04/08/2017 - 14:47

Cảnh báo nguy cơ sức khỏe và cách phòng tránh ngộ độc khí CO

Các-bon mônôxít (CO) là chất khí không mùi, không màu nhưng nếu hiện diện với nồng độ cao trong không khí, nó ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê thậm chí tử vong.

Khói xe là một nguồn phát thải khí CO phổ biến. Ảnh: Alamy

Khói xe là một nguồn phát thải khí CO phổ biến. Ảnh: Alamy

Có nhiều nguồn phát sinh khí CO, chủ yếu từ khói thuốc lá, các quá trình đốt cháy nhiên liệu như đèn dầu, bếp gas, bếp củi, than đá, máy phát điện hoặc các phương tiện giao thông. Trường hợp ngộ độc nguy hiểm thường xảy ra khi khí CO dồn ứ trong không gian hẹp và kém thông thoáng, chẳng hạn sử dụng máy phát điện trong nhà lúc cúp điện.

Tác hại và dấu hiệu nhận biết ngộ độc khí CO

Nếu trực tiếp hít thở không khí chứa khí CO nồng độ cao, khả năng hấp thụ ôxy của chúng ta bị hạn chế, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng các mô trong cơ thể. Theo Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, mỗi năm ở nước này có hơn 400 ca tử vong do ngộ độc khí CO và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hơn 20.000 trường hợp cấp cứu.

Theo các chuyên gia sức khỏe, ngộ độc khí CO có dấu hiệu ban đầu tương tự tình trạng bị cảm cúm nhưng không bao gồm hiện tượng sốt. Một số triệu chứng cụ thể gồm nhức đầu, chóng mặt, cử động chậm chạp, suy nhược và buồn nôn.

Tình huống ngộ độc cấp có thể khiến người bệnh ói mửa, thở dốc, thần trí mơ hồ, mắt mờ và mất ý thức. Trường hợp nguy kịch nạn nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nếu nhận thấy các triệu chứng trên, việc cần làm là lập tức đưa nạn nhân ra ngoài hít thở không khí trong lành, sau đó đưa đến cơ sở y tế chữa trị.

Để tránh trường hợp đáng tiếc, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa dưới đây:

• Thường xuyên kiểm tra an toàn hệ thống bếp gas.

• Không sử dụng than củi, than đá trong nhà hoặc những không gian kín gió.

• Không sử dụng các thiết bị đốt nhiên liệu lỏng trong phòng ngủ hoặc lều khi đi cắm trại (như đèn dầu chẳng hạn).

• Không vận hành máy phát điện hoặc bất kỳ thiết bị khác chạy bằng xăng, dầu bên trong nhà, nhà xe hoặc không gian kín như tầng hầm.

• Nếu nhà xe gắn liền nhà ở, lưu ý không để xe chạy rô-đai ngay cả khi cửa mở.

•  Không bật điều hòa và ngủ trong ô tô đóng kín cửa, đề phòng trường hợp ngủ quên dẫn đến ngạt khí.

• Nếu có điều kiện thì nên lắp đặt đèn báo khí CO ở hành lang gần khu vực phòng ngủ trong nhà. Kiểm tra thiết bị đúng hướng dẫn và quy tắc an toàn của nhà sản xuất. Đảm bảo đồ đạc hoặc màn treo không che phủ thiết bị. Ngoài ra, nên trang bị sẵn thiết bị báo động khí CO dạng bỏ túi để sử dụng ở nơi khác. 

Đường Thất (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết