âm thầm, khi bộc phát triệu chứng đã để lại di chứng vĩnh viễn cho đôi mắt. Bác sĩ chỉ có thể đưa ra giải pháp làm chậm tiến trình diễn tiến bệnh chứ không thể phục hồi thị lực như trước. Vì thế, hưởng ứng Tuần lễ glaucoma Thế giới 2024 với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới không có bệnh glaucoma”, các bác sĩ chuyên khoa kêu gọi cộng đồng cảnh giác với căn bệnh này.

ThS.BS Nguyễn Trọng Đức, Phó Giám đốc chuyên môn BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ thăm khám mắt cho bệnh nhân.

Bệnh glaucoma (hay còn gọi là tăng nhãn áp, cườm nước) được xem là “kẻ cắp thị lực thầm lặng” bởi các triệu chứng rất khó phát hiện sớm. Tính đến năm 2020, bệnh đã ảnh hưởng tới gần 80 triệu người từ 40-80 tuổi; trong đó, có đến 4,5 triệu người bị mù, chiếm khoảng 6% dân số thế giới. Bệnh thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Khoảng 50% bệnh nhân ở các nước phát triển và 90% bệnh nhân ở những nước đang phát triển không biết mình mắc bệnh.

Có nhiều loại bệnh glaucoma nhưng 2 loại phổ biến nhất là glaucoma góc mở và glaucoma góc đóng. Loại thứ nhất, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trung niên. Nếu bệnh không được điều trị, một thời gian ngắn sau có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn. Các thành viên trong gia đình của người bị glaucoma có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì bệnh này liên quan đến yếu tố di truyền. Còn bệnh glaucoma góc đóng có các triệu chứng cấp tính rõ ràng như đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng và buồn nôn. Những triệu chứng này thường rất dễ nhầm lẫn với những cơn rối loạn tiền đình có thể khiến bệnh nhân bỏ qua thăm khám mắt.

Hưởng ứng Tuần lễ glaucoma Thế giới 2024, Bệnh viện (BV) Mắt Sài Gòn Cần Thơ tổ chức chương trình khám tầm soát bệnh lý glaucoma từ ngày 1-4 đến ngày 6-4-2024, người dân tham gia sẽ được đo thị lực, thử kính, đo nhãn áp, soi đáy mắt, khám đèn khè, soi góc tiền phòng và tư vấn điều trị bệnh lý glaucoma.

Đặc biệt, chương trình có thực hiện kỹ thuật chụp ảnh đáy mắt bằng máy chụp hình màu đáy mắt tự động và gửi kết quả đến phần mềm AI để phân tích và chẩn đoán. Trong vài phút, sẽ có kết quả chính xác trên cơ sở tổng hợp các dữ liệu hình màu đáy mắt của của bệnh nhân. Qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng, mức độ bệnh và chỉ định phương án điều trị thích hợp, hiệu quả cho bệnh nhân, hạn chế biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới thị lực.

Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Đức, Phó Giám đốc chuyên môn BV Mắt Sài Gòn Cần Thơ, trong giai đoạn đầu, bệnh tăng nhãn áp không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Chứng tăng nhãn áp có thể phát triển ở 1 hoặc cả 2 mắt. Nếu không điều trị, người bị tăng nhãn áp sẽ dần dần mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua đường hầm. Theo thời gian, tầm nhìn thẳng về phía trước có thể giảm xuống cho đến khi không còn tầm nhìn. Hiện chưa có phương pháp nào phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm chậm và ngăn chặn tổn thương thần kinh thị giác. Nếu không điều trị, bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mù lòa.

BS Đức cũng khuyến cáo, mọi người nên thường xuyên khám mắt định kỳ 1-2 lần trong năm để phát hiện những dấu hiệu bệnh glaucoma và các bệnh lý về mắt khác. Khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt như nhìn mờ, giống như đang nhìn qua một đường hầm, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán để có hướng điều trị kịp thời.

Những đối tượng cần khám mắt định kỳ để tầm soát sớm bệnh glaucoma và các bệnh về mắt: người trước 40 tuổi nên đi khám mắt định kỳ 2-4 năm/lần; từ 40-60 tuổi: mỗi 2 -3 năm/lần; sau 60 tuổi: 1-2 năm/lần; sau 65 tuổi: khám mắt định kỳ 6-12 tháng/lần; người có tiền sử gia đình mắc glaucoma khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết